Vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

01/10/2015 17:55

(Baonghean) - Trong nền kinh tế Việt Nam, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước (TĐKT, TCTNN) có vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là một trong những công cụ quan trọng để nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô, là các đầu mối triển khai thực hiện các nhiệm vụ công ích, giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến chính sách an sinh, xã hội.

Trụ sở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Ảnh: Internet
Trụ sở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Ảnh: Internet

Trong quá trình hình thành và phát triển thời gian qua, các TĐKT, TCTNN đã có nhiều đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước, phần lớn các đơn vị bắt kịp cơ chế thị trường, hoạt động tăng trưởng và phát triển, có tích lũy và hoàn thành tốt vai trò DNNN. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn yếu kém trong tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh, hoạt động thua lỗ, mất vốn, nhiều đơn vị để phát sinh tiêu cực tham nhũng, thất thoát vốn tài sản Nhà nước nghiêm trọng. Chính điều này đã không chỉ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, tạo thêm gánh nặng giải quyết những hệ lụy về lao động dôi dư, mất việc làm, tạo nên những bất ổn về KT-XH mà còn có ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của xã hội, của người dân vào công cuộc cải tạo và phát triển đất nước.

Tích tụ phần lớn vốn, tài sản, nguồn lực nhà nước

Theo kết quả kiểm toán Nhà nước (KTNN), bên cạnh những thành tích và đóng góp, công tác quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước của các TĐ-TCTNN hiện nay cho thấy cũng có nhiều hạn chế, yếu kém. Theo đó, tuy số lượng DNNN nhiều nhưng hầu hết vốn, tài sản, nguồn lực của Nhà nước chỉ tập trung vào các TĐKT, TCTNN. Tích tụ tập trung đã nâng cao khả năng cạnh tranh, thuận lợi trong việc quản trị điều hành, thuận lợi trong triển khai các chính sách của Nhà nước, trong thực hiện các giải pháp lớn của DN, nhưng có mặt trái là cũng tập trung rủi ro, thất thoát, khó kiểm soát. Kết quả kiểm toán các đơn vị trong thời gian qua cho thấy, một số DN loại này đã thua lỗ, mất vốn và để lại những hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế cũng như các lĩnh vực có liên quan.

Hai là, phần lớn những đơn vị hoạt động có hiệu quả kinh tế cao đều có lợi thế nắm giữ nguồn lực quan trọng như tài nguyên, đất đai hoặc phát triển nóng ở một số lĩnh vực không thuộc lĩnh vực sản xuất vật chất như ngân hàng, viễn thông,... cho nên dù hỗ trợ tăng trưởng phát triển nhưng không tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bằng nội lực và bền vững. Hiệu quả hoạt động SX-KD các năm qua có xu hướng giảm đi rõ rệt. Nếu xu hướng này không được quan tâm quản trị rủi ro và xem xét áp dụng các giải pháp khắc phục, nguy cơ đối mặt với khó khăn, đổ vỡ là không tránh khỏi.

Ba là, nguy cơ và thực tế thất thoát vốn Nhà nước khá lớn. Những rủi ro trong quản trị vốn tài sản Nhà nước đã từng bước bộc lộ và biểu hiện rõ nét ở nhiều đơn vị. Một số TĐKT, TCTNN có số lượng lớn các đơn vị thành viên thua lỗ, mất vốn, hoạt động SX-KD khó khăn, một số DN đã và đang phải làm các thủ tục giải thể, phá sản. Các chỉ tiêu đánh giá tình hình tài chính, thực trạng tài chính của phần lớn các TĐKT, TCTNN ít có cải thiện, một số đơn vị còn có biểu hiện xấu hơn các năm trước liền kề. Các chỉ số về khả năng thanh toán nợ, khả năng tự chủ tài chính, chỉ tiêu đánh giá hiệu quả và bảo toàn vốn,... đều có những hạn chế, sụt giảm. Một số đơn vị có thực trạng tài chính khó khăn, mất khả năng thanh toán phải xếp vào đối tượng chịu kiểm soát đặc biệt. Nợ vay của các đơn vị rất lớn, lệ thuộc vào các khoản nợ vay, có đơn vị rất khó khăn trong thanh toán nợ.

Bốn là, mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng công tác quản trị rủi ro, quản trị tài chính DN, quản trị chiến lược, quản trị thị trường, quản trị nguồn nhân lực của các tập đoàn, tổng công ty còn nhiều hạn chế. Cho dù có những lý do khách quan gây khó khăn cho việc tăng cường công tác quản lý, quản trị của đơn vị, tuy nhiên qua kiểm toán cho thấy phần lớn các đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản trị một cách toàn diện, dài hạn, khoa học và hiệu quả. Những hạn chế này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước hướng đến mục tiêu tăng trưởng, phát triển của các TĐKT, TCTNN.

Năm là, công tác quản lý tài chính kế toán của các đơn vị qua kiểm toán cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu sót. Một số đơn vị trong các tập đoàn, tổng công ty chưa ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu để tăng cường quản lý nợ; Công ty mẹ của một số TĐKT, TCTNN cho công ty con vay hoặc ủy thác cho vay không đúng, không có đảm bảo thanh toán nợ dẫn đến khó có khả năng thu hồi. Công tác quản lý hàng tồn kho tại một số TĐKT, TCTNN còn chưa chặt chẽ về nhập xuất, định mức, hao hụt; một số đơn vị chưa ghi chép, lưu trữ hồ sơ tài sản cố định theo quy định.. Nhiều TĐKT, TCTNN chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời doanh thu, thu nhập. Năm 2011, KTNN đã kiến nghị tăng thu NSNN 304 tỷ đồng; năm 2012 kiến nghị tăng thu NSNN 206 tỷ đồng; năm 2013 kiến nghị tăng thu NSNN 1.656 tỷ đồng, năm 2014 xác định số thuế nộp NSNN tăng thêm 580 tỷ đồng,...

Nguyên nhân của thực trạng quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các TĐKT, TCTNN được KTNN cho biết, trước hết đó là do hệ thống quản trị nội bộ của các TĐKT, TCTNN chưa đáp ứng được các yêu cầu quản lý, giám sát hiệu quả sử dụng các nguồn lực được Nhà nước giao. Quá trình tổ chức, tái cơ cấu DNNN tiến hành còn chậm, kéo dài. Tình trạng đầu tư đa ngành dàn trải, đầu tư và sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp, gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát sử dụng đồng vốn Nhà nước. Bên cạnh đó là những hệ lụy về suy giảm kinh tế, thương mại trên toàn cầu.

Tách bạch vai trò chủ sở hữu và người điều hành DN

Để công cuộc đổi mới quản lý DNNN đem lại hiệu quả thiết thực, cụ thể và bền vững, KTNN đã đề xuất một số kiến nghị quan trọng. Thứ nhất, cần tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng các DNNN một cách tổng thể, toàn diện, trên nhiều khía cạnh quản lý, quản trị hoạt động để chỉ ra những ưu thế, điểm mạnh cũng như những khiếm khuyết, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Từ đó, mô hình hóa bức tranh toàn cảnh của các DNNN nhằm đưa ra những giải pháp đồng bộ, dài hạn, gắn với bối cảnh thực tế của DN và điều kiện thực tiễn quản lý của hệ thống chính trị, kinh tế Việt Nam dưới hình thức một chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn. Trên cơ sở định hướng của chiến lược, Nhà nước có trách nhiệm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ; các DN hoạt động theo các lĩnh vực hoạt động, loại hình DN có trách nhiệm chủ động triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án,... cụ thể, chi tiết phù hợp.

Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác cải cách phương thức quản lý DN, hạn chế sự can thiệp hành chính, gây cản trở hoạt động SX-KD quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN. Theo đó, Nhà nước chỉ đầu tư vào những DN sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu mà những thành phần kinh tế khác không tham gia, cái gì tư nhân làm được thì để họ làm.

Thứ ba, để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu DNNN, Nhà nước cần có chính sách để xử lý triệt để các tồn tại cũ của các DN. Hiện tại, những tồn tại về nợ tồn đọng là gánh nặng trong xử lý tài chính phục vụ tái cơ cấu. Bên cạnh đó, các TĐKT-TCTNN cần tập trung đề ra các giải pháp cụ thể để xử lý những tồn tại về đầu tư tài chính, góp vốn; các giải pháp quản trị và phòng ngừa rủi ro nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại, thất thoát vốn (đối với những khoản nợ khó đòi, dự án đầu tư không hiệu quả, đầu tư tài chính, góp vốn...) đã tồn tại từ nhiều năm trước.

Thứ tư, tập trung đào tạo xây dựng đội ngũ lãnh đạo DN nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển và thực hiện các quyền của đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước trong các DN. Trong các trường hợp cần thiết, cần thiết lập cơ chế và đẩy mạnh hình thức tách bạch vai trò của chủ sở hữu và người điều hành, theo đó thực hiện thuê đội ngũ lãnh đạo điều hành DN nhằm thúc đẩy quản trị hiệu quả, tạo động lực phát triển thông qua cơ chế trách nhiệm hợp đồng.

Cuối cùng, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để đánh giá kết quả thực hiện đổi mới quản lý, sử dụng tài sản vốn Nhà nước tại các TĐKT-TCTNN theo các tiêu chí hiệu lực, hiệu quả (tuân thủ pháp luật, đạt mục tiêu đề ra và đảm bảo hiệu quả kinh tế cao).Thông qua kiểm tra, kiểm toán để phát hiện và đề xuất việc điều chỉnh cơ chế, chính sách nếu phát hiện còn bất cập trong thực tiễn áp dụng; hướng dẫn và hỗ trợ DN giải quyết những khó khăn, vướng mắc; kiến nghị giải quyết những hạn chế, tồn tại. Đồng thời đề xuất khen thưởng, xử phạt một cách công tâm, khách quan nhằm góp phần tăng cường ý thức tuân thủ quy định pháp luật cũng như động viên những người trực tiếp thực hiện công cuộc cải cách, đổi mới hoạt động của các DNNN, theo đó kiên quyết xử lý các vi phạm về quản lý, đặc biệt là quản lý và sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN, bổ sung và có chế tài xử lý nghiêm minh những sai phạm của lãnh đạo TĐKT-TCTNN.

Sông Hồng

Mới nhất
x
Vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO