Việt Kiều tại Pháp đóng góp cho sửa đổi Hiến Pháp năm 1992
Việt kiều tại Pháp cho rằng, mô hình mới hiến pháp mới phải đưa xã hội đạt được tiến bộ mới so với mô hình dựa trên Hiến pháp 1992.
Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Bộ Chính trị chỉ thị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp từ ngày 2/1- 31/3/2013. Việc lấy ý kiến của Kiều bào đối với việc sửa đổi Hiến pháp là công việc hết sức quan trọng, góp phần vào thành công trong công cuộc xây dựng đất nước. Phóng viên VOV phỏng vấn Việt kiều tại Pháp về sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Anh Trần Bằng, Ban Chấp hành Hội Người Việt Nam tại Pháp: “Đối với trí thức người Việt tại Pháp thì có 3 quan tâm lớn nhất là về chủ quyền, biên giới lãnh thổ, vấn đề vị trí của Việt Nam và đời sống của người dân. Mô hình Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi. Việt Nam mới bắt đầu mô hình mới có thể nói chưa đủ độ lâu để kiểm chứng tất cả những thử nghiệm của mình. Việt Nam nằm trong một thế giới biến động chịu nhiều tác động từ bên ngoài, nên việc đòi hỏi một điều khoản cụ thể nào đó có lẽ là không cần thiết. Điều quan trọng là mô hình mới hiến pháp mới phải đưa xã hội đạt được những tiến bộ mới so với mô hình phát triển dựa trên Hiến pháp 1992”.
Chị Nguyễn Hồng Hà, nghiên cứu sinh về luật hiến pháp, đã làm việc tại Tòa án hiến pháp của Pháp từ 3 năm qua, nghiên cứu về đề tài “Những ngoại lệ trong Luật Hiến pháp của Pháp”: “Sau khi đọc chương trình cải tổ Hiến pháp của Việt Nam thì điều đầu tiên làm tôi rất mừng là nhà nước Việt Nam quyết định đưa vào Hiến pháp nhiều quyền lợi cho nhân dân. Sau khi đọc xong, tôi băn khoăn, hiện giờ chưa thấy Nhà nước nói đến việc có một cơ quan, một tòa án có thẩm quyền để xử những vụ vi phạm hiến pháp. Ví dụ khi một cơ quan Nhà nước làm trái Hiến Pháp thì trong trường hợp này, một cơ quan thẩm quyền nào khác có thể xử vụ vi phạm này.
Hiến pháp là văn bản có thẩm quyền cao nhất. Vậy khi Nhà nước đưa ra một cơ quan có thẩm quyền, thì cơ quan đó có những đặc trưng hay thẩm quyền quyết định gì. Chẳng hạn không thể yêu cầu một ông thẩm phán ở một tòa án dân sự hay hình sự để xử về vi phạm hiến pháp. Cơ quan thẩm quyền này phải chia rẽ riêng không liên quan đến các tòa án khác. Tôi thấy điều này rất quan trọng, vì Hiến pháp được người dân chấp nhận và được thực hành thì phải có một cơ quan có thẩm quyền để xử, ví dụ khi có trường hợp vi phạm hiến pháp”./.
Theo (vov.vn) - L.T