Viết trên đỉnh lũ miền Trung
Hối thúc viết về những tấm gương nhà báo lăn lộn trên mặt trận chống thiên tai, tôi theo sát từng số báo Nghệ An, Quân đội Nhân dân, Lao Động và Tiền Phong, Tuổi Trẻ... Từ ngày 31 tháng 9 đến ngày 13 tháng 10 năm 2010, Báo Lao Động sử dụng 15 bài phóng sự, ghi chép và 34 tin, ảnh của các nhà báo Thanh Hải, Hà Bình, Giao Hưởng, Phạm Việt Thắng.
Báo Quân đội Nhân dân đăng 17 bài phản ánh, ghi chép và hơn 40 tin, ảnh về đề tài cứu dân, cứu tài sản, công trình thuỷ điện. Các bài báo gần như choán hết vị trí quan trọng trên trang một với tần số xuất hiện liên tục các tác giả Trần Hoài, Phan Anh, Duy Minh, Trung Kiên, Thanh Hải, Hà Bình... và người bám trụ lâu dài nhất tại vùng lũ vẫn là nhà báo Trần Hoài.
Phóng viên tác nghiệp tại vùng lũ - Ảnh: P.V |
Hồn cốt bài viết của tác giả nào cũng là sự vật lộn với nạn đại hồng thuỷ cứu dân bị nước lũ nhấn chìm ở các xã Tân Hoá, Thượng Hoá, Văn Hoá, Sơn Trạch, Hương Khê. Nhân vật trân trọng của bài viết là cán bộ, chiến sĩ đơn vị C68, đoàn B24, đoàn Bình Long, Hải đội biên phòng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, là 6 nông dân ở Sơn Trạch, Xuân Sơn phó mặc cho nước lũ cuốn trôi căn nhà, tài sản của gia đình để chèo chống chiếc thuyền du lịch cứu thoát 300 người già, trẻ nhỏ, phụ nữ đang hoảng loạn, chới với trên nóc nhà, ngọn cây, vật vờ trước cơn nước lũ gào réo mỗi lúc một dâng cao.
Nhân vật trong bài phóng sự "Mười tám xã thoát đại hồng thuỷ" của nhà báo Hà Bình, Tất Thắng, đăng trang một, báo Lao Động số ngày 5 tháng 10 là cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban chỉ huy quân sự Hương Khê, Quân khu 4.
Từ đêm 3 đến rạng sáng 4 tháng 10, lực lượng cứu hộ đã quên đói, quên rét giữ đập thuỷ lợi Hố Hô có nguy cơ bị vỡ. Họ đã tìm giải pháp bảo vệ đập, cứu hàng ngàn mạng sống của dân bằng cách kéo máy phát điện, mở tung hai cửa xả lũ bị tắc bởi đất, đá, cây cối vùi dập trạm biến áp 35 kilôvôn.
Bài báo đã như một thông điệp không chỉ giải toả tâm trạng lo lắng của các đồng chí lãnh đạo mà còn làm vơi đi nỗi lo cháy ruột, cháy gan của những người xa quê Phúc Trạch (Hà Tĩnh), Hương Hoá (Quảng Bình) và hơn mười xã khác nằm phía dưới chân đập đã vượt sức chứa hơn 40 triệu m3 nước.
Thế mạnh của báo Lao Động là phóng sự, phải vậy chăng mà những bài "Ngổn ngang sau lũ"', "Khê trời khê đất, Hương Khê", "Xót xa phận người trong lũ', " Từ nơi rốn lũ Quảng Bình", "Thấp hơn phận...bùn" của các nhà báo Hà Bình, Phạm Việt Thắng, Thanh Hải đã tạo xúc động, đồng cảm, sẻ chia mất mát, cay đắng, cơ cực với người dân vùng ngập lũ tới hàng triệu trái tim trong và ngoài nước.
Không đến tận vùng Lèn Voi, xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, nơi tá túc tránh lũ của hơn 300 hộ dân, ăn đói, bệnh tật, phải vơ lá khô làm chăn gần 7 ngày. Không tới xã Thượng Hoá (Minh Hoá), nơi sinh sống của 700 đồng bào Rục bị cô lập phải đào củ rừng, chặt lá chuối dựng lán ở.
Không hỏi người dân ở nơi vùng ngập lũ "Bây giờ cụ cần gì", câu trả lời thều thào: "Thèm muối, thèm cơm lắm chú ơi". Không tới vùng nam Sông Gianh, nước bủa vây trắng đồng, trắng bãi, người chết đuối, chết bệnh đành neo xác lại chờ nước rút mai táng... thì làm sao tạo nên sức thuyết phục trong các bài viết?
Những nhà báo như Thanh Hải, Lê Phi khi tiếp xúc với số phận nổi nênh, xơ xác của bà Trần Thị Thảo, goá phụ, nuôi ba con, nhà xiêu vẹo ở xã Văn Hoá đã nghẹn ngào vét túi số tiền cuối cùng dành cho chuyến công tác, trao tận tay cháu Lương Viết Hùng, khuyên cháu cố mà học Đại học.
Loạt bài phản ánh của báo Quân đội Nhân dân: "Điểm tựa của người dân", "Nơi gian khó có bộ đội", "Giúp dân vơi bớt nỗi đau', "Trong hoạn nạn càng sáng tình người", cũng góp phần tạo lập niềm tin cho người dân vượt lũ.
Tất cả mọi yếu tố, tình cảm, bản lĩnh rất cần thiết cho người làm báo ấy nếu chỉ dừng lại ở chữ "Không" vô cảm, hời hợt thì làm sao trong trận lũ, lụt lịch sử đầu tháng 10 vừa qua, gây thiệt hại gần 300 tỷ đồng, làm chết, mất tích 86 người; các nhà báo ở báo Lao Động, Quân đội Nhân dân, Tiền Phong làm sao có được những bài báo lay động tâm can hàng triệu bạn đọc đến vậy.
Mãi đến ngày 19 tháng 10, nước lũ đã rút, để lại cảnh tàn phá khủng khiếp ở Bố Trạch, Tuyên Hoá, Sơn Trạch (Quảng Bình), ở Hương Khê, Can Lộc, Đức Thọ (Hà Tĩnh), Hưng Nguyên, Nghi Lộc (Nghệ An), đoàn C68 và đoàn B24, Quân khu 4 lại hối hả lao vào cuộc chiến xử lý môi trường, dựng nhà cửa cho dân, làm sạch trường lớp cho các cháu đến trường.
Một phóng viên báo Quân đội Nhân dân điện cho tôi với một dòng ngắn ngủi: "Lệnh của toà soạn cho nhóm phóng viên đang chốt tại Quảng Bình chỉ được rút khỏi vị trí khi bộ đội hoàn tất nhiệm vụ khắc phục hậu quả lũ, lụt". Anh còn nói thêm, giọng khê đặc, đang cùng đoàn báo Quân đội Nhân dân đi trao quà cứu trợ cho nhân dân vùng lũ Sơn Trạch. Nhìn hun hút phía Nam, trời vẫn còn nặng nước, thêm tin yêu những đồng nghiệp theo bước chân đoàn cứu trợ!
Văn Hiền