Vụ 'Chụp ảnh đăng Facebook phải xin phép': Hiểu sai về phạm vi điều chỉnh?

17/07/2016 08:52

“Tôi cho rằng ý kiến cho rằng đăng ảnh lên Facebook phải chờ xin phép là không chính xác, vì Nghị định 72/2016/NĐ-CP không có điều khoản nào quy định “những cá nhân chụp ảnh đăng trên Facebook phải xin phép”- Luật sư Lê Hồng Hiển chia sẻ.

Trên Facebook xuất hiện bài viết với tiêu đề: “sau 15/8, post ảnh lên Facebook phải có giấy phép? Bài viết cho rằng, kể từ ngày 15/08/2016, Nghị định 72/2016/NĐ-CP về hoạt động nghiếp ảnh sẽ bắt đầu có hiệu lực, khi đó đăng ảnh lên Facebook phải xin phép.

Bài viết này diễn giải, theo Khoản 4 Điều 3 của NĐ này, Tác phẩm nhiếp ảnh là sản phẩm sáng tạo thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Nói một cách hết sức ngắn gọn, tác phẩm nhiếp ảnh là ảnh.

Theo Khoản 9 Điều 3, Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh là hình thức phổ biến, giới thiệu, trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh, bao gồm cả triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet. Theo Điều 11, tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam phải có giấy phép triển lãm.

“Như vậy, chiểu theo tinh thần Nghị định 72/2016/NĐ-CP, khi bạn muốn post, up một bức ảnh hoặc một album ảnh nào đó lên Facebook, bạn sẽ phải có giấy phép triển lãm do bạn đang phổ biến, giới thiệu, trưng bày một tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet”- nội dung trên trang cá nhân kết luận.

Từ kết luận sai lệnh này, bài viết kể trên đã có những quy kết không chính xác về hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

Hình ảnh về bài viết suy luận không chính xác về Nghị định 72/2016/NĐ-CP
Hình ảnh về bài viết suy luận không chính xác về Nghị định 72/2016/NĐ-CP

Trao đổi với PV, Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc công ty Luật Nay & Mai (Đoàn luật sư Tp Hà Nội) cho rằng đang có sự hiểu sai về phạm vi điều chỉnh của Nghị định 72/2016/NĐ-CPBài viết này đã có hàng nghìn lượt thích, gần 1 nghìn lượt chia sẻ và nhiều bình luận. Trong đó có nhiều nội dung bình luận gây hiểu lầm về chủ trương chính sách của Nhà nước. Vậy từ góc nhìn pháp luật phải hiểu quy định này thế nào?

“Tôi cho rằng ý kiến cho rằng đăng ảnh lên Facebook phải chờ xin phép là không chính xác, vì Nghị định 72/2016/NĐ-CP không có điều khoản nào quy định “những cá nhân chụp ảnh đăng trên Facebook phải xin phép” của Cơ quan quản lý Nhà nước”- Luật sư Hiển chia sẻ.

Luật sư Lê Hồng Hiển lý giải, tại Điều 1 và Điều 2 NĐ số 72 đã quy định rất rõ về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đó là Nghị định này quy định về hoạt động nhiếp ảnh và quản lý nhà nước vềhoạt động nhiếp ảnh; được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động nhiếp ảnh tại Việt Nam.

Ở đây, chúng ta cần lưu ý là chỉ những tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động nhiếp ảnh mới chịu sự điều chỉnh của Nghị định này. Điều đó có nghĩa là chỉ những tổ chức, cá nhân tham vào việc vận động sáng tác, tổ chức trại sáng tác, thi, liên hoan, triển lãm, mua, bán và sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh thì mới phải tuân theo các quy định tại Nghị định này (Khoản 1 Điều 3), trong đó có quy định về trình tự, thủ tục cấp phép đối với hoạt động nhiếp ảnh.

“Cá nhân tôi không cho rằng quy định nêu trên gây hiểu lầm hay có vấn đề về mặt kỹ thuật lập pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu xét thấy cần thiết thì Bộ VHTT&DL hoàn toàn có thể quy định, giải thích trong Thông tư của Bộ này về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 72 nêu trên”- luật sư Hiển nhấn mạnh.

Theo luật sư Lê Hồng Hiển, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (có hiệu lực từ 01/7/2016) thì chỉ quy định về việc giải thích Hiến pháp, Luật và Pháp lệnh mà không quy định về việc giải thích Nghị định. Do đó, trong trường hợp Cơ quan quản lý Nhà nước thấy một hoặc một số quy định trong Nghị định này có sai sót, không chính xác hoặc không phù hợp thì sẽ ban hành Nghị định để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trường hợp có quy định, điều khoản trong Nghị định chưa rõ hoặc chưa chi tiết thì ban hành Thông tư để hướng dẫn chi tiết để người dân không hiểu lầm.

"Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hoạt động nhiếp ảnh và quản lý nhà nước về hoạt động nhiếp ảnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động nhiếp ảnh tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động nhiếp ảnh bao gồm: Vận động sáng tác, tổ chức trại sáng tác, thi, liên hoan, triển lãm, mua, bán và sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh.

2. Tác giả nhiếp ảnh là người sáng tạo ra tác phẩm nhiếp ảnh.

3. Đồng tác giả nhiếp ảnh là hai hay nhiều tác giả cùng sáng tạo ra một tác phẩm nhiếp ảnh.

4. Tác phẩm nhiếp ảnh là sản phẩm sáng tạo thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Tác phẩm nhiếp ảnh có chú thích ảnh hoặc có thể không có chú thích ảnh.

5. Chuyển chất liệu là hình thức sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh để thể hiện sang chất liệu khác với chất liệu ban đầu.

6. Kết hợp với loại hình nghệ thuật khác là hình thức sử dụng một phần hoặc toàn bộ tác phẩm nhiếp ảnh để tạo nên sản phẩm thuộc loại hình nghệ thuật: Mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh và các loại hình khác.

7. Thi tác phẩm nhiếp ảnh là hoạt động tuyển chọn và công bố tác phẩm nhiếp ảnh, có giải thưởng, bao gồm cả thi tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet.

8. Liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh là hoạt động tập hợp, công bố và triển lãm, giao lưu, trưng bày tác phẩm nhiếp ảnh, có giải thưởng hoặc không có giải thưởng, bao gồm cả liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet.

9. Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh là hình thức phổ biến, giới thiệu, trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh, bao gồm cả triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet.

10. Vận động sáng tác tác phẩm nhiếp ảnh là hoạt động khuyến khích sáng tác tác phẩm nhiếp ảnh có chủ đề, mục đích cụ thể, có giải thưởng hoặc không có giải thưởng, bao gồm cả vận động sáng tác tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet.

11. Trại sáng tác nhiếp ảnh là nơi tập trung các tác giả nhiếp ảnh sáng tác theo cùng mục đích, chủ đề do cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức"- Trích Nghị định 72/2016/NĐ-CP.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN

Vụ 'Chụp ảnh đăng Facebook phải xin phép': Hiểu sai về phạm vi điều chỉnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO