Việc làm và tiền lương ở Mỹ tăng: Niềm vui chưa trọn vẹn
(Baonghean.vn) - Năm 2007, năm kinh tế Mỹ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng và lan ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản và tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này lên tới 6,7%, mức cao nhất trong vòng 15 năm trước đó. Tỷ lệ này đến tháng 10/2013 là 7.3%. Điều bất ngờ là, tại thời điểm này, tỷ lệ thất nghiệp còn 5,8% và lượng việc làm tạo ra ở Mỹ lại gia tăng mạnh nhất kể từ 1999 đến nay.
Các tổ chức nghiên cứu tài chính và dịch vụ việc làm ở Mỹ vừa công bố thị trường việc làm của Mỹ tháng 11 vừa qua tăng thêm 321.000 công việc làm so với tháng trước. Đây là tháng có tổng số việc làm tăng mạnh nhất tính từ gần 3 năm qua và là năm khả quan nhất kể từ năm 1999. Điều này cho thấy thị trường việc làm của Mỹ đang trở lại quỹ đạo vận hành hiệu quả. Theo Mark Harrick, chuyên gia của trang web dịch vụ tài chính Bankrate.com, thì việc tuyển dụng mạnh trong tất các lãnh vực: “Chúng ta đã đạt được trong lĩnh vực kinh doanh, và dịch vụ chuyên môn, chăm sóc sức khỏe, sản xuất...”. Đây cũng chính là lúc mà người Mỹ “chứng thực” được kỳ vọng mà họ đặt vào chính sách hồi phục kinh tế của Tổng thống Barack Obama, cũng là minh chứng cho sự hiện thực hóa những lời hứa của ông Obama đối với cử tri Mỹ. Nền kinh tế nước Mỹ đã tăng thêm 2,6 triệu việc làm trong năm nay, đó là mức gia tăng việc làm nhanh nhất kể từ cuối thập niên 1990. Ông Obama cũng không bỏ qua cơ hội để nhấn mạnh vai trò của mình trước truyền thông: “Các doanh nghiệp của chúng ta đã tạo được 10,9 triệu công việc trong 57 tháng liên tiếp và đó là dòng gia tăng việc làm lâu dài nhất trong khu vực tư được ghi nhận.”
Tuy nhiên, theo giới phân tích thì điều đáng nói hơn gia tăng việc làm là mức lương bắt đầu nhỉnh cao hơn. Suốt trong nhiều năm, Mỹ không chỉ rơi vào thất nghiệp, giảm việc làm, mà tình trạng mức lương bị ngưng trệ, giảm sút. Lương tăng, người lao động làm nhiều giờ hơn, nhiều người làm việc hơn. Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp sẵn sàng mở rộng kinh doanh hơn nữa.
Ông Jim Blake - Viện Kế toán Công chứng Hoa Kỳ nhận định: “Tôi nghĩ rằng các nhà quản lý kinh doanh đang dự tính khuếch trương doanh nghiệp của họ và để khuếch trương doanh nghiệp họ đã trải qua quá trình với phần chi nhỏ nhất dành cho lương bổng, thu nhập nhân viên và dàn trải họ hết mức. Và cuối cùng giờ đây họ đang ngày một thoải mái với môi trường hoạt động hiện nay, vì vậy họ sẵn sàng tiếp nhận thêm người.”
Điều này cũng là cơ hội cho các nhà bán lẻ trong mùa mua sắm bận rộn vào dịp lễ. Một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới đang khởi sắc là doanh thu bán lẻ trên thị trường Hoa Kỳ tăng 0,1% trong tháng 10 vừa qua. Đó là dấu hiệu dự báo sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới bởi tháng 12 là mùa mua sắm quan trọng của các nhà bán lẻ, đó là thời gian mà đa số dân Mỹ mua quà và thực phẩm cho mùa lễ hội. Theo báo cáo của Cục thống kê Mỹ thì, nếu không tính những mặt hàng có giá cả dễ biến động như thực phẩm và năng lượng, doanh thu tăng mạnh đến 0,5%. Cùng với đó, việc giá xăng dầu giảm, giá bất động sản tăng và thị trường công việc làm tăng là những yếu tố khuyến khích người tiêu dùng.
Tuy chính phủ Mỹ dự tính vào những tháng cuối 2014 nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,5%, nhưng thực tế lại khả quan hơn với mức tăng vọt đến 3,9%. Điều đó cho thấy kinh tế Mỹ đang tiến triển theo đà nhanh hơn dự kiến ban đầu.
Mặc dù kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, nhưng đó là niềm vui không trọn vẹn. Bởi tính đến thời điểm này thì Mỹ có thể xem là điểm sáng nhất trong bức tranh toàn cảnh u ám của nền kinh tế toàn cầu. Trước các vấn đề phức tạp liên quan đến Ukraina, 18 nước sử dụng đồng Euro chẳng những không phục hồi mà còn trong tình trạng u ám hơn. Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai cũng đã “giảm nóng” đáng kể về đà tăng trưởng. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã lâm vào suy thoái.
Còn Nga, nếu vị thế chính trị và quân sự nước này đang lên, thì tình hình kinh tế lại theo chiều ngược lại. Trong năm 2014 đồng Rúp đã giảm sâu tới 40%, doanh thu xuất khẩu dầu - nguồn thu lớn nhất cho ngân sách nhà nước – bị sút giảm, những biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến việc Nga can thiệp ở Ukraine đang làm cho nền kinh tế nước này “ngấm đòn” và rơi vào tình trạng chao đảo. Đáng buồn là, chính Bộ phát triển kinh tế Nga dự báo kinh tế Nga sẽ trượt vào suy thoái vào năm 2015. Bộ phát triển kinh tế của Moscow cho biết họ dự báo kinh tế Nga sẽ thu hẹp 0,8% trong năm 2015, giảm so với dự báo trước đó là tăng trưởng 1,2%.
Như vậy là, khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007 bắt đầu từ Mỹ, kéo theo đó là vô vàn những biến động phức tạp và xoay vần về chính trị, quân sự... Rốt cuộc, Mỹ vẫn lại là quốc gia sớm nhất lấy lại đà tăng trưởng, phục hồi về kinh tế. Tuy nhiên, đó chưa thể là dấu hiệu khẳng định nền kinh tế toàn cầu theo đó mà phục hồi theo. Do đó tín hiệu khởi sắc của lao động và việc làm ở Mỹ là niềm vui chưa trọn vẹn.
Chí Linh Sơn