Việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ đẩy Syria về đâu?

28/08/2013 18:45

(Baonghean) - Lực lượng đối lập ở Syria cáo buộc quân đội của Tổng thống Bashar al Assad ngày 21/8/2013 đã dùng vũ khí hóa học tấn công quân nổi dậy ở khu Ghouta ngoại ô Thủ đô Damascus, làm hàng trăm người chết, trong đó có nhiều trẻ em và phụ nữ (có tin là trên 1.000 người chết). Ngay lập tức, quân đội Syria và Chính quyền Bashar al Assad đã bác bỏ cáo buộc của lực lượng nổi dậy và cho rằng đây chỉ là sự vu cáo để tạo cớ cho việc can thiệp quân sự vào Syria.

(Baonghean) - Lực lượng đối lập ở Syria cáo buộc quân đội của Tổng thống Bashar al Assad ngày 21/8/2013 đã dùng vũ khí hóa học tấn công quân nổi dậy ở khu Ghouta ngoại ô Thủ đô Damascus, làm hàng trăm người chết, trong đó có nhiều trẻ em và phụ nữ (có tin là trên 1.000 người chết). Ngay lập tức, quân đội Syria và Chính quyền Bashar al Assad đã bác bỏ cáo buộc của lực lượng nổi dậy và cho rằng đây chỉ là sự vu cáo để tạo cớ cho việc can thiệp quân sự vào Syria.

Vũ khí hóa học tác động nhanh trên một diện rộng và có sức hủy diệt rất lớn dựa trên độc tính cao của các chất độc hóa học. Ngày 13/1/1993, tại Pari (Pháp), 127 nước (có Việt Nam) đã ký Công ước cấm sử dụng vũ khí hóa học. Vì thế, khi có tin về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, dù chưa biết ai sử dụng, cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới trong những ngày qua.

Chánh văn phòng của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết ông bị “sốc” vì thông tin trên. Ngày 22/8/2013, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức cuộc họp kín đột xuất để bàn thảo về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Thủ đô Damascus của Syria. Cả thế giới quan tâm và hàng ngày có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tin, bài với nhận định, đánh giá rất phân tán, thậm chí trái chiều nhau về vụ việc này.

Để rộng đường theo dõi và nhận định về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria hôm 21/8/2013, tôi xin nêu ra một số ý kiến sau đây.

1. Ai đã sử dụng vũ khí hóa học?

Có thể khẳng định: Quân nổi dậy hoặc quân đội của Tổng thống Bashar al- Assad (quân đội Syria); chỉ có thể là một trong hai lực lượng này đã sử dụng vũ khí hóa học hôm 21/8/2013 ở ngoại ô Thủ đô Damascus.

Quân nổi dậy tố cáo và đổ lỗi cho quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học làm hàng trăm người chết hôm 21/8/2013.

Chính quyền và quân đội Syria phản đối và cho rằng lực lượng nổi dậy đã vu cáo để tạo cớ cho nước ngoài (Mỹ và Tây Âu) can thiệp quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al Assad.

Ai đúng, ai sai?

Từ khoảng tháng 3/2013 đến nay, quân đội Syria đã giành lại thế chủ động và liên tiếp đẩy lùi lực lượng nổi dậy tại nhiều vùng chiến lược trọng yếu. Trên chiến trường, tương quan lực lượng nghiêng hẳn về phía quân đội của Tổng thống Bashar al Assad, quân nổi dậy đã phải co cụm chống đỡ, phòng ngự. Nếu không có sự hậu thuẫn và viện trợ tài chính, vũ khí và phương tiện chiến tranh của Mỹ, các nước EU và của các nước Ảrập (Ảrập Xêut, Cata, Goodani…) và Thổ Nhĩ Kỳ, thì có khả năng quân đội của Tổng thống Bashar al Assad sẽ làm tan rã quân nổi dậy.

Để cứu lực lượng nổi dậy, EU đã vội vàng bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với lực lượng nổi dậy, Mỹ đã tuyên bố sẽ viện trợ quân sự (phi sát thương) cho quân nổi dậy, các đồng minh Ảrập của Mỹ và EU đã cung cấp thêm tài chính và phương tiện chiến tranh cho quân nổi dậy.

Quân đội của Tổng thống Bashar al Assad đang ở thế chủ động, thế thắng áp đảo quân nổi dậy, thì họ cần gì phải sử dụng tới vũ khí hóa học? Nghĩa là, không có cơ sở nào để nói rằng Chính quyền Bashar al Assad đã sử dụng vũ khí hóa học hôm 21/8/2013 ở ngoại ô Thủ đô Damascus.

2. Tại sao lại sử dụng vũ khí hóa học?

Theo lập luận trên, có cơ sở khách quan để có thể nói rằng lực lượng nổi dậy đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột ở ngoại ô Thủ đô Damascus vào ngày 21/8/2013. Tại sao lực lượng nổi dậy lại sử dụng vũ khí hóa học vào lúc này? Có thể giải mã sự kiện động trời này như thế nào?

Những kẻ sử dụng vũ khí hóa học hôm 21/8/2013 ở ngoại ô Damascus biết rõ tính chất nguy hiểm và sẽ bị thế giới lên án, nhưng vẫn làm. Đây là hành động của những kẻ đang ở trong tình trạng“thế cùng lực kiệt”. Với việc vu cáo chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học, họ hy vọng tạo ra cái cớ có vẻ “hợp lý” để Mỹ, Tây Âu và các đồng minh khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Gioocdani, Cata, Ảrập Xêutsẽ can thiệp quân sự vào Syria để nhanh chóng loại bỏ chính quyền Bashar al Assad. Đó là mục tiêu cao nhất. Nếu chưa diễn ra cuộc can thiệp quân sự như trên, thì lực lượng nổi dậy cũng hy vọng Mỹ, EU và các đồng minh khu vực (nói trên) sẽ tuồn thêm vũ khí, các phương tiện chiến tranh và nguồn tài chính, thực phẩm, thuốc men, tức là “hà hơi tiếp sức” cho quân đội ô hợp, bạc nhược đang bị quân đội của chính quyền Damascus đánh cho tơi tả.

Ngoài hai mục đích cao, thấp nói trên, việc vu cáo quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học, quân nổi dậy còn có ý đồ phá hoại giải pháp thương thảo hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc giữa chính quyền Syria và lực lượng đối lập và giải pháp này đang được cộng đồng quốc tế ủng hộ với sự hậu thuẫn của Nga và Mỹ.

Có lẽ, trên đây là lý do, là mục tiêu mà lực lượng nổi dậy suy tính đi đến hành động sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus 21/8/2013 rồi vu cáo, đổ vấy cho chính quyền Syria.

Để hiểu rõ thêm tình hình Syria, cần nói thêm đôi điều về lực lượng nổi dậy đối lập tại quốc gia này.

Mặc dù lực lượng nổi dậy lật đổ chính quyền Ben Ali ở Tuynidia, chính quyền H.Mubarack ở Ai Cập và chính quyền M.Ga - da - phi ở Libi năm 2011 có nhiều điểm khác nhau, nhưng giữa họ cũng có một vài điểm chung. Đa số những người nổi dậy tham gia lật đổ chính quyền ở ba quốc gia Bắc Phi này, về cơ bản, có mong muốn xóa bỏ cái lỗi thời, lạc hậu, thậm chí là phản động, để có một chính thể lành mạnh hơn vì hạnh phúc của người dân và hưng thịnh của đất nước (cho đến nay, người dân ở các quốc gia này vẫn chưa đạt được mục tiêu này, thậm chí còn đau khổ hơn. Vấn đề này sẽ được phân tích trong một nghiên cứu khác).

Ngược lại, lực lượng nổi dậy chống chính quyền Bashar al Assad ở Syria là một lực lượng ô hợp bao gồm khoảng hơn hai chục nhóm khác nhau. Các nhóm rất khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, về lợi ích, về động cơ hoạt động, về phương thức hành động. Tất cả các nhóm nổi dậy hợp thành lực lượng đối lập ở Syria chỉ có mục tiêu chung là loại bỏ chính quyềnBashar al Assad. Thậm chí hiện nay họ vừa chống chính quyền Al Assad vừa chống nhau, đúng hơn là đánh nhau, tranh giành ảnh hưởng. Họ không có tiếng nói chung, cũng không có chiến lược và chương trình hành động để tái thiết, phát triển đất nước vì lợi ích và hạnh phúc của người dân, thời hậu al Assad. Không có một nhóm nào chiến đấu vì lợi ích của người dân và đất nước Syria. Phần lớn họ chỉ là một lũ đục nước béo cò, sau khi loại bỏ chính quyền Bashar al Assad bọn họ sẽ quay nòng súng lại bắn giết nhau.

Trong các nhóm nổi dậy có cả những phần tử Hồi giáo thánh chiến và Al Queda. Trong hơn hai năm qua, các phần tử Hồi giáo thánh chiến và Al Queda đã từ các nước Bắc Phi- Trung Đông, một số từ Mỹ và châu Âu kéo về chiến trường Syria để thử thách, “rèn luyện” tay nghề, nâng cao“trình độ” và thủ đoạn hoạt động khủng bố. Ông Matthew Olsen, Giám đốc Trung tâm Quốc gia chống khủng bố Mỹ, đã cảnh báo: “Sau khi nội chiến Syria kết thúc, các phần tử khủng bố đến Syria từ châu Âu, Mỹ sẽ hồi hương (về EU và Mỹ - LVC) và số này sẽ tạo nên mối đe dọa đối với chính quyền châu Âu và Mỹ”.

Đó là lý do giải thích hai năm nay Mỹ vẫn luôn do dự trong việc chuyển giao vũ khí cho lực lượng đối lập ở Syria, Oasinhtơn sợ thảm cảnh “gậy ông đập lưng ông”.

3. Sử dụng vũ khí hóa học là việc “động trời”, tại sao Mỹ lại phản ứng rất thận trọng?

Xin nhắc lại một vài sự kiện lớn thể hiện thái độ và xử sự của chính quyền B.Obama đối với cuộc xung đột ở Syria.

Ngày 18/8/2011, Tổng thống B.Obama đã hùng hồn tuyên bố: “Đã đến thời điểm gạt bỏ Tổng thống Assad sang một bên”.

Còn nhớ, sau đó Đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc đã tuyên bố: Chế độ của ông Bashar al Assad chỉ tồn tại tình từng ngày (trong bình luận trên VTV1 - chương trình Toàn cảnh thế giới, tôi đã bác bỏ ý kiến trên và cho rằng ông Bashar al Assad còn tồn tại với đơn vị tính là năm chứ không phải là ngày!).

Tháng 8/2012, lực lượng nổi dậy vu cáo quân đội của ông al Assad sử dụng vũ khí hóa học. Tổng thống B.Obama tức khắc đưa ra phản ứng và xác định “giới hạn đỏ” mà chính quyền Bashar al Assad không được vượt qua (nếu chính quyền Bashar al Assad vượt qua “vạch đỏ”- sử dụng vũ khí hóa học, thì Mỹ và các đồng minh EU, Trung Đông sẽ can thiệp quân sự để loại bỏ Assad).

Lần này, lực lượng đối lập lại tố cáo ngày 21/8/2013 quân đội của ông Assad đã sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus làm hơn một nghìn người chết. Đây là một sự kiện đặc biệt nghiêm trọng khiến dư luận thế giới hết sức lo ngại. Nhưng chính quyền B.Obama, cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, phản ứng rất thận trọng, dè dặt và không có một tuyên bố hùng hồn, cứng rắn nào (như 2011 và 2012) được đưa ra.

Tại sao? Theo tôi có ba lý do:

Một là, có lẽ chính quyền B.Obama không tin lực lượng nổi dậy ở Syria và chưa tin tính xác thực trong lời cáo buộc của lực lượng này đối với chính quyền Bashar al Assad (sử dụng vũ khí hóa học).

Năm 2003, tình báo Mỹ (CIA và DIA) đã báo cáo với Tổng thống là chính quyền Sadam Hussein sử dụng vũ khí giết người hàng loạt và có quan hệ chặt chẽ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Queda. Tổng thống Bush dùng thông tin này (thực ra là bịa đặt) làm cái cớ để tiến hành cuộc xâm lược Irắc. Sau khi chính quyền S.Hussen bị Mỹ loại bỏ, mọi việc trở nên rõ ràng: Ông S.Hussen không sở hữu vũ khí giết người hàng loạt và cũng hoàn toàn không có quan hệ với tổ chức Al Queda.

Mười năm sau, vào năm 2013, ông B.Obama đủ tỉnh táo để không lần theo vết xe đổ đầy tai tiếng của ông G.Bush. Đơn giản là không tin hoặc chưa tin nên Nhà Trắng phải thận trọng, không dại gì tuyên bố, đe dọa ồn ào kiểu “võ biền”.

Hai là, nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền O.bama trong năm 2013 về đối ngoại là tìm mọi cách để năm 2014 rút ra khỏi vũng lầy Apganixtan mà Cabul không rơi vào tay Taliban, không thể trắng tay rời khỏi Apganixtan.

Nền kinh tế Mỹ đang khôi phục chậm chạp, trầy trật, thâm hụt ngân sách lớn, chồng chất nhiều vấn đề an sinh xã hội chưa giải quyết, xã hội phân hóa và phân tâm. Trong bối cảnh đó, chính quyền B.Obama không còn đủ sức để lao vào một cuộc can thiệp quân sự vào Syria, mà chiến trường Syria còn khốc liệt hơn Apganixtan và không loại trừ thảm họa vào được nhưng không có lối ra.

