Trong cuộc đời mỗi con người có biết bao nỗi nhớ, bao niềm khắc khoải luyến thương, hẳn ai cũng sẽ ít nhiều dành riêng một góc lòng mình cho mẹ cha, cho quê hương, cho mái nhà ấu thơ yêu dấu. Trên hành trình mê mải ngược xuôi, vẫn đau đáu trong tim bóng dáng cội nguồn…
Từ những bài học đầu đời khi ta ê a tập đọc, tập viết, đã hiện lên bao điều dung dị để tình cảm được đắp bồi. Từ đó, ta tự nhiên biết mến thương con đường làng, dòng sông quê, đồng lúa chín, biết trân quý hạt gạo tảo tần được chắt chiu từ mưa nắng bốn mùa khó nhọc của mẹ cha. Để rồi dẫu ta có đi đâu, có thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau vẫn day dứt thương về một nơi chốn bình yên, thân thuộc mà ta trìu mến cất tiếng gọi: quê nhà!
Thế mới biết, dù có trưởng thành bao nhiêu, quăng quật phong sương thế nào, tấm tình với quê hương trong ta vẫn tựa hồ nỗi nhớ của một đứa trẻ khi xa mẹ, khó có thể vượt qua nổi câu hát, lời ru sau luỹ tre làng. Quê nhà mỗi lần về lại, ta thương đến nôn nao khi nhìn lên mái tóc hoa râm quá nửa đời sương gió, vầng trán, khóe mắt chằng chịt vết chân chim của đấng sinh thành. Đôi bàn tay nhăn nheo chai sạn ấy dành cả cuộc đời để chăm bẵm, nâng niu ta từ ấu thơ cho đến mãi sau này. Ta về nhà để lại được làm những đứa trẻ, được âu yếm vỗ về mà tự thấy mình nông nổi, nhỏ bé nhường nào.
Thương sao bếp mẹ đơn sơ đượm nồng lửa ấm, tí tách reo vui mỗi sớm mỗi chiều. Căn bếp gửi gắm vào đó ân tình lòng mẹ cho những bữa cơm dẫu đạm bạc mà mỹ vị đặm đầy. Ta yêu nhiều lắm thơm thảo vốn quê được chưng cất tài tình, khéo léo từ trong tiếng gọi, câu chào trọ trẹ chân phương mà thiết thân, gần gũi. Sự chia sẻ, đỡ đần nhau việc lớn việc nhỏ như một thông lệ giản đơn mà thành sợi dây gắn kết bền sâu nghĩa xóm tình làng.
Sau mỗi dặm dài trôi nổi, việc đầu tiên khi ghé về quê nhà, ta thường múc một gầu nước giếng mát trong khỏa lên đầu, lên mặt gột rửa hết bụi bặm đường xa. Rồi ngủ một giấc thật say dưới mái hiên nhà, nghe ngọn gió nồm từ dòng sông lồng lộng thổi bạt lên hòa cùng văng vẳng tiếng gà trưa nhảy ổ. Khoảnh khắc ấy ta thấy lòng mình thanh thản, an yên đến lạ thường.
Đêm xuống, vầng trăng quê trong trẻo tỏa ngát thanh bình, dát bạc xuống dòng sông. Ta nghe rõ cả tiếng con tôm càng búng nước, con cá quẫy đuôi đớp bóng lao xao. Ngồi với dòng sông quê, ta nghĩ nhiều hơn về đời cha đời mẹ, về những long đong bồi lở phận người mà không nguôi day dứt. Những lớp phù sa cần mẫn chắt chiu của mẹ cha đã dành để tưới tắm, vun xới cho đời ta cao rộng một dáng hình.
Nhiều lúc ngồi một mình giữa phố phường tư lự, ta tự hỏi cuộc đời mình còn được bao chuyến về quê? Ta còn bao nhiêu cơ hội để được cận kề chăm sóc mẹ cha ta nữa? Những câu hỏi ấy neo vào đau đáu tâm tư của đứa con lang bạt xứ người, cưu mang nặng trĩu bên lòng món nợ nghĩa tình để mãi còn những nghĩ suy, trăn trở.
Thì ai ơi, khi còn có thể về được, xin hãy cứ về, đừng khất lần chậm trễ. Bởi những đứa con ly hương ai cũng mắc nợ quê nhà bằng chính nỗi nhớ niềm thương vời vợi khó gọi tên. Nỗi nhớ ấy lắng sâu và bền chặt như một phần ý thức nguồn cội thiêng liêng không dễ gì mất được.
Bài: Ngô Thế Lâm
Ảnh minh họa: Hồ Long – Hải Vương