Vụ "Phóng viên Hà Nội mới tố bị đánh khi tác nghiệp": Công dân cũng có quyền ghi hình

15/09/2015 17:30

Đó là quan điểm của Luật sư Huỳnh Kim Ngân, Trưởng VP Luật sư Chân Thiện Mĩ (Đoàn Luật sư Tp HCM) xung quanh vụ việc PV báo Hà Nội mới tố bị đánh khi đang tác nghiệp.

Trao đổi với Infonet, Luật sư Huỳnh Kim Ngân cho rằng: Việc không xác định ngay tại chỗ ai là người tấn công phóng viên là một thiếu sót, mặt khác, tại nơi diễn ra tai nạn giao thông, dù là người dân bình thường cũng có quyền quay phim chụp ảnh, giám sát sự việc. Nếu việc quay phim chụp ảnh đó được dùng vào mục đích vi phạm pháp luật thì trách nhiệm pháp lý được xem xét sau đó.

Qua đây luật sư Huỳnh Kim Ngân cũng đề nghị phải có chế tài đủ mạnh với tổ chức cá nhân ngăn cản quyền tiếp cận thông tin của người dân. Nên quy định ngay trong Luật tiếp cận thông tin đang được Quốc hội bàn thảo lấy ý kiến.

Tác nghiệp tai nạn giao thông PV báo HN mới bị đám tím mắt và bị đưa về đồn.
Tác nghiệp tai nạn giao thông PV báo Hà nội mới bị đấm tím mắt và bị đưa về đồn.

Dưới đây bài trả lời PV của luật sư Huỳnh Kim Ngân.

Thưa luật sư, mấy hôm nay báo chí đưa tin, một phóng viên đang tác nghiệp tai nạn giao thông bị đưa về đồn và bị thâm tím mắt. Luật sư có suy nghĩ gì?

Thật bất ngờ vì ai đó quên rằng: chúng ta đang sống trong một Thành phố mang tên Bác, một thành phố văn minh nhưng họ lại có cách hành xử thiếu văn minh, đó là điều đáng tiếc.

Mọi hành động dùng vũ lực ngang nhiên tấn công người khác là đều không thể chấp nhận được. Kẻ dùng vũ lực vô cớ tấn công, xâm phạm đến thân thể, gây hại đến sức khỏe cho người khác phải bị pháp luật nghiêm trị.

Theo thông tin báo chí đưa thì anh Phóng viên bị “một người lạ” đấm vào mắt khi đang tác nghiệp tại hiện trường một vụ tai nạn giao thông, sau đó bị đưa về trụ sở Công an Phường để “làm việc” mà không xác định kẻ hành hung là một sai sót cần phải làm sáng tỏ.

Về nguyên tắc ở hiện trường tai nạn, không phải nơi cấm quay phim chụp ảnh, không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, công an có quyền hỏi, đưa về đồn người quay phim chụp ảnh không, dù người đó là một dân thường, thưa luật sư?

Những nơi công cộng không có biển báo “cấm quay phim, chụp ảnh” thì mọi công dân đều có quyền quay phim chụp ảnh, không ai có quyền ngăn cản nếu không có lý do chính đáng theo quy định pháp luật. Như vậy, khi một công dân không vi phạm pháp luật thì các cơ quan bảo vệ pháp luật không có quyền áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế quyền tự do của họ như tra hỏi, cấm đi lại tự do, thu giữ, hủy hoại phương tiện, tài liệu . . .

Việc sử dụng hình ảnh chụp được vào mục đích gì sau đó sẽ phát sinh trách nhiệm pháp lý liên quan, nếu ai đó sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật thì mới bị chế tài theo quy định pháp luật.

Cần làm rõ những trả lời này có đúng hay không
Cần làm rõ những trả lời này có đúng hay không.

Luật sư nghĩ sao về quyền giám sát của người dân đối với những trường hợp như thế này?

Mọi công dân có quyền thực hiện các hành động mà pháp luật không cấm nhằm tham gia giám sát, phản ánh, tiếp cận thông tin trong quá trình thực nhiệm nhiệm vụ, thực thi pháp luật của cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức thi hành công vụ.

Có nên quy định rõ ràng trong luật (luật tiếp cận thông tin), văn bản dưới luật về quyền giám sát này, không cho phép các lực lượng gây cản trở quyền tiếp cận thông tin của người dân hay không?

Quyền tiếp cận thông tin của người dân đã được Hiếp Pháp 2013 ghi nhận tại Điều 25

“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Do đó, việc cụ thể quyền này bằng một số văn bản Luật, dưới Luật là đều cần thiết, trong đó sẽ quy định việc nghiêm cấm các hành vi cản trở quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Nội tình sự vụ đang cơ quan công an làm rõ, tuy nhiên, công an phường cho rằng do PV có mùi bia rượu, có lời lẽ không đúng mực, vậy công an có phải xuất trình chứng cứ về thông tin này không?

PV có mùi bia rượu, có lời lẽ không đúng mực cần phải xác định cụ thể với những chứng cứ thuyết phục, ví dụ như: nồng độ cồn, những câu nói nào được xác định mà cho rằng câu nói đó không đúng mực… Sau đó, đối chiếu với các quy định pháp luật để cơ quan có thẩm quyền kết luận việc có hay không sự vi phạm pháp luật của cơ quan công an đưa PV báo chí về trụ sở Công an Phường làm việc.

Bên cạnh đó cần phải tổ chức xác minh làm rỏ việc PV bị tấn công bằng vũ lực để xừ lý những người có liên quan theo quy định pháp luật.

Một thực tế là lúc đó PV chỉ có một mình, lực lượng CA thì có nhiều, việc làm chứng của những người cùng ngành, cùng thực hiện nhiệm vụ sẽ rất khó khách quan. Theo luật sư có nên đề nghị đầu tư hệ thống camera giám sát các hoạt động tiếp xúc công dân của lực lượng này không, giống như camera gắn trên mũ, trên ô tô như CSGT ở các nước tiên tiến để đảm bảo có bằng chứng khách quan cho người làm nhiệm vụ?

Vâng, chúng ta có quyