Với người thầy thuốc, bài học về sự trung thực là quan trọng

27/08/2012 20:32

Tôi gặp ông đang cúi người bên cạnh một bệnh nhi bị bệnh xương thủy tinh. Đôi mắt ông đầy đăm chiêu sau cặp kính dày, và đôi tay ông bỗng dưng lóng ngóng. Dường như lúc đó ông đã cảm giác đôi tay mình thừa thãi khi không thể làm gì nhiều hơn cho cháu bé này. Hình ảnh ấy khiến tôi nhớ về ông nhiều hơn là những điều mà bệnh nhân, đồng nghiệp của ông truyền tụng... Ông rất kiệm lời, và tôi chỉ kịp “bắt” được khoảnh khắc tâm niệm của ông: Bài học về sự trung thực phải đi suốt cuộc đời người thầy thuốc.

(Baonghean) Tôi gặp ông đang cúi người bên cạnh một bệnh nhi bị bệnh xương thủy tinh. Đôi mắt ông đầy đăm chiêu sau cặp kính dày, và đôi tay ông bỗng dưng lóng ngóng. Dường như lúc đó ông đã cảm giác đôi tay mình thừa thãi khi không thể làm gì nhiều hơn cho cháu bé này. Hình ảnh ấy khiến tôi nhớ về ông nhiều hơn là những điều mà bệnh nhân, đồng nghiệp của ông truyền tụng... Ông rất kiệm lời, và tôi chỉ kịp “bắt” được khoảnh khắc tâm niệm của ông: Bài học về sự trung thực phải đi suốt cuộc đời người thầy thuốc.

Trong một lần đến kiểm tra toàn diện tại Bệnh viện Nhi Nghệ An (giờ là Bệnh viện Sản- Nhi), ông Đoàn Hữu Đủ- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức, Bộ Y tế đã từng nhận xét: Bệnh viện Nhi Nghệ An “làm nhiều mà nói ít”. Để nhận được câu ghi nhận ấy, với một tập thể đồng lòng, đặt thực chất lên cao nhất, người đứng đầu Bệnh viện-Thầy thuốc Nhân dân Dương Công Hoạt luôn đề cao yếu tố trung thực. Trung thực để nhận thức đúng mình, từ đây làm nên sự quyết đoán, dám làm dám chịu trách nhiệm; trung thực mới có được sự tôn trọng của các đồng nghiệp, niềm tin của người bệnh; trung thực sẽ giúp người thầy thuốc biết rút kinh nghiệm để trưởng thành; trung thực của cả một tập thể sẽ giúp chấm dứt bệnh hình thức, đối phó, chấm dứt tình trạng “anh nào giấu giếm được nhiều sai phạm thì anh đó có thành tích”.

Ngay kỳ thực tế đầu tiên khi còn là sinh viên Y khoa tại Đại học Y Hà Nội, bác sỹ Hoạt đã nhận ra và không thôi trăn trở về yếu tố trung thực trong nghề nghiệp của mình. Tại sao cùng một tình trạng bệnh, có người phải mổ, người khác lại không? Tại sao lại có những sai sót không được nghiêm túc nhìn nhận từ phía người thầy thuốc để rồi người bệnh chịu thiệt thòi đã đành, nhưng người thầy thuốc cũng không thể nào tiến bộ?...



Thầy thuốc Nhân dân Dương Công Hoạt thăm khám em bé bị bệnh xương thủy tinh.

Một trong những ca bệnh mà ông nhớ nhất, ấy là khi ông mới về nhận việc và khăn gói lên với huyện rẻo cao Kỳ Sơn. Có một bệnh nhi 8 tháng tuổi được chuyển đến. Cháu mới theo bố mẹ lên Kỳ Sơn được 1 tuần và nhập viện vào ngày thứ Bảy trong tình trạng sốt cao, co giật. Không ai nghĩ đến trường hợp cháu bị sốt rét ác tính vì cháu không phải người bản địa (ngày đó, địa bàn vùng núi cao mới thường có dịch bệnh này), hơn nữa, diễn tiến bệnh tình của cháu nhanh và trầm trọng, chỉ 2 tiếng sau nhập viện là cháu mất. Đến ngày Chủ nhật hôm sau, bác sỹ Hoạt sững người khi nghe cô kỹ thuật viên xét nghiệm thông báo là xét nghiệm máu của cháu bé hôm qua, thấy có rất nhiều ký sinh trùng P.Falciparum (sốt rét ác tính). Vậy kết luận tạm thời hôm qua cháu bị hội chứng não cấp, một căn bệnh nguy hiểm khó cứu chữa là sai, nhưng có nên giải thích sự thật với gia đình của cháu không? Có thể nghĩ đơn giản rằng, đằng nào thì cháu cũng không cứu chữa được thì nói với gia đình cháu một căn bệnh nào để nhẹ nhàng tâm lý cho cả hai bên? Nhưng vì sao lại không mạnh dạn nghĩ trong đó có phần lỗi của mình khi mà đã chủ quan không nghĩ tới căn bệnh sốt rét ác tính? Đấu tranh với chính mình, để rồi bác sỹ Hoạt đã chọn sự thật để giải thích lại cho gia đình cháu bé. Dẫu biết ca bệnh này là khó có thể cứu chữa, ngay cả khi chẩn đoán đúng bệnh, nhưng bác sỹ Hoạt vẫn không thôi dằn vặt. Ông luôn nhớ đến ca bệnh này như là bài học xương máu, để luôn nhắc mình cẩn trọng trước tính mạng người bệnh và dám đối diện với những khuyết thiếu, hạn chế để tìm hướng vươn lên.

Chính từ những “kỷ niệm đáng nhớ ấy”, những phút giằng xé nội tâm ấy đã giúp người thầy thuốc lựa chọn rõ ràng cho mình một con đường để đi. Nó cũng quan trọng không kém so với niềm quyết tâm phải học thật tốt để trở về quê hương, nơi ấy có những người dân chân chất quanh năm đói nghèo, bệnh tật, quan trọng không kém so với niềm say nghề được nhân lên qua năm tháng, dù cái nghề của ông chưa bao giờ hết khó khăn, vất vả.

Trong những lần được trò chuyện cùng ông, tôi luôn nhận thấy điều ám ảnh trong ông là những ca bệnh mà người thầy thuốc đành bất lực. Từ những năm đầu lên mảnh đất khó Kỳ Sơn, ông đã phải chứng kiến những trường hợp bệnh nhân được chuyển đến khi bệnh đã rất nặng, “trong khi đó những thiết bị, thuốc men thì thiếu ngược thiếu xuôi. Ngày ấy, đến cái kim lấy ven cũng thiếu, phải mài đi mài lại rồi luộc lại để dùng. Bên cạnh đó, quãng đường tới với cơ sở y tế quá xa xôi, mà người dân thì nghèo quá”. Vì thế mà những năm 80 ấy, có một thầy thuốc trẻ của huyện Kỳ Sơn đã lặn lội cùng quân y biên phòng đi xây dựng Trạm xá Na Loi. Đi bộ 3 ngày từ thị trấn mới vào tới nơi, để thấy được niềm vui khi một mái lán đơn sơ được dựng lên trên cái nền đất lạnh. Và hơi ấm của niềm tin, của tình người đã tỏa rạng. Bệnh nhân có khi chỉ có 2-3 người, có những ngày không có ai, nhưng người dân vùng sâu đã yên tâm hơn. Từ điểm Na Loi, những điểm trạm khác cũng được hình thành như Mường Lống, Nậm Càn... Sau này, khi rời Kỳ Sơn, ông có nhiều lần chuyển công tác, tại Viện Nhi khi mới thành lập, rồi về Bệnh viện Đa khoa tỉnh và cuối cùng về lại Bệnh viện Nhi, nhưng điều khiến ông đau đáu nhất vẫn là sự bất lực của người thầy thuốc trước những căn bệnh hiểm nghèo.

Với ông, không chỉ dừng lại ở chỗ cứu sống người bệnh mà còn là làm sao để họ có được một cuộc sống thực sự tốt đẹp. Có lẽ vì thế, ông được người bệnh nhớ đến không chỉ bởi là một bác sỹ có tay nghề giỏi (là một trong những người đặt nền móng cho phẫu thuật nhi khoa (giai đoạn 2), phẫu thuật thần kinh ở tỉnh nhà) mà còn bởi những giây phút ông ân cần cúi xuống để sẻ chia với những người tuyệt vọng vì bệnh tật, chong đèn hàng đêm để tìm một hướng đi cho căn bệnh tim bẩm sinh, cho trẻ bị mắc bệnh xơ hóa cơ delta, tận tình chỉ bảo từng đồng nghiệp trẻ và luôn “đứng mũi chị sào” khi bệnh viện gặp những thách thức, căng thẳng nhất...

Nhiều lần, tôi gặp ông phát biểu trên các diễn đàn của ngành nhưng ít khi thấy ông cầm văn bản. Những điều ông nói thường là những điều thiết thực và gan ruột nhất ở ông. Văn bản duy nhất mà tôi có lần “xin” được của ông, ấy là 10 điều ông trăn trở mà ông chưa làm được và rất muốn thực hiện được trong thời gian tới. Những trăn trở đó, không có gì khác là để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân, để bệnh viện phát triển đúng hướng và mọi kết quả phải là “thực chất”, hướng tới điều cao nhất là lợi ích chung của ngành Y tế tỉnh nhà. Ông đã viết nó ra trong vòng 1 đêm. Một đêm, nhưng là những điều của 10 năm suy nghĩ, đúc rút ở cương vị một người đứng đầu bệnh viện.

Với 30 năm tâm huyết, đam mê, những lặng thầm hy sinh, cống hiến, Thầy thuốc Nhân dân Dương Công Hoạt đã đóng góp sức lực, trí tuệ của mình đối với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.


P.T.V

Với người thầy thuốc, bài học về sự trung thực là quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO