Việc làm công nghệ năm 2025: Bức tranh ảm đạm
Các chuyên gia tuyển dụng trong ngành công nghệ cho rằng, thị trường việc làm năm 2025 không hề dễ thở hơn so với năm 2024. Tuy nhiên, cánh cửa sự nghiệp vẫn rộng mở cho những ai biết tự trang bị cho mình những kỹ năng mới.
Trong nhiều năm, Thung lũng Silicon là miền đất hứa cho các chuyên gia công nghệ lành nghề, thu hút họ bằng mức lương hậu hĩnh, công việc tương đối nhàn hạ và những phúc lợi xa xỉ như bữa ăn miễn phí, khu giải trí trong văn phòng. Nhưng thời kỳ đó nay đã qua.
Chắc chắn, điều này không còn là tin tức mới, từ năm 2022 đến 2023, ngành công nghệ Mỹ đã cắt giảm hàng trăm nghìn việc làm. Các công ty đồng loạt tuyên bố họ đã tuyển dụng quá mức trong thời kỳ đại dịch và hiện đang điều chỉnh lại quy mô. Họ khẳng định đây chỉ là một giai đoạn tạm thời.

Tuy nhiên, thực tế hiện tại có vẻ không lạc quan hơn. Các đợt sa thải vẫn tiếp tục, và ngay cả những chuyên gia công nghệ giàu kinh nghiệm cũng phải nộp đơn hàng trăm lần mới có được một lời mời làm việc.
Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI tạo sinh) đang làm dấy lên lo ngại về việc tự động hóa hàng loạt, đặc biệt trong các lĩnh vực như kiểm thử phần mềm và dịch vụ phần mềm, vốn có thể được thay thế dễ dàng trong vài năm tới.
Nhưng liệu đây có phải là dấu hiệu suy thoái thực sự của ngành công nghệ? Hay chỉ đơn giản là sự chuyển mình? Dữ liệu có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau.
Một số chuyên gia tin rằng, việc tuyển dụng nhân sự công nghệ vẫn diễn ra sôi động, chỉ là ngành đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc để thích nghi với thời đại mới.
Ngành công nghệ không chết, nó chỉ đang thay đổi và những người muốn trụ lại cần phải thích nghi với làn sóng chuyển đổi này.
Thị trường lao động đang chứng kiến nhiều đợt giảm biên chế và sa thải
“Tình hình thực sự ảm đạm”, Sam Wright, Giám sát Hoạt động và Quan hệ đối tác tại Huntr – một công ty chuyên hỗ trợ người tìm việc trong lĩnh vực công nghệ thừa nhận.
Wright chia sẻ với tờ Cybernews rằng, kể từ đầu năm 2025, ông đã tiếp xúc với hàng chục ứng viên và nhận thấy số lượng cơ hội việc làm đang giảm mạnh, trong khi các đợt sa thải lại ngày càng gia tăng.
“Không chỉ các vị trí cấp thấp bị ảnh hưởng, mà cả những vai trò cấp trung cũng không thoát khỏi làn sóng cắt giảm. Tôi đang nói chuyện với những người đã có sự nghiệp vững chắc, những người trước đây chưa bao giờ gặp khó khăn khi tìm việc, nhưng giờ đây đã dành từ 4-6 tháng để ứng tuyển và chỉ nhận được vài lời mời phỏng vấn sau hàng trăm đơn xin việc”, Wright cho biết.
Trong khi đó, Jeff Le, cựu Phó Thư ký nội các của cựu Thống đốc bang California Jerry Brown, hiện là Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách công và Quan hệ chính phủ toàn cầu tại công ty an ninh mạng SecurityScorecard (Mỹ) cho rằng thị trường việc làm công nghệ hiện nay là “tàn khốc”.

Ảnh: Internet.
Jeff Le chia sẻ thêm: “Tôi đã tìm kiếm một vị trí trong lĩnh vực chính sách công nghệ vào năm ngoái và nhận thấy số lượng việc làm giảm mạnh, có lẽ ít hơn tới 75% so với trước đây. Các đợt cắt giảm và sa thải diễn ra hàng loạt, khiến thị trường tràn ngập những nhân sự tài năng nhưng không có đủ cơ hội việc làm cho họ”.
“Tôi gần như không thấy vị trí lãnh đạo nào được tuyển dụng. Một số ít cơ hội dành cho cấp đầu vào vẫn còn, nhưng các vị trí cấp trung trở lên thì sụt giảm đáng kể”, ông Jeff Le nhấn mạnh.
Thị trường lao động công nghệ hiện tại thật sự khắc nghiệt. Theo tờ The Washington Post, khi Meta tiến hành sa thải khoảng 3.000 nhân viên vào tháng 2 vừa qua, ngay cả những người có đánh giá 'đạt hoặc vượt kỳ vọng' cũng không được giữ lại. Thậm chí, một số nhân viên vừa trở lại sau kỳ nghỉ thai sản cũng nằm trong danh sách bị cắt giảm.
“Mỗi nhóm đều bị áp đặt hạn ngạch sa thải. Nếu không có đủ nhân sự bị đánh giá kém, họ đơn giản là điều chỉnh xếp hạng hiệu suất xuống thấp hơn để hợp thức hóa việc cắt giảm”, một người dùng chia sẻ trên ứng dụng mạng xã hội ẩn danh dành cho nhân viên công nghệ Blind. Người này thậm chí còn gọi Meta là 'công ty công nghệ tàn nhẫn nhất hiện nay'.
Trước đó, CEO Meta - Mark Zuckerberg từng tuyên bố trong một bản ghi nhớ rằng công ty muốn nâng cao tiêu chuẩn hiệu suất và loại bỏ nhân sự không đáp ứng kỳ vọng nhanh hơn. Tuy nhiên, làn sóng sa thải không chỉ ảnh hưởng đến những người thực sự có hiệu suất kém.
Nhiều cựu nhân viên Meta giờ đây đang lên tiếng bảo vệ bản thân trên nền tảng tuyển dụng LinkedIn, công khai phản bác lại những đánh giá không công bằng từ công ty cũ, đồng thời chỉ trích cách Meta đã truyền tải sai sự thật về đóng góp của họ.
Người lao động cần phải liên tục nâng cao kỹ năng nghề nghiệp
Tỷ phú Elon Musk đã mạnh tay cắt giảm khoảng 80% lực lượng lao động của công ty chỉ trong vài tuần sau thương vụ mua lại Twitter (nay là X) và có vẻ như Mark Zuckerberg cũng đang đi theo hướng tương tự.
Nhưng điều đáng nói hơn là nhiều vị trí bị cắt giảm này sẽ không còn được thay thế bởi con người. AI không còn là một mối lo xa vời nữa mà nó đang phát triển với tốc độ vượt xa khả năng thích ứng của người lao động.
Một số công việc, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ CNTT cấp đầu vào và vận hành trung tâm dữ liệu, đang dần bị tự động hóa và có thể sẽ không bao giờ quay trở lại.
Bên cạnh đó, một bài báo đăng trên tờ The Wall Street Journal (Mỹ) vào tháng 3 năm 2024 cho thấy một thực tế đáng lo ngại, những nhân viên công nghệ vừa bị sa thải đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới.
Nguyên nhân không chỉ đến từ sự cạnh tranh gay gắt mà còn vì sự chênh lệch giữa kỹ năng họ có, mức lương họ kỳ vọng và những gì nhà tuyển dụng thực sự cần.
Các công ty đang đi đến một kết luận rõ ràng, hoặc họ có thể thay thế con người bằng hệ thống tự động hóa với chi phí rẻ hơn, hoặc họ cần tuyển dụng những nhân sự có khả năng vận hành và quản lý các công cụ AI này.
Điều đó đặt ra một vấn đề cấp thiết đó là nâng cao kỹ năng (upskilling), đào tạo lại (reskilling) và đào tạo chéo (cross-skilling) là những yếu tố quan trọng để người lao động tồn tại trong thị trường việc làm mới.

Theo tạp chí Harvard Business Review, vòng đời của các kỹ năng công nghệ hiện nay chỉ kéo dài khoảng 2,5 năm trước khi trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, việc đào tạo lại không hề đơn giản hay diễn ra nhanh chóng.
Jeff Le nhận xét: “Tôi chưa thấy nhiều chương trình đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng thực sự hiệu quả, ngoại trừ việc các công ty đang cố gắng kiểm soát chi phí nhân sự và tập trung nhiều hơn vào việc tìm kiếm những nhân viên có khả năng quản lý tốt”.
Sam Wright cũng đồng tình rằng, có sự thiếu hụt nghiêm trọng về các chương trình đào tạo lại. Ông nhận thấy nhiều nhà tuyển dụng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ứng viên phù hợp, dù số lượng đơn ứng tuyển đang ở mức kỷ lục.
“Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về các nhà quản lý tuyển dụng phải vật lộn với hàng trăm đơn xin việc nhưng vẫn không tìm được ứng viên phù hợp. Đơn giản là vì yêu cầu về kỹ năng đã thay đổi quá nhanh chóng”, Wright chia sẻ với tờ Cybernews.
Một báo cáo từ công ty phát triển nhân tài công nghệ Revature (Mỹ) gần đây cho thấy, hơn 80% các nhà ra quyết định tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT lo lắng về việc không thể tìm đủ nhân tài để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
AI và học máy (machine learning) đang là hai lĩnh vực trọng tâm mà họ kỳ vọng sẽ được lấp đầy, chủ yếu thông qua việc đào tạo lại đội ngũ hiện có thay vì tuyển dụng mới.
Trên thực tế, công ty tư vấn Korn Ferry đã dự báo rằng, đến năm 2030, tình trạng thiếu hụt kỹ năng có thể khiến 85 triệu vị trí liên quan đến công nghệ trên toàn cầu không được lấp đầy.
Còn ngay trong tháng 1 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp trong ngành CNTT đã nhảy vọt lên 2,9%, tăng mạnh so với mức 2% của tháng trước đó, một tín hiệu cho thấy thị trường lao động trong ngành vẫn đang chịu áp lực lớn.
Liệu đây có phải là cơ hội?
Dưới một góc nhìn khác, việc nâng cao hoặc đào tạo lại kỹ năng cho nhân viên hiện tại có thể là phương án hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất đối với các doanh nghiệp.
Điều này cũng phản ánh một thực tế, ngành công nghệ ngày nay đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự thích ứng không ngừng từ cả doanh nghiệp lẫn người lao động.
Thực tế cho thấy, ngành công nghệ đang trở nên thận trọng hơn trong tuyển dụng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các cơ hội đã biến mất hoàn toàn.
John Hurley, Giám đốc Doanh thu tại Optiv – một công ty an ninh mạng của Mỹ, nhận định với Cybernews rằng, đây là “một thời điểm thú vị và đầy cơ hội để bước vào lĩnh vực công nghệ”. Với ông, AI và tự động hóa không phải là mối đe dọa, mà là công cụ nâng cao năng suất, giúp con người đưa ra quyết định tốt hơn.
“Những người biết thích nghi và chuyển đổi sẽ thấy rằng AI không cướp đi công việc của họ, mà thay vào đó tăng cường và mở rộng khả năng làm việc của họ. Công nghệ, dưới bất kỳ hình thức nào, không bao giờ dừng lại mà nó phát triển thông qua đổi mới. Và khi AI tiến bộ, chúng ta cũng phải tiến bộ theo”, ông John Hurley chia sẻ.
Tiến sĩ Kyle Elliott, một huấn luyện viên nghề nghiệp và chuyên gia sức khỏe tâm thần, cũng có quan điểm tương tự. Ông tin rằng AI có thể thay thế một số công việc, nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra một loạt vị trí mới chưa từng có trước đây.

“Bạn không thể mong đợi nhà tuyển dụng chuẩn bị mọi kỹ năng cho bạn. Nếu muốn duy trì lợi thế trên thị trường lao động, bạn phải chủ động học hỏi, nâng cấp bản thân, thay vì chỉ dựa vào những gì bạn đã biết”, Kyle Elliott cho biết thêm.
Trong khi đó, Jason Wingate, CEO của Emerald Ocean, một công ty tư vấn CNTT tại Canada nhấn mạnh rằng, sự biến động luôn là một phần của ngành công nghệ.
Ông đưa ra ví dụ về máy ATM, vào những năm 1970, người ta lo ngại rằng công nghệ này sẽ khiến nhân viên giao dịch ngân hàng mất việc. Thực tế, một số vị trí đã bị thay thế, nhưng máy ATM lại giúp ngân hàng mở thêm nhiều chi nhánh với chi phí thấp hơn, từ đó tạo thêm việc làm mới.
“Máy tính cá nhân vào những năm 80, thương mại điện tử vào cuối những năm 90, ứng dụng di động, điện toán đám mây, tất cả đều từng bị coi là mối đe dọa đối với việc làm. Nhưng thực tế là, chúng không chỉ tạo ra những cơ hội mới, mà còn thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế”, ông Jason Wingate cho biết.
Rõ ràng, AI và tự động hóa không phải dấu chấm hết cho ngành công nghệ, mà chỉ là một sự thay đổi lớn và những ai biết thích nghi, học hỏi và phát triển sẽ luôn có chỗ đứng vững chắc trong tương lai.
Ở đâu xuất hiện vấn đề mới, ở đó có việc làm
Theo Báo cáo Tương lai việc làm 2025 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, khoảng 92 triệu việc làm có thể biến mất vào năm 2030. Nhưng cùng với đó, 170 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra, dẫn đến mức tăng ròng 78 triệu vị trí.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tất cả những công việc mới này đều chất lượng. Nhiều người lo ngại rằng công nghệ có thể vượt xa khả năng thích ứng của con người, không chỉ trong ngành công nghệ mà còn trên toàn bộ nền kinh tế.
Nhà tư tưởng công nghệ Nicholas Carr từng viết hơn một thập kỷ trước rằng: “Mỗi ngày, chúng ta đều được nhắc nhở về sự vượt trội của máy tính. Điều chúng ta quên mất là chính con người đã tạo ra những cỗ máy ấy. Nếu máy móc có thể khiến chúng ta kinh ngạc, đó là bởi vì chúng ta đã trao cho chúng năng lực ấy”.

Ông Daniele Viappiani, nhà kinh tế từng tư vấn về chính sách AI cho Vương quốc Anh và Argentina tin rằng, AI sẽ không phá hủy việc làm, mà ngược lại, sẽ thúc đẩy sự ra đời của nhiều ngành nghề mới.
Theo Daniele Viappiani, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của kinh tế học là không có một số lượng công việc cố định trong nền kinh tế. Quan điểm sai lầm rằng nền kinh tế có một số lượng công việc hữu hạn. Thực tế, khi nhu cầu thay đổi, việc làm mới sẽ xuất hiện.
Ông đặt câu hỏi: “Trước đây, ai có thể tưởng tượng ra những công việc như quản lý mạng xã hội hay thiết kế trải nghiệm người dùng? Nếu chúng ta có vấn đề mới, chúng ta có việc làm mới. Thị trường lao động luôn điều chỉnh để giải quyết các vấn đề mới. Và vì chúng ta sẽ không bao giờ hết vấn đề mới, chúng ta cũng sẽ không bao giờ hết việc làm”.
Những gì chúng ta đang chứng kiến không phải là sự sụp đổ của thị trường việc làm công nghệ, mà là một sự tái cấu trúc để phù hợp với thực tế mới. Việc chuyển đổi này không diễn ra trong một sớm một chiều, và cả doanh nghiệp lẫn xã hội sẽ có thời gian để thích nghi.
“Nếu AI thực sự là một công nghệ cốt lõi có thể thay đổi mọi thứ thì chúng ta nên chuẩn bị cho một làn sóng cơ hội mới, với những vai trò công việc thậm chí còn chưa tồn tại ngày hôm nay. Nhưng không có gì xảy ra một cách tự động. Thành công sẽ phụ thuộc vào sự sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp và đôi khi là những chính sách khôn ngoan của con người”, ông Daniele Viappiani nhận định.
Điều này có nghĩa là thay vì sợ hãi, chúng ta cần tập trung vào việc thích nghi, học hỏi và sáng tạo để đón đầu làn sóng công nghệ, thay vì bị cuốn trôi bởi nó.