Vĩnh Tuy - ký ức chưa xa…
(Baonghean) - Làng tôi, làng Vĩnh Tuy - mảnh đất hữu tình của xã Vĩnh Thành (Yên Thành). Chữ Vĩnh Tuy, theo cụ Đào Lương Thiện, một bậc túc nho ở làng là “tay vịn vững”. Cụ bảo: Hãy cứ tưởng tượng làng là một người khổng lồ; tay trái “thanh long” đặt lên rú Tháp, tay phải “bạch hổ” vịn lên rú Đót, mắt nhìn về “châu tước” là núi Động Thờ, lưng dựa vào “huyền vũ” lèn Vĩnh Tuy, trước mắt lại có cái bàu Rộc Cửa mênh mông. Ấy là nơi hội đủ các ưu thế của phong thủy sơn hồi, thủy tụ.
Người đến Vĩnh Tuy, đầu tiên ai cũng muốn ra thăm lèn Vĩnh ở phía Bắc của làng, như một dải tường thành chắn gió mùa Đông Bắc. Sách “Nghệ An ký” của cụ Bùi Dương Lịch gọi núi là “kỳ sơn” (vì giống lá cờ). Tương truyền, lúc đầu lèn có tên là “Hung sơn” (rú Bụng) sau có cụ trạng nguyên đi qua thấy chữ “hung” không đẹp lắm, liền đổi là Văn Sơn (núi Văn), ngọn núi hội tụ đủ hình dạng tứ linh: long, ly, quy, phượng, với nhiều hang động. Phía Đông làng có Văn Sơn Tự (chùa Văn Sơn), phong cảnh tươi đẹp, tiếc rằng sau cải cách ruộng đất cho đến những năm 90 thế kỷ trước, lèn bị phá đi gần một nửa. Trong lèn, lần khai quật năm 1961, Ty văn hóa Nghệ An đã tìm ra được rìu đá, đồ đồng, mảnh sành cổ; một sọ người hóa thạch rất to. Tiếp những năm sau này, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã mở rộng phạm vi tìm kiếm và tìm được rất nhiều đồ đá cổ, với mật độ khá dày đặc, trên đỉnh đồi rú Mượu, nằm phía Đông làng Vĩnh Tuy.
Một góc làng Vĩnh Tuy. Ảnh: Đức Chuyên |
Có lẽ xa xưa, làng Vĩnh còn là nơi các đạo sỹ nhà Hán tu tập, những hũ tiền cổ từ đời Tam quốc, cho đến các đời vua Tàu, có nhiều trong đất Vĩnh Tuy, cùng với những giai thoại về các tiên cô, bà nón bằng, đàn lợn bạch, con bò vàng… lưu truyền trong dân gian.
Theo các tài liệu để lại, có thể làng bắt đầu hình thành từ đầu đời Trần. Làng ngày xưa vốn rất sầm uất, với nghề nuôi tằm, dệt vải. Khi tôi lớn lên, nghề nuôi tằm không còn nữa, nhưng nghề làm mật phát triển mạnh. Cả làng trồng mía, xanh um; đến mùa rét thu hoạch, mía chất cao từng đống, chở bằng xe bò lốp, xe kiến an, về róc sạch, xúm lại kéo che. Che kéo mật là những khúc gỗ khổng lồ, đẽo đục răng cưa khớp nhau, được kéo xoay tròn theo lực của 2 con trâu mộng, người ta luồn mía vào che, ép cho nước chảy ra, bã mía chất cả đống, thơm lừng. Tối đến, củi lửa rực sáng, cả xóm xúm vào nấu mật, khi mật chín đóng vào chai, hũ, chum, bọn trẻ con đi cạo chảo, ăn những thứ mật đặc dính lại trong chảo cũng đủ no. Sau mật, đến mùa thuốc lào. Làng trồng cả cánh đồng lớn, mùa thu hoạch, nhà ít cũng dăm ba nống thuốc, nhiều thì phơi đầy cả sân, cổng… Người làng mượn thợ cắt thuốc lào, nấu cháo hồ, bơm vào tăng độ kết dính và độ mịn của sợi thuốc, phơi sương, dậy nắng, đóng bánh, cho vào chum, đến gần Tết, đem lên miền núi bán. Có khi chỉ bán mấy chum thuốc lào, làm được cả cái nhà to! Rồi lại đến mùa thu hoạch cau. Cau trồng cả làng, bóng mát rượi, mùa đến, bứt cau, bổ cau, phơi nắng, sương, cau khô hạt giòn cho vào chum, nút lá chuối lại, khi được giá mới đem ra bán. Khi rỗi rãi, người già, lớp trẻ lại theo nghề đan rổ rá, dần, sàng, nia, nống; Để có mẫu mã đẹp, người trong làng còn đón nghệ nhân nơi khác về nuôi cơm, chủ yếu là để học nghề của họ. Tiêu biểu trong số họ là nghệ nhân Trần Khắc Nhoãn (1890 - 1984), người thôn Phú Hữu (xã Nhân Thành), nơi có nghề đan nổi tiếng, được người trong làng trọng vọng.
Những đêm trăng sáng, người làng tập trung quanh Rộc Cửa hứng gió, đón trăng kể chuyện trạng, có lẽ hiếm làng quê nào thời ấy có nhiều người nói chuyện trạng hay như quê tôi. Anh Đỗ, anh Lễ, anh Tuất, là những anh kể chuyện trạng có hạng, nhưng nổi bật hơn hết là chuyện trạng của ông Truyền Triện - bậc thầy của sự hài hước và hấp dẫn. Hết cười vì chuyện trạng, họ lại quay ra đọc thơ bà Cát và cố Cuổn, hai “thi sĩ dân gian” nổi tiếng của làng. Nếu cố Cuổn trữ tình: “Làng ta thật thậm là đông/ Có bà tiết phụ biển rồng mới ban/ Trong lên thấy bóng rồng ngang/ Bốn bề mây phủ hai hàng con quy/ Chiều về giữa đất Vĩnh Tuy/ Trong chùa ngoài giếng voi quỳ một bên/ Nhờ ơn quan cố bề trên/ Thái bình thịnh trị thiên niên đời đời”; thì bà Cát lại châm biếm: “Đã đảo đũa bếp/ Đoàn kết môi thìa/ Ra má lìa xìa/Ăn no đánh thắng” ...
Nhưng ấn tượng hơn cả là trống tuồng vào những đêm trăng! Tổng đạo diễn kép tuồng là cựu chiến binh Trần Xuân Linh, người có công phục dựng tuồng làng, đạo diễn kiêm biên đạo múa.
Mười mấy năm sau, một buổi trưa đang ngủ, tình cờ từ cái đài bán dẫn của nhà hàng xóm vang lên trích đoạn tuồng, trong vai diễn của nghệ sĩ nhân dân Đàm Liên; đã dựng tôi dậy; “Phu quân ơi... lao xao sóng vỗ cửa Tùng/ Nước non là nghĩa, là tình ai ơi...” câu hát như xé ruột, nước mắt tôi chảy dài, tôi nhớ Trần Xuân Linh tiên sinh trước khi ra đi, cụ khắc khoải một điều, đội tuồng đã “chết” thực rồi, chết bởi mặt trái kinh tế thị trường, bởi ngổn ngang nơi trần thế, lớp diễn viên tài hoa của làng ngày ấy, ra đi gần hết; Ai là người phục dựng lại tuồng làng? hay chỉ còn là quá vãng....Rồi bỗng thấy sợ, sợ người làng và con cháu sau này không còn biết nói trạng, hát ví dặm và quên mất tiếng tuồng... Nhưng có lẽ mạch nguồn văn hóa ấy chả mất đâu, bởi làng tôi là làng hiếu học, làng “làm thầy” (nói khí vô phép), số lượng giáo viên từ cấp mầm non cho đến bậc đại học hùng hậu; ngày 20/11, ngày Tết, làng tôi rợp bóng học trò về làm trọn đạo “tôn sư”; nổi tiếng ngày xưa như cụ Cử, cụ Hàn, cụ Tổng, cho đến sau này cụ giáo Duận, giáo Phiệt, cụ đồ Liên, cụ Trần Thể, lớp sau lại có các ông Trần Long, Đào Lương Thiện, Trần Tất Căng, Trần Tiệu... có Tiến sỹ Đào Hiếu (Đại học Mỏ địa chất), Đào Khang (Phó giáo sư, Tiến sỹ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Địa lý, Đại học Vinh); Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Việt (Đại học Thủy lợi)...
....Tóm lại là một làng thầy, làng lại nhiều người làm báo, làm thơ, làm văn, làm hội họa; lắm văn nghệ sỹ vậy mà làng vẫn sống yên lành; có lẽ vậy mà làng cũng có nhiều chuyện nơi khác khó làm: như đi tiên phong viết sử làng, viết sử trường cấp II; tập hợp thơ văn của làng, trùng tu, tôn tạo đền chùa, đình miếu; đền Cố Đá và chùa Vĩnh Tuy (Văn Sơn Tự) là hai hạng mục công trình tâm linh quan trọng được dựng nên bởi tiền quyên góp là chủ yếu... Hình như ở thời nào, con người Vĩnh Tuy cũng có bề nổi hơn với thiên hạ: Trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp của miền Bắc những năm 60 của thế kỷ trước; Vĩnh Tuy và Vĩnh Thành có nét nổi bật rực rỡ, được đón Bác Hồ về thăm 10/12/1961, Bác vào Nhà trẻ Vĩnh Tuy, vào nhà bà Máy, khen thưởng các điển hình...
Rồi những năm 1972 - 1982, Ty Giáo dục Nghệ An cũng lấy đất Cồn Rấm, nơi có trường cấp 2 Vĩnh Thành, xây dựng thành điển hình Bắc Lý – Cẩm Bình của xứ Nghệ, để sau này làng có một loạt tiến sỹ, phó giáo sư, kỹ sư, bác sỹ, văn nghệ sỹ...
Nhớ lắm mùi mật mía, hương chè xanh, câu chuyện trạng, mùi trầu cau và những đêm trăng ngủ bờ ao vang động tiếng cười, tiếng trống tuồng. Ôi Vĩnh Tuy - “tay vịn vững” cho bao thế hệ con dân dựa vào Người; Vĩnh Tuy làng cổ - một “làng nối làng đất nước Việt Nam ta!”.
Trần Ngọc Khánh
(Trường THCS Vĩnh Thành - Yên Thành)