Ba là, vào lúc này, quan hệ Mỹ - Nga còn trục trặc; Mỹ - Trung vẫn “bằng mặt, không bằng lòng”; Ai Cập - đồng minh thứ hai của Mỹ ở vòng cung Bắc Phi - Trung Đông - còn hỗn loạn, chưa biết đi về đâu; quan hệ Ixraen - Palextin vẫn bế tắc; châu Âu thì lủng củng, thiếu thống nhất…

Trong bối cảnh thế giới rắc rối, bất ổn nói trên, chính quyền Obama không thể liều lĩnh như con thiêu thân lao vào chảo lửa Syria.

Trên đây là luận đoán theo logic thông thường. Thỉnh thoảng Nhà Trắng vẫn chơi trò ú tìm giật cục khó đoán định. Đây là máu của kẻ yêng hùng tự cho mình có quyền hành động bất chấp mọi lời can gián phải đạo. Do đó, phải theo sát thay đổi thái độ của chính quyền Obama đối với việc giải quyết cuộc xung đột ở Syria.

4. Syria đi về đâu?

Khó có thể khẳng định điều gì về Syria, chỉ có thể nêu ra các khả năng về xu hướng phát triển trong thời gian tới thông qua các kịch bản.

Kịch bản xấu nhất là Mỹ cùng với các đồng minh châu Âu và Ảrập can thiệp quân sự vào Syria. Có thể là một phiên bản Libi với việc thiết lập vùng cấm bay, tiếp sau đó là vừa dùng tên lửa, không quân đánh phá hủy diệt các mục tiêu chiến lược của chính quyền Bashar al Assad, vừa đưa lục quân, biệt kích vào tham chiến nhằm tới mục tiêu cuối cùng là loại bỏ chính quyền Bashar al Assad.

Pháp đã hung hăng đe dọa can thiệp quân sự vào Syria nếu quân đội Syria dùng vũ khí hóa học. Điện Elysse phải hết sức cẩn thận. Syria khác xa Mali. Nếu Mali là con cáo, Syria là con hổ. Khi không có sự ra tay của Mỹ, Pháp sẽ không có lối ra khỏi Syria!

Ngược lại, Mỹ và “cái đuôi” của Mỹ ở EU (Anh) lần này rất dè dặt, thận trọng trong việc đe dọa dùng vũ lực để loại bỏ chính quyền Bashar al Assad. Như đã phân tích ở trên: Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ khó có thể đơn phương hành động mà không có “giấy phép” của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Khi Nga và Trung Quốc kịch liệt phản đối can thiệp quân sự, thì chưa có khả năng kịch bản Libi ở Syria.

Kịch bản hiện thực nhất là Mỹ và các đồng minh châu Âu, các đồng minh Ảrập sẽ tăng cường tuồn vũ khí và các phương tiện chiến tranh, cung cấp tài chính, đồng thời đưa lực lượng tình báo, biệt kích, đặc nhiệm vào Syria để hỗ trợ cho các lực lượng nổi dậy chống Bashar al Assad.

Mỹ và phương Tây đang triển khai chiến lược dùng người Ảrập chống người Ảrập, dùng Hồi giáo đánh Hồi giáo ở Syria nói riêng, ở vòng cung Bắc Phi - Trung Đông nói chung.

Song song với việc tăng cường hỗ trợ mọi mặt cho lực lượng nổi dậy, Mỹ và phương Tây sẽ tiếp tục xiết chặt bao vây, cấm vận kinh tế đối với chính quyền Bashar al Assad nhằm bóp chết nền kinh tế Syria. Đồng thời với các việc trên, Mỹ và các đồng minh EU và Ảrập sẽ tìm mọi cách ám sát Tổng thống Bashar al Assad. Ở Syria đã, đang và tiếp tục diễn ra theo kịch bản thứ hai nêu trên với quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp, khốc liệt.

Như vậy, cuộc xung đột ở Syria sẽ tiếp tục ngày càng đẫm máu. Có lẽ, từ nay đến cuối năm 2013 chưa hội đủ các điều kiện cần thiết cho một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột, mặc dù Nga, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục theo đuổi phương thức hòa bình, hòa hợp dân tộc trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên liên quan.


Thiếu tướng Lê Văn Cương (Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an)

Mới nhất
x
Việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ đẩy Syria về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO