VNEN ở Nghệ An: Người khen, kẻ chê - Vì sao?

12/12/2016 08:58

(Baonghean) - Mô hình dạy học mới VNEN có nhiều ưu điểm vượt trội, song khi áp dụng vào thực tiễn giáo dục Việt Nam, ở tại nhiều địa phương trong đó có Nghệ An, đã nảy sinh nhiều bất cập. Sau giai đoạn thí điểm tiến tới triển khai đại trà, ngành giáo dục cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan để có những giải pháp, điều chỉnh hợp lý, hiệu quả.

Ghi nhận từ các nhà trường

Phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN) triển khai ở hàng nghìn cơ sở giáo dục đào tạo của Việt Nam đã được 5 năm. Colombia là quốc gia đã áp dụng thành công mô hình này, đặc biệt ở vùng miền núi.

Phương pháp dạy của mô hình trường học mới là lấy học sinh làm trung tâm, phát huy quyền làm chủ trong học tập của các em và rèn kỹ năng hợp tác làm việc nhóm. Giáo viên không đứng giảng bài mà tổ chức cho học sinh tự học, tự hoạt động để tìm hiểu nội dung bài học; thầy cô chỉ là người tổ chức, hướng dẫn và quan sát để giải đáp những thắc mắc và hỗ trợ học sinh tìm ra kết luận nội dung bài học.

Về bản chất, VNEN là mô hình dạy học kiểu mới có nhiều ưu điểm vượt trội, giúp đào tạo học sinh phát triển toàn diện, nâng cao kỹ năng sống. Những ưu điểm của VNEN đã được nhiều giáo viên, phụ huynh ghi nhận.

Trường Tiểu học Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ áp dụng phương pháp dạy học theo mô hình VNEN. Ảnh: Hoài Thu

Tại một tiết học mỹ thuật ở lớp 2A Trường Tiểu học Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, phương pháp ngồi theo nhóm 6 em được học sinh đón nhận một cách hào hứng, cởi mở và rất trật tự. Theo hướng dẫn của giáo viên, các em thuần thục thực hiện các bước tìm hiểu kiến thức và thực hành.

Lần lượt các nhóm trưởng vừa nhắc nhở, điều hành các bạn thảo luận để cùng thực hiện các yêu cầu bài học. Giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, giám sát, kiểm tra và nhắc nhở hoặc hướng dẫn cho học sinh nào còn thao tác chậm hoặc chưa hiểu yêu cầu bài học.

Cô giáo chủ nhiệm Phan Thị Liên cho biết: “Đa số các em đã nắm được cách tiếp cận bài học và hào hứng hơn trong học tập. Mô hình dạy học theo mô hình trường học mới có những ưu điểm vượt trội, giúp học sinh năng động, mạnh dạn hơn và chủ động, tự giác trong học tập. Phương pháp dạy học mới này cũng giúp giáo viên phát huy kỹ năng quản lý, bao quát nhiều hơn”.

Đồng quan điểm với cô giáo Phan Thị Liên, cô Lê Thị Hằng - giáo viên dạy Văn ở Trường THCS Lê Lợi, TP. Vinh cho biết, phương pháp học theo mô hình trường học mới giúp các em hình thành kỹ năng hoạt động nhóm và tương tác tập thể. Các em biết tự bảo ban, nhắc nhở nhau trong học tập, tự tổ chức các hoạt động phong trào, tự quản lớp học rất hiệu quả. Vai trò của giáo viên trong phương pháp mới này là người tổng chỉ huy giao đầu việc, quan sát và nhắc nhở, điều chỉnh học sinh.

Thực tế các em đã làm rất tốt, rất hào hứng, giành được kết quả cao. Quá trình tương tác, hoạt động nhóm đã thu hút được cả lớp cùng tham gia, giúp các em gần gũi, hiểu nhau hơn và tạo được không khí phấn khởi, hào hứng khi đến trường.

Giờ học nhóm theo phương pháp dạy học mới ở lớp 2a trường tiểu học Long Thành- Yên Thành.
Giờ học nhóm theo phương pháp dạy học mới ở lớp 2A trường tiểu học Long Thành - Yên Thành.


Cô Nguyễn Thị Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Dũng 1, TP. Vinh nhận xét: “Hoạt động của học sinh đã có sự thay đổi, được rèn luyện cách học cá nhân, học theo nhóm, tự học và khả năng thực hành. Bên cạnh đó các em còn biết tự đánh giá mình, đánh giá bạn và chủ động hơn trong mỗi tiết học để tìm ra kiến thức”.

Thầy Trần Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thành, huyện Yên Thành cũng cho rằng: “Phương pháp dạy học mới giúp học sinh phát triển tốt các kỹ năng nhóm, hoạt động tập thể và tự tin trong giao tiếp, hòa đồng với xã hội”.

Những bất cập

Với những ưu điểm đã được chứng minh qua quá trình giảng dạy, học tập của học sinh và giáo viên tại hàng nghìn cơ sở giáo dục đào tạo ở Nghệ An và trong cả nước, có thể khẳng định, áp dụng phương pháp dạy học mới theo mô hình trường học mới là điều hoàn toàn nên làm, cần phải làm để nâng cao chất lượng dạy và học.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực cũng xuất hiện nhiều bất cập, đặc biệt là sự phản đối của phụ huynh học sinh ở rất nhiều địa phương trong cả nước.

Các lớp học ở Trường THCS Nghĩa Bình - Tân Kỳ quá chật không đủ điều  kiện để học nhóm.
Các lớp học ở Trường THCS Nghĩa Bình - Tân Kỳ quá chật không đủ điều kiện để học nhóm.

Năm học 2015 – 2016, một số trường THCS ở Đắk Lắk quyết định không tiếp tục nhân rộng mô hình dạy học VNEN. Sang năm học 2016 - 2017 ở các tỉnh Hà Giang, Hà Tĩnh, Vũng Tàu cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Tại Nghệ An cũng đã có sự việc nhiều phụ huynh phản ứng và có ý kiến tập thể đến nhà trường hoặc viết đơn thư kiến nghị để phản đối việc áp dụng mô hình dạy học theo mô hình trường học mới tại cơ sở nơi con em họ theo học, như ở các trường Tiểu học Nguyễn Trãi, THCS Lê Lợi, THCS Hưng Dũng…

Ở Nam Đàn trong năm học này, trước khi được Phòng Giáo dục và Đào tạo chọn để thí điểm mô hình trường học mới, các trường THCS Kim Liên, THCS thị trấn Nam Đàn có văn bản xin chưa triển khai mô hình trường học mới ở trường với những lý do:

Chưa có cơ quan quản lý giáo dục, các nhà khoa học chưa tổ chức tổng kết đánh giá chính thức việc mô hình này có ưu việt và hạn chế như thế nào để triển khai đồng loạt; qua thực tiễn triển khai thí điểm, phụ huynh nhận thấy mô hình này chưa thật sự phù hợp với học sinh vùng nông thôn. Nó chỉ phát huy được tác dụng tích cực đối với đối tượng học sinh khá giỏi, học sinh trung bình trở xuống không tiếp thu được.

Việc quản lý con em của phụ huynh cũng gặp nhiều khó khăn do cách biên soạn tài liệu, phương pháp tổ chức; việc chuyển đổi sang mô hình mới cần mua tài liệu giá cao hơn tài liệu thông thường, không tận dụng được các tài liệu của anh chị để lại…

Vậy vì sao các giáo viên, những nhà quản lý trong các đơn vị và ngành Giáo dục thì “khen” mô hình dạy học VNEN, còn các phụ huynh học sinh thì phản ứng, thậm chí phản đối gay gắt?

Để đảm bảo việc áp dụng mô hình dạy học VNEN thành công, mang lại hiệu quả cao cần hội đủ các điều kiện: Tài liệu, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học và công tác tập huấn, tuyên truyền.

Về tài liệu, sách giáo khoa nội dung phải đảm bảo khoa học, chuẩn về kiến thức, hướng dẫn kỹ năng chi tiết và các tài liệu phụ trợ khác.

Với đội ngũ giáo viên, cần đảm bảo định biên, năng lực, được đào tạo đạt chuẩn, có kỹ năng khơi gợi, dẫn dắt học trò.

Về cơ sở vật chất, lớp học phải có đủ không gian để bố trí các loại bàn ghế, đồ dùng dạy học phù hợp đảm bảo 1 lớp từ 4 - 6 nhóm với 4 - 6 học sinh/nhóm. Điều này cũng có nghĩa là mạng lưới trường lớp cần đảm bảo đáp ứng định biên ít nhất 1,2 - 2 giáo viên/1 lớp với sĩ số từ 20 - 25 học sinh.

Khâu quan trọng nữa là việc tập huấn giáo viên và tuyên truyền chủ trương đổi mới đến tận người dân, tạo tâm thế cho những người thụ hưởng và các đối tượng liên quan.

Đối chiếu với thực tiễn triển khai mô hình trường học mới ở Nghệ An, qua phản hồi của những “người trong cuộc”, phần lớn các điều kiện đều chưa được chuẩn bị đầy đủ.

Cô và trò Trường Tiểu học Huồi Nhao xã Càn, Kỳ Sơn.
Cô và trò Trường Tiểu học Huồi Nhao xã Nậm Càn, Kỳ Sơn.

Cụ thể, đội ngũ giáo viên chưa hội đủ các yếu tố cần và đủ để đáp ứng với phương pháp dạy mới; cơ sở vật chất còn chắp vá, bàn ghế chưa phù hợp với mô hình học theo nhóm, thậm chí đồ dùng, học cụ phục vụ cho dạy và học cũng chưa đầy đủ; sĩ số học sinh quá đông (35 - 45 học sinh/lớp).

Về phía phụ huynh học sinh, họ chưa thấy được sự tiến bộ của con em mình khi học tập theo phương pháp mới. Đặc biệt với những học sinh nhút nhát về khả năng giao tiếp, chậm trong thao tác tư duy, hầu hết các em bị “hổng” kiến thức, “đuối” hơn so với các bạn.

Phụ huynh cũng chưa yên tâm với cách kiểm tra, đánh giá học sinh bằng nhận xét và cho rằng cách thức này khiến họ không nắm rõ được lực học thực sự của con em mình, nhất là đối với học sinh cấp THCS.

Ông Nguyễn Khắc Liên, phụ huynh học sinh Trường THCS Hưng Dũng, TP. Vinh băn khoăn: “Con tôi học VNEN nhưng lại thi truyền thống”. Nếu chương trình VNEN không khớp hoặc các cháu học theo phương pháp mới không thích ứng, sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập và thi cử.

Những bất cập về công tác chuẩn bị, "rải thảm" nói trên tạo ra tâm lý phụ huynh rằng con em mình là đối tượng “thử nghiệm” cho phương pháp dạy học mới, dẫn đến sự phản ứng, phản đối việc triển khai đại trà chương trình VNEN.

(Còn nữa)

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
VNEN ở Nghệ An: Người khen, kẻ chê - Vì sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO