Võ thuật truyền thống trên đất Nghệ
Hoan Châu là nơi sinh ra nhiều tướng lĩnh mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với rất nhiều chiến thắng oanh liệt trong lịch sử dựng nước, giữ nước, mở mang bờ cõi.. Kế thừa truyền thống "thượng võ", hiện nay, võ thuật truyền thống đang dần được hồi sinh trên đất Nghệ...
Võ Nhất Nam- hành trình về đất tổ
Với hàng nghìn môn sinh từ khắp nơi trên thế giới và hàng trăm câu lạc bộ được mở trên nhiều tỉnh thành cả nước, võ Nhất Nam đang ngày càng được nhiều người lựa chọn. Khí công Nhất Nam cũng chính là một trong bốn môn được chọn cho Chương trình "Toàn dân rèn luyện sức khỏe" ở Nga. Nhất Nam cũng đang dần được phát triển ở U- crai- na, Lít- va, Bê- la- rút Ba Lan, Séc, Pháp, Ô- xtrây- li- a.... Ở những quốc gia này đã có Liên đoàn Nhất Nam quốc gia.
Nguồn gốc của võ Nhất Nam xuất phát từ vùng đất Châu Hoan, Châu Á (tức vùng Thanh Nghệ Tĩnh xưa). Võ Nhất Nam thời xa xưa thường được gọi là võ Hét, một phái võ thuần Việt được nhiều người dân Đàng Trong luyện tập. Thời Tây Sơn, khi Vua Quang Trung hành quân qua vùng Thanh Nghệ Tĩnh, nhiều võ sĩ Nhất Nam xuất chúng đã gia nhập đội quân của ông.
Lịch sử môn phái viết rằng, ngày giỗ tổ môn mồng 5 tháng Giêng hàng năm cũng chính là ngày Quang Trung Nguyễn Huệ tiến vào Thăng Long đại phá quân Thanh. Chọn ngày ấy một phần để nhắc đến quá khứ hào hùng, một phần cũng là để tưởng nhớ nhiều võ sĩ của môn phái ngã xuống trong những trận huyết chiến. Đến thời nhà Nguyễn, võ Nhất Nam thoái trào và thu hẹp lại trong những gia phái nhỏ. Phải hơn 300 năm sau, đến năm 1983, võ Nhất Nam mới được gây dựng lại. Riêng tại Nghệ An, võ Nhất Nam chỉ có mặt vào những năm cuối thập kỷ 80.
Hành trình đưa võ Nhất Nam trở lại quê nhà là một chặng đường khá gian nan. Ban đầu là những lớp học võ do võ sư Ngô Xuân Vĩ dạy. Ông nguyên là em trai của võ sư Ngô Xuân Bính, chưởng môn võ Nhất Nam, người có công sáng lập và phát triển phái võ này ra toàn thế giới.
Họ Ngô Xuân ở Thành Vinh là một trong những hậu duệcủa gia phái Nhất Nam ngày xưa. Nhất Nam là tên gọi được đặt bởi chưởng môn Ngô Xuân Bính sau khi thống nhất các chi phái. Mở lò võ trên địa bàn Thành phố Vinh lúc đó là một dụng ý lớn của anh em dòng họ Ngô Xuân với khát khao đưa võ Nhất Nam trở về đất tổ.
Và không hổ danh là đất võ, chỉ sau 3 tháng tập luyện, nhữngtài năng bẩm sinh của võ thuật truyền thống đã xuất hiện. Quá vui mừng, võ sư Ngô Xuân Vĩ và em trai Ngô Xuân Thọ đã mở thêm một lớp học miễn phí tại nhà riêng, nhằm mục đích đào tạo những hạt nhân kế cận cho làng võ.
Trong lớp học 12 người ấy, dù là người đến nhập học muộn nhất, nhỏ con nhất nhưng cậu bé Bùi Duy Vinh lại thể hiện tố chất đặc biệt về võ thuật. Các thầy giáo cũng không thể tin rằng, sau khi thầy Ngô Xuân Vĩ trở ra Hà Nội, lò võ Nhất Nam tan rã thì cậu bé Vinh nhỏ con ấy lại chính là người "nuôi dưỡng" để Nhất Nam sống lại ở đất Nghệ và trở thành một môn thể thao thế mạnh của tỉnh nhà.
Trong chặng đường phát triển võ Nhất Nam thành một môn võ thuật chuyên nghiệp, Vinh xem Đại hội võ cổ truyền toàn quốc được tổ chức năm 1991 là một cột mốc đáng nhớ. Do môn võ không có VĐV nên Sở Thể dục thể thao đã giao toàn bộ trách nhiệm cho thầy Ngô Xuân Thọ - nguyên là Hiệu trưởng Trường Năng khiếu Thể dục thể thao của tỉnh.
Nhận thấy đây là một cơ hội ngàn vàng, thầy Thọ đã "lấp chỗ trống" bằng chính những võ sinh trong lò luyện của mình ở nhà. Lần ra quân đầy kỷ niệm đó ở Hà Nội, đội quân tự phát của Nghệ An đã có những tấm huy chương đầu tiên. Riêng Vinh, dù chưa đạt thành tích nhưng chuyến đi đã cho Vinh một trải nghiệm rằng: "Võ thuật không chỉ là niềm đam mê mà còn là nghiệp của mình".
Khi đã xác định rõ con đường ấy thì điều mà Vinh luôn trăn trở đó là lời hứa với thầy "phải phát triển võ Nhất Nam thành một môn phái mạnh ở Nghệ An". Lời hứa đó đeo đẳng Vinh kể cả khi anh đã chuyển sang làm HLV môn Penkat Silat.
Võ Nhất Nam càng ám ảnh anh nhiều hơn sau những lần anh thất bại đắng cay trên đấu trường môn Penkat Silat. Thất bại đó cũng là bài học để Bùi Duy Vinh biết rằng: Chỉ có Nhất Nam với những bài đối kháng cần sức mạnh mới chính là sở trường của mình...
Quyết định rời bỏ Penkat Silat, Vinh quay lại với Nhất Nam. Sau nhiều tháng tập luyện vất vả, cơ hội đã đến với anh vào năm 1996 khi lần đầu tiên Nghệ An được đăng cai Đại hội TDTT các dân tộc.
Vượt qua dễ dàng nhiều đối thủ ở vòng loại, Vinh đã xuất sắc lọt vào trận chung kết với đương kim vô địch Bùi Văn Thiều và chiến thắng một cách thuyết phục. Tấm HCV võ Nhất Nam đầu tiên ấy của Vinh là tấm HCV võ thuật đầu tiên của Nghệ An. Đó là bước ngoặt lớn để từ sau giải đấu đó, Nghệ An quyết định đầu tư quyết liệt cho võ thuật và đến nay nhiều đội tuyển của tỉnh như: Quyền Anh, Võ cổ truyền, Kick - Boxing, Penkak Silat, Wushu trở thành những đội mạnh của toàn quốc.
Thời gian này, ngoài công việc là Trưởng bộ môn võ Cổ truyền, Boxing, Phó Ban chuyên môn Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, Phó Tổng thư kí Liên đoàn Võ thuật tỉnh, HLV Bùi Duy Vinh còn có thêm một niềm vui mới, đó là những giờ lên lớp với các học trò nhí ở Câu lạc bộ võ miếu Hồng Sơn.
Câu lạc bộ tuy nhỏ nhưng là một sự khởi đầu để Vinh tiếp tục thực hiện lời hứa với các thầy giáo ngày nào. HLV Bùi Duy Vinh hi vọng rằng: Thành công của câu lạc bộ sẽ là cơ sở để Vinh thành lập một câu lạc bộ võ thuật riêng của mình trong tương lai, trong đó dạy cho các cháu sức khỏe và bản lĩnh sống - điều mà anh cũng như những người theo phái võ Nhất Nam hướng tới.
Vovinam vào trường học
Trong kí ức của những người yêu võ thuật, thời điểm những năm đầu thập kỷ 90 là giai đoạn huy hoàng nhất của làng võ với nhiều lò võ nổi tiếng. Từ năm 2000 trở lại đây, phong trào tập võ lắng xuống, các câu lạc bộ võ thuật cũng ít và mất dần...Trước bối cảnh đó, người dày dạn như HLV Bùi Duy Vinh cũng chỉ dám thử nghiệm việc chiêu sinh ở một võ đường nhỏ. Còn người ngoại đạo như thầy giáo Thái Văn Phúc ở Trường chuyên Phan Bội Châu quyết định thành lập CLB võ thuật trong thời điểm khó khăn như vậy được nhiều người xem là "ngông".
"Ngông" hơn khi môn võ mà thầy Phúc- người vốn xuất thân từ lò võ Thiếu Lâm chọn để dạy lại là Vovinam, một môn võ "cương nhu phối triển" đậm chất Việt mà hiện nay trong tỉnh Nghệ An mới chỉ có khoảng 7 võ sư đủ năng lực để truyền đạt.
Người trong nghề cũng hoài nghi bởi tại sao lớp võ lại được đặt ở Trường Phan, một môi trường mà học sinh được ví như những con "mọt sách". Ấy thế nhưng thầy giáo Thái Văn Phúc lại có cái lý của riêng mình "Học trò Trường Phan thường yếu về thể lực, mở lớp học võ là để rèn cho các em sức khỏe bản lĩnh, ý chí". Sâu xa hơn, thầy tâm sự: "Học sinh nội trú ở trong trường đều phải sống xa nhà, thiếu thốn nhiều thứ. Mở thêm lớp học võ để các em có điều kiện giải trí, vui chơi".
Ông trời đã không phụ công thầy khi mà lớp học vừa thông báo được mở đã có hàng chục học sinh đăng ký theo học. Thấy học trò ham học mà thời gian để học có hạn nên thay vì dạy 3 buổi/1 tuần như dự kiến, thầy quyết định dạy cả 7 ngày trong tuần, để phù hợp với tất cả lịch học thêm của các em. Tiếng lành đồn xa, không chỉ học trò Trường Phan mà nhiều học trò ở các trường lân cận, sinh viên Trường Đại học Vinh cũng tìm đến theo học.
Nhiều phụ huynh cũng bắt đầu có cái nhìn tích cực hơn về lớp học võ, nhất là khi thầy giáo Đậu Văn Mùi - Hiệu trưởng nhà trường đã góp tiếng nói "sẵn sàng ủng hộ nếu đưa võ thuật thay môn học tự chọn trong nhà trường". Đó thực sự là một ý tưởng hay và thực tế việc "phát triển phong trào tập luyện môn Vovinam trong nhà trường" đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua trong một văn bản gửi tới các sở Giáo dục và Đào tạo ngày 21-7-2010. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, cái đích này còn khá xa bởi một người "đi tiên phong" như thầy Phúc cũng còn những băn khoăn như: "Tìm đâu ra thầy dạy võ khi mà người biết Vovinam ở Nghệ An đếm chưa đầy ngón tay. Hơn nữa, thầy dạy võ ở trường học khác thầy dạy võ ở các câu lạc bộ, vì còn phải có kỹ năng sư phạm"....
Cũng từ những băn khoăn trăn trở đó mà mới đây những người tham gia Liên đoàn Vovinam ở Nghệ An đã có một buổi gặp mặt và bàn về hướng đi trong thời gian tới. Riêng về Vovinam trong nhà trường, hưởng ứng ý tưởng của thầy Phúc, Trường Đại học Vạn Xuân cũng đã mở thêm một câu lạc bộ, cùng với đó, môn Vovinam cũng đã được học như một môn thể dục bắt buộc...Những bước đi đầu tiên đó là một cơ hội thuận lợi để Vovinam (hay còn gọi là Việt Võ đạo) phát triển sâu rộng hơn và trở thành môn luyện tập thể lực mang tính đại chúng "Vì sức khoẻ thể chất và sức mạnh tinh thần nòi giống Việt" trong thời gian tới.
Khánh Ly - Mỹ Hà