Việt Nam-Australia và New Zealand thiết lập đối tác chiến lược
Việt Nam với Australia và New Zealand nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế...
Tối 20/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Chính phủ nước ta đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng duyệt đội danh dự quân đội New Zealand |
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm nay của Người đứng đầu Chính phủ không chỉ góp phần củng cố, thắt chặt sự tin cậy chính trị giữa các nhà lãnh đạo cấp cao mà còn tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam với Australia và New Zealand hướng tới thiết lập Đối tác chiến lược.
Đây là dấu mốc mới quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với hai nước, tạo khuôn khổ chính trị và cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác trong những lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược.
New Zealand đón Thủ tướng bằng nghi thức truyền thống của thổ dân Maori |
Sau 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Australia và New Zealand đều đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam. Đặc biệt coi trọng chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Australia và New Zealand đều tổ chức các nghi thức lễ tân trọng thị ở mức cao nhất, trong đó New Zealand không chỉ chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bằng 19 loạt đại bác mà còn tổ chức nghi thức truyền thống chào đón thượng khách độc đáo của người dân bản địa Maori.
Trong 2 ngày ở thăm Australia và chỉ 1 ngày ở thăm New Zealand, từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên tục có các cuộc hội kiến, hội đàm với các nhà lãnh đạo và chính giới cấp cao nhất của bạn cũng như gặp gỡ các tổ chức chính trị, xã hội, hữu nghị, sinh viên và cộng đồng người Việt ở hai nước, thậm chí cuộc đối thoại của Thủ tướng với giới doanh nghiệp New Zealand buộc phải tổ chức ngay trong bữa ăn sáng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Tony Abbott nhất trí tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam- Australia |
Nhất trí về một tầm nhìn chung cùng nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác toàn diện, hướng tới Đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Australia và New Zealand.
Đây là kết quả chung quan trọng nhất trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ghi dấu mốc mới trong quan hệ song phương, tạo khuôn khổ cả về chính trị và pháp lý để Việt Nam cùng Australia và New Zealand chia sẻ quan điểm trong nhiều vấn đề mang tầm chiến lược, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác trong các lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phân tích: “Việt Nam và Australia cũng như với New Zealand có nhiều điểm tương đồng có thể bổ sung cho nhau. Ví dụ, chúng ta chuyển sang giai đoạn phát triển sâu hơn thì nhu cầu về phát triển ngành dịch vụ, ngành nông nghiệp, làm sao để ứng dụng được công nghệ cao hơn trong phát triển nông nghiệp để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Australia và New Zealand là những nước có thế mạnh về mặt dịch vụ như: ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, hay là Australia là nước xuất khẩu về than, khí hóa lỏng. Đây là 2 lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu thời gian tới đáp ứng nhu cầu về năng lượng trong quá trình phát triển mới của ta. Đây cũng là những vấn đề mà Thủ tướng ta đã nêu và trao đổi với Chính phủ cũng như doanh nghiệp nước bạn…”.
Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp Australia |
Ngay trong khuôn khổ chuyến thăm, Việt Nam với Australia và New Zealand cũng đã thống nhất và ký kết nhiều thoả thuận hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực Australia và New Zealand có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: nông nghiệp, công nghịêp khai khoáng, khoa học kỹ thuật, lao động kỳ nghỉ và phát triển nguồn nhân lực. Việt Nam, Australia và New Zealand cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau, trong đó sẽ sớm trao đổi để tạo điều kiện cho hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam vào thị trường Australia và New Zealand.
Ngay trong năm nay, Bộ trưởng Thương mại Australia, Bộ trưởng giao thông và năng lượng và Bộ trưởng giáo dục đào tạo, dạy nghề và xã hội của New Zealand cùng các doanh nghiệp cũng sẽ thăm Việt Nam để triển khai cụ thể các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Với 32.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Australia và New Zealand, chiếm tới 1/3 số sinh viên nước ta đang học tập ở nước ngoài, giáo dục-đào tạo trở thành một trong những lĩnh vực hợp tác chiến lược giữa Việt Nam với Australia và New Zealand. Chính phủ Australia và New Zealand không chỉ cam kết tiếp tục duy trì học bổng cho Việt Nam mà còn tích cực hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với nhiều hình thức từ giáo dục phổ thông, đại học đến dạy nghề.
New Zealand nhất trí mở đường bay thẳng với Việt Nam và tăng số lượng du học sinh Việt Nam lên con số 3.000 vào năm 2017. Chính phủ Australia và New Zealand cũng khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt gần 300.000 người ở Australia và 6.000 người ở New Zealand hòa nhập và có cuộc sống ngày càng ổn định và phát triển, trở thành cầu nối tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị với Việt Nam.
Trên cơ sở mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng-an ninh với Việt Nam, Australia và New Zealand cam kết tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam đào tạo tiếng Anh và chuyên ngành, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, cứu nạn tàu ngầm, rà phá bom mìn sau chiến tranh cũng như mở rộng hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, chống khủng bố và bảo đảm an ninh mạng. Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand cũng sẽ sớm thăm Việt Nam ngay trong năm nay.
Việt Nam -Australia ký Thỏa thuận về tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam |
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Một lĩnh vực rất được quan tâm và cũng rất mới đó là hợp tác trong hoạt động gìn giữ hòa bình. Năm 2014 chúng ta lần đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cử sĩ quan đi các phái bộ, ngay lập tức Australia đã bày tỏ muốn là đối tác trụ cột của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình và lần đi này hai Bộ Quốc phòng đã ký biên bản hợp tác gìn giữ hòa bình trong đó Australia giúp chúng ta chia sẻ kinh nghiệm cho các hoạt động gìn giữ hòa bình, về đào tạo cán bộ.
Một lĩnh vực nữa cũng được hai bên rất quan tâm, đó là tăng cường khả năng thực thi pháp luật trên biển và an ninh biển ví như tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển, đặc biệt là tăng cường khả năng cho cảnh sát biển cùng với các lực lượng khác thực hiện thực thi pháp luật trên biển. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể gửi các sĩ quan sang đây học những vấn đề về luật biển, vấn đề về kỹ thuật hàng hải, những vấn đề đảm bảo cho sĩ quan của chúng ta có năng lực đặc thù trong quá trình xây dựng quân đội trong giai giai đoạn mới, nhất là với các trang thiết bị vũ khí hiện đại ví dụ như cứu hộ tầu ngầm là một nội dung Australia sẵn sàng chia sẻ với chúng ta, một lĩnh vực rất mới, rất khó mà Australia có thế mạnh.
Đối với New Zealand, gìn giữ hòa bình là một vấn đề mới và mới đây thôi trong cuộc gặp giữa tôi và Thứ trưởng quốc phòng New Zealand họ cũng khẳng đinh rằng sắp tới hai nước sẽ ký thỏa thuận hợp tác về hoạt động gìn giữ hòa bình. Ngoài ra, New Zealand cũng bày tỏ những mối quan tâm khác và sẵn sàng giúp chúng ta, hợp tác với chúng ta trong các vấn đề về khoa học công nghệ mà New Zealand có thế mạnh như an ninh mạng. Như vậy nhìn chung lại, mối quan hệ giữa Việt Nam với Australia và New Zealand về quốc phòng nó thể hiện tính toàn diện trong quan hệ giữa ta với hai nước bạn…”
Cùng với các cam kết, thỏa thuận đẩy mạnh toàn diện hợp tác trên nền tảng bản chất quan hệ chiến lược ngày càng gia tăng, Việt Nam với Australia và New Zealand nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế; ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau trong đàm phán và thực hiện Hiệp định Đối tác khu vực (RCEP) và đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Tony Abbott, Thủ tướng Jonh Key cùng các nhà lãnh đạo Australia và New Zealand nhất trí về yêu cầu thiết yếu của việc gìn giữ hòa bình, an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương, khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Australia cũng nhấn mạnh các bên cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế và tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, trong đó có việc cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi nguyên trạng và cần cấp thiết xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng Australia Tony Abbott khẳng định quan điểm: “Việt Nam và Australia có quan tâm chung và lợi ích chung để tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực của chúng ta. Vấn đề hòa bình và phát triển trong khu vực rất quan trọng và tôi muốn nói rằng sự ổn định sẽ là lợi ích chung của chúng ta. Chúng ta sẽ cùng quan tâm và cùng hợp tác với nhau để đảm bảo những bất ổn không xảy ra. Chúng tôi ủng hộ việc tự do hàng hải, kể cả trên biển và trên không ở khu vực biển Đông. Chúng tôi đều lên án những hành động đơn phương mà nhằm thay đổi nguyên trạng trong khu vực. Tôi mong muốn tất cả các tranh chấp sẽ được giải quyết bằng con đường hòa bình thông qua đối thoại….”
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm nay của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Australia và New Zealand đã đặt nền móng vững chắc, mở ra một chương mới quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Australia và New Zealand. Các hoạt động ngoại giao của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta, không chỉ góp phần thắt chặt sự tin cậy chính trị, củng cố và làm sâu sắc quan hệ Đối tác toàn diện với Australia và New Zealand hướng tới thiết lập Đối tác chiến lược trên cơ sở những cam kết chính trị mạnh mẽ và thỏa thuận hợp tác cụ thể, đem lại lợi ích cho quốc gia, cho dân tộc, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung./.
Theo VOV