Việt Nam: 47 triệu người thường xuyên hút thuốc lá thụ động

Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới, trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành có một người hút thuốc. Đặc biệt, có tới 47 triệu người thường xuyên phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà. Hiện tượng vị thành niên hút thuốc lá ở nước ta cũng khá phổ biến. Làm thế nào ngăn chặn “những cái chết được báo trước” do thuốc lá là câu hỏi không dễ tìm lời giải đáp.

Thuốc lá: Bao vây từ công sở về nhà

Mặc dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5, trong đó quy định rõ mức xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng cũng không có tác dụng là bao với nhiều đấng mày râu nghiện thuốc lá.

Chị Hà Thu, làm việc tại một cơ quan nhà nước trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bức xúc: “Phòng tôi có 3 nam thì có 2 người nghiện thuốc. Trước đây, họ cứ vô tư hút thuốc trong phòng. Chị em bức xúc lắm nhưng ngại góp ý. Gần đây, một cô trong phòng có bầu nên đề nghị họ không hút thuốc trong phòng. Từ đó, mỗi khi hút thuốc họ mới đi ra khỏi phòng. Tuy nhiên, nhiều lúc mùi thuốc lá vẫn len lỏi vào trong phòng, khi họ ra hút thuốc ngay ngoài hành lang…”.

Phụ nữ và trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhất bởi khói thuốc thụ động

Không chỉ ở công sở, nhiều người còn bị khói thuốc bao vây cả ở nhà. Không ít nam giới không hề có ý thức giữ gìn sức khỏe bản thân đã đành, mà còn vô ý thức đối với sức khỏe của những thành viên khác trong gia đình, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ. Nhà bà Hạnh (Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) có chồng và con trai đều hút thuốc. Bà Hạnh cho biết, 2 người đàn ông trong gia đình bà có thể hút thuốc ở bất cứ đâu, kể cả trong phòng ngủ. Lấy nhau 32 năm thì từng ấy năm bà Hạnh phải hút thuốc lá thụ động từ chồng. Có lẽ chính vì lây nhiễm thói quen hút thuốc từ bố nên cậu con trai vừa bước vào tuổi thanh niên đã tập tành hút thuốc và giờ cũng nghiện thuốc lá. Đến khi cậu con lấy vợ, có con nhỏ, bà Hạnh khuyên chồng và con không nên hút thuốc trước mặt trẻ nhỏ thì 2 người chỉ tránh hút thuốc khi có đứa trẻ trong phòng, còn không thì vẫn hút thoải mái. Bà Hạnh phàn nàn: “Gần đây tôi hay bị tức ngực, ho nhiều, không biết có phải do hít khói thuốc lâu năm không…”.

Khói thuốc lá: Kẻ thù của sức khỏe

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới. Tỷ lệ đang hút thuốc lá, thuốc lào hiện nay (tổng dân số từ 15 tuổi trở lên) là 23,8% tương đương 15,3 triệu người. Trong số người trưởng thành, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 47,4% và ở nữ giới là 1,4%. Nhóm tuổi có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất là trong độ tuổi lao động (từ 25 đến 50 tuổi). Đáng chú ý là thanh thiếu niên bắt đầu sử dụng thuốc lá sớm và dễ dàng tiếp cận thuốc lá.

Tỷ lệ người phải hút thuốc lá thụ động ở nước ta rất cao: tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà là 67,6% và tại nơi làm việc là 49,0%. Đặc biệt, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ gần 70%, của trẻ em gần 50%.

Nhiều người vô tư hút thuốc nơi công cộng

Hút thuốc lá rất nguy hại cho sức khỏe con người – Sự thực đó nhiều người nghiện thuốc biết nhưng đáng buồn là họ thường phớt lờ mối hiểm họa này để nuông chiều sở thích của bản thân. Theo nghiên cứu, hút thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh khác (ung thư vòm họng, ung thư da, loãng xương, ung thư thanh quản, phế quản, đục nhãn mắt, loét dạ dày, liệt dương, giảm khả năng sinh sản…) do khói thuốc lá có chứa hơn 7.000 chất hoá học, trong đó có nicotine là chất gây nghiện và khoảng 70 chất là tác nhân gây ung thư, điển hình là các chất như nhựa thuốc lá (tar), benzen, carbon monoxide.... Người nghiện thuốc lá có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 đến 10 lần so với người không hút thuốc lá. Ở Việt Nam, đối với nam giới, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong sớm với gần 11% tổng số ca tử vong.

Khói thuốc lá thụ động là một trong các tác nhân gây nhiều bệnh về tim mạch, phổi, làm suy giảm chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản ở cả nam và nữ. Khói thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ bệnh tim lên 25 - 30%, mắc bệnh phổi lên 25% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 82%...

Hút thuốc: Hành vi cần xử phạt nặng

Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, người hút thuốc lá có nghĩa vụ: Không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi; Giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.
 
Luật cũng quy định rõ những địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên như cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: nơi làm việc; Trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng; phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện…

Còn theo Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi: Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá...

Sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi: bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá; không treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi...

Quy định và các chế tài xử phạt đã có, thế nhưng, theo nhiều chuyên gia y tế và luật sư, việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng sẽ gặp khó khăn vì hành vi này ở nước ta rất phổ biến. Người có thẩm quyền xử phạt ít trong khi người vi phạm đông, diễn ra trên địa bàn rộng.

Điều quan trọng nhất để giảm thiểu hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, hút thuốc trước mặt người khác… chính là ý thức của mỗi người hút thuốc lá. Đặc biệt, họ phải nhận thức được rằng hút thuốc lá nguy hại cho sức khỏe của chính họ, thì từ đó, họ mới nghĩ đến sức khỏe của những người xung quanh.

Tại Việt Nam, trong số 4 nguyên nhân gây tử vong cao thì thuốc lá đứng hàng thứ hai sau HIV và tiếp theo thuốc lá là rượu và tai nạn giao thông. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và nếu không có biện pháp kịp thời, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người (gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm).

Theo (GD&TĐ) -LH

tin mới

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.