Vọng mãi ca khúc về Người
(Baonghean) - Với các nhạc sỹ, Bác Hồ là niềm cảm hứng sáng tác vô tận. với tấm lòng kính yêu vô bờ bến, họ đã viết về Bác bằng ca từ, giai điệu với mong muốn tấm gương của Bác mãi mãi trường tồn, để tình cảm nồng ấm mà người đã dành cho chúng ta mãi lan tỏa…
Bác Hồ trò chuyện với học sinh Trường Thiếu nhi rẻo cao Khu tự trị Việt Bắc. Ảnh: tư liệu |
Có lẽ trên thế giới, từ trước đến nay, hiếm có bậc lãnh tụ nào trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho giới văn nghệ sỹ như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, tấm gương đạo đức và mỗi hành động, cử chỉ của Người đều được phản ánh chân thực, cụ thể dưới lăng kính nghệ thuật. Tính riêng trong âm nhạc, đã có hàng trăm bài hát nổi tiếng về Bác Hồ. Các giai điệu này đã ngân vang suốt gần 7 thập kỷ qua và còn mãi trường tồn trong lòng nhân dân Việt Nam bởi nó chứa đựng tất cả những cảm xúc sâu lắng, thiêng liêng, thành kính đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Viết về Bác Hồ, mỗi nhạc sỹ đều có một hướng, góc, khía cạnh để tập trung chuyên chú. Và dẫu khai thác ở bất cứ phương diện nào thì cũng rất dễ thành công, bởi lẽ Người rất giản dị mà phong phú, bình thường mà vĩ đại, thân thương mà lại cao quý vô cùng; nhân cách và đạo đức của Người chính là đạo lý, đạo đức của dân tộc mà mỗi người dân hướng tới. Vậy nên, khi viết về Người, lời ca, nốt nhạc cứ thế tuôn trào và thăng hoa… Nhạc sỹ Phong Nhã – tác giả bài hát hay nhất về đề tài Bác Hồ với tuổi thơ “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” từng kể: Xúc cảm để ra đời bài hát này là khi ông có nhiệm vụ đưa Đội Thiếu niên Tiền phong Nguyễn Thái Học đi đón và tiễn Bác nhân dịp Bác đến Quảng trường Ba Đình đọc bản Tuyên ngôn độc lập. “Thấy đàn cháu đứng reo lên Hồ Chí Minh muôn năm, Bác nhoài người ra vẫy tay, thân thiết như người ông thân yêu. Giây phút ấy, tôi cảm động lắm, vì Bác là Chủ tịch nước, một lãnh tụ cách mạng lớn nhưng đối với các cháu lại thân mật, thương yêu đến như vậy, tôi không thể tưởng tượng được… Từ đó, tôi thấy cần phải có một bài hát về Bác”. Và rồi, “Trong buổi sinh hoạt Đội, anh phụ trách đố các em là: Ai yêu Bác Hồ nhất? Các em nói rằng nhi đồng yêu Bác Hồ nhất rồi cùng nhau hô: Bác Hồ yêu thiếu nhi nhất và thiếu nhi yêu Bác Hồ nhất… Tôi nảy ra ý tứ và cứ thế phát triển”. Sau buổi sinh hoạt này, nhạc sỹ Phong Nhã chỉ mất có một ngày để hoàn thiện tác phẩm.
Nhạc sỹ Phạm Tuyên cũng chỉ mất có 2 giờ để hoàn thành bài hát sống mãi trong lòng người dân Việt Nam "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Nhạc sỹ Phạm Tuyên kể: Đêm 28/4/1975, nghe tin phi công Nguyễn Thành Trung đánh bom Sân bay Tân Sơn Nhất, chợt nghĩ, đến Tân Sơn Nhất là sắp vào Sài Gòn rồi, chắc chắn mai hay ngày kia là giải phóng. Tự nhiên trong đầu tôi nghĩ ngay tới câu nói Bác đã nói: “Vì độc lập vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/Tiến lên chiến sỹ đồng bào/Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Tôi nghĩ, lúc này cả nước reo vui nhớ tới Bác nên tôi viết chỉ trong 2 tiếng, (từ 21h30 - 23h30) mà không phải sửa một chữ nào”… Thực ra, "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” không đơn thuần ra đời trong một thời điểm thăng hoa mà đó là tình yêu vô bờ bến đối với Bác Hồ được nuôi dưỡng, ấp ủ suốt một thời gian dài. Và khi viết những bài hát về Bác Hồ, nhạc sỹ không viết theo kiểu ca ngợi một vĩ nhân, mà nhập vào vai của người dân Việt Nam viết về cuộc đời của Bác.
Tình yêu của Bác Hồ đối với người dân Việt Nam là vô bờ bến và ngược lại, trong lòng mỗi người dân, Bác chính là sự hiện thân, mẫu số chung của tình yêu trong sáng, cao cả, vô bờ bến. Thời điểm nhạc sỹ An Thuyên viết “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” khi ông mới 24 tuổi, là cán bộ Đội Tuyên truyền văn hóa của Ty Văn hóa Nghệ An và chưa hề được học về sáng tác, cũng chưa một lần được gặp Bác Hồ. Nhạc sỹ An Thuyên kể: Năm 1973, ông về Làng Sen sưu tầm dân ca, sống cùng những điệu ví dặm. An Thuyên đã được nghe một người phụ nữ trung niên hát ru con mình trên cánh võng kẽo kẹt và được người mẹ già của chị cho biết, ngày xưa Bác Hồ hay đi xem hát phường vải. Ngay đêm đó, nhạc sỹ đã viết bài hát rất nhanh trong nước mắt dâng trào. “Suốt đêm ngồi viết bài hát này, nước mắt tôi cứ giàn dụa”…
Dẫu Bác đã đi xa nhưng lý tưởng, nhân cách của người vẫn mãi là ánh bình minh dẫn đường, soi lối: “Ngọn đuốc Bác thắp đêm Đông/ Để có non sông tươi sắc hồng/ Ngày xuân trong hào quang của Bác”. Nhạc sỹ Dân Huyền, tác giả của ca khúc “Bên Lăng Bác Hồ” kể: Tháng 10/1974, ông cùng Đoàn văn nghệ sỹ Đài Tiếng nói Việt Nam đến thăm công trường xây dựng Lăng Bác. Xúc động trước cảnh lao động hăng hái của hàng ngàn cán bộ, công, nhân viên, ông hình dung ra sau ngày thống nhất đất nước, đồng bào cả nước sẽ về đây viếng Bác. Trong lòng người nhạc sỹ bỗng vang lên tiếng nói của Bác năm xưa: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Rồi hai câu thơ của Tố Hữu cũng bất chợt vọng về: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”. Như không thể khác, Dân Huyền cảm thấy mình phải viết về nó, một cảm xúc đang trào dâng tràn ngập trái tim ông. Và cũng như không thể khác, một nét nhạc mang phong cách dân ca đã tràn ngập trong tâm trí ông, khi ông đang xúc động, bối rối và hân hoan đón nhận những tình cảm về Bác, về miền Nam ruột thịt. “Nét nhạc ấy cứ vương vấn trong đầu và đã cho tôi những nốt nhạc đầu tiên khi thốt lên bằng lời: “Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong” và khoảng một tuần sau đó, bài hát được hoàn thành…
Lý tưởng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là khát vọng chung của nhân loại, vậy nên, không chỉ người Việt mà rất nhiều người dân khắp thế giới dành tình yêu, sự kính trọng đối với Người. Tình cảm đó đã lắng đọng thành những ca khúc bất hủ như: "The Ballad of Ho Chi Minh" (Bài ca Hồ Chí Minh) của nhạc sỹ người Anh Ewan MacColl; "Cảm ơn đường Hồ Chí Minh" của nhạc sỹ người Campuchia Norodom Sihanouk ; “El derecho de vivir en paz” (Quyền sống trong hòa bình) của nhạc sỹ người Chi Lê Victor Jara; "Hát mừng Bác Hồ vĩ đại" của nhạc sỹ Ấn Độ Suphat Mukhophathiai; "Ho Chi Minh" của nhạc sỹ người Đức Kurt Demmler; "Hồ Chí Minh là cả một bài thơ" của nhạc sỹ người Cuba Felis Pita Rogerigate; "Inolvidable Ho Chi Minh" của nhạc sỹ người Venezuela Alí Primera; “Jose Marti Hồ Chí Minh" của nhạc sỹ người Cuba Armando Cardoso; "Ngọn cờ Hồ Chí Minh" của nhạc sỹ người Cuba Carlos Puebla; "Ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh" của nhạc sỹ người Đức Jeans Chourfores; "Nhật ký trong tù" của nhạc sỹ người Anh George Feris; "Teacher Uncle Ho" (Thầy giáo Bác Hồ) của nhạc sỹ người Mỹ Pete Seeger; "Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" của nhạc sĩ Nga Vladimir Fere… Với nhạc sỹ người Anh Ewan MacColl thì: “Trên đời có những vật không thể thay đổi. Có những con chim không khuất phục bao giờ. Có những tên người sống mãi với thời gian. Hồ Chí Minh!... Peace and freedom and Ho Chi Minh - Hòa bình và tự do và Hồ Chí Minh”.
Có thể khẳng định, Bác Hồ đã, đang và sẽ mãi là niềm cảm hứng vô tận cho các nhạc sỹ sáng tác. Đối với các nhạc sỹ, viết về Bác đều xuất phát từ tình cảm chân thành, niềm kính yêu vô hạn cùng từ sự tự hào vô bờ bến. Chính vì vậy, hình tượng Bác Hồ trong âm nhạc luôn cao quý mà gần gũi, như một người ông, người cha thân thương… Đã 45 năm Bác đi xa, Người đã về với thế giới người hiền, nhưng qua những giai điệu của các bài hát mãi ngân vang, truyền đời muôn thế hệ, hình ảnh của Bác kính yêu mãi tồn tại trong lòng mỗi người dân Việt Nam và người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Thanh Sơn