Việc làm cho lao động sau thu hồi đất?

06/05/2013 10:58

Tình trạng lao động thiếu việc làm sau thu hồi đất nông nghiệp đang là thách thức lớn đối với chính quyền các cấp ở huyện Nghĩa Đàn. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi trách nhiệm từ nhiều phía không chỉ nhà đầu tư, chính quyền huyện, xã mà còn từ sự năng động, linh hoạt của người nông dân.

(Baonghean) - Tình trạng lao động thiếu việc làm sau thu hồi đất nông nghiệp đang là thách thức lớn đối với chính quyền các cấp ở huyện Nghĩa Đàn. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi trách nhiệm từ nhiều phía không chỉ nhà đầu tư, chính quyền huyện, xã mà còn từ sự năng động, linh hoạt của người nông dân.

Gia đình anh Kiều Ngọc Kết ở xóm Tân Lâm, xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Đàn trước đây có hơn 1,2 ha đất nông nghiệp. Với diện tích đó, gia đình anh Kết mỗi năm thu nhập từ 120 - 170 triệu đồng. Khi có chủ trương xây dựng Dự án chăn nuôi bò sữa TH, diện tích sản xuất của gia đình anh Kết thuộc diện thu hồi. Cầm tay số tiền 200 triệu đồng hỗ trợ sau thu hồi đất, cuộc sống của gia đình anh vẫn khó khăn do thiếu việc làm, buộc anh phải trăn trở, tự tìm giải pháp khắc phục. Vợ chồng anh Kết thuê 1,5ha đất thuộc vùng Bãi Chành (Thanh Hóa), để trồng dưa hấu. Vào vụ dưa, vợ chồng anh khăn gói làm lều trại tại chỗ để tiện chăm bón đến hết mùa thu hoạch. Anh Kết tâm sự: “Bao thế hệ trong gia đình tôi gắn bó với nghề nông, bị thu hồi đất nhanh quá khiến người nông dân chúng tôi không đủ thời gian chuẩn bị để thích ứng tạo việc làm từ những nghề mới. Từ lúc đất bị thu hồi, chúng tôi phải nghĩ ra đủ cách mưu sinh”.

Còn gia đình anh Phan Đức Nghĩa ở xóm Tân Lâm, xã Nghĩa Lâm có 5 khẩu, sau khi thu hồi 1ha đất nông nghiệp, may mắn vợ chồng anh được nhận vào làm công nhân vắt sữa và làm tạp vụ ở Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH, bình quân mỗi tháng lương của 2 vợ chồng khoảng 5- 5,5 triệu đồng. Tuy nhiên, vì công việc đó không phải là thường xuyên nên để mưu sinh, gia đình anh phải thuê 3ha đất ở xã Nghĩa Phú để trồng dưa hấu, trong vòng 3 tháng mang lại thu nhập cho gia đình anh trên 100 triệu đồng. Cách làm này được một số hộ dân bị thu hồi đất ở Nghĩa Lâm thực hiện và họ đã đến thuê đất ở các xã như Nghĩa Mai, Nghĩa Thọ, Nghĩa Lạc… để sản xuất.

Nghĩa Lâm là một trong những xã có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi triển khai dự án TH rất lớn. Toàn xã có 450 ha đất bị thu hồi (đợt 1), trong đó tập trung ở các xóm Tân Lâm, Đông Lâm, Bắc Lâm, Nam Lâm và 13 hộ thuộc xóm Khe Lau. Thực hiện cam kết sau khi thu hồi đất, Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH đã tuyển dụng 350 lao động địa phương vào làm trong công ty, song số lao động được tuyển dụng chỉ chiếm khoảng 1/3 nhu cầu thực tế, số còn lại phải đi làm thuê ở các tỉnh miền Nam hoặc xuất khẩu lao động. Việc tuyển lao động không tương thích theo tỷ lệ lao động trên diện tích đất thu hồi là do Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH được đầu tư theo hướng sản xuất công nghệ cao, nên nhu cầu sử dụng ít lao động và lao động có trình độ chuyên môn và điều này thì người nông dân không đủ trình độ đáp ứng yêu cầu này nên họ chỉ là lao động giản đơn như công nhân vắt sữa, trồng cỏ.

Tại Nghĩa Lâm, mặc dù khi thu hồi đất canh tác, chủ dự án và huyện, xã đã có kế hoạch chuyển đổi ngành nghề cho người dân trong độ tuổi lao động. Nhưng, từ kế hoạch đến thực tế là một khoảng cách xa. Nhà đầu tư cam kết tạo việc làm, sử dụng lao động tại chỗ và hỗ trợ mỗi khẩu 250m2 đất để số nông dân bị thu hồi đất trồng cỏ và hỗ trợ máy móc. Tuy nhiên, hiện tại, công ty chỉ hỗ trợ một số lao động trong độ tuổi có việc làm còn đất trồng cỏ và tiền hỗ trợ máy móc đến nay chưa thực hiện. Bà Nguyễn Thị Thanh Vinh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Các xóm thuộc diện thu hồi đất, nhà ít cũng như nhà nhiều đều có người không có việc làm. Trong khi lao động nông thôn chưa tiếp cận được với cơ chế thị trường để chuyển đổi cách thức làm ăn, xã đã quan tâm tạo việc làm cho nông dân như tập huấn chăn nuôi, lợn, gà, o­ng. Một số hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình trang trại VAC, nuôi lợn, nuôi gà… nhưng số này không nhiều. Giải quyết việc làm cho lao động sau thu hồi đất đang là vấn đề bức thiết của Nghĩa Lâm”.

Ở huyện Nghĩa Đàn, quá trình xây dựng thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH, diện tích đất đã thu hồi 2.284 ha, số hộ bị thu hồi đất là 1.719 hộ. Ông Phan Huy Hải - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Huyện đã xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho lao động, như thu hút lao động địa phương vào làm việc tại Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH. Nghĩa Đàn cũng đã nhiều lần làm việc trực tiếp với Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH để giải quyết việc làm cho người lao động thuộc diện bị thu hồi đất và nhờ vậy đã giải quyết cho 750 người được làm việc tại công ty. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động đi làm việc trong và ngoài nước cho hơn 2.700 người”.

Vấn đề hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho nông dân bị thu hồi đất cũng được huyện Nghĩa Đàn hết sức chú trọng. Mô hình tạo việc làm thông qua du nhập ngành nghề thủ công để hình thành, phát triển làng nghề mới cũng được địa phương áp dụng như mô hình trồng nấm, nuôi o­ng, chăn nuôi làm vườn kết hợp… nhưng để áp dụng thành công là điều không dễ. Không đất, không việc làm, cuộc sống của nhiều người nông dân thuộc diện bị thu hồi đất ở Nghĩa Đàn rơi vào khó khăn. Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và ổn định việc làm cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp ở Nghĩa Đàn đang đòi hỏi rất nhiều giải pháp đồng bộ và sự quan tâm của các ngành, các cấp, nhất là của dự án trên địa bàn; trong đó, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho người lao động phải là giải pháp quan trọng hàng đầu.


Thanh Lê

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Việc làm cho lao động sau thu hồi đất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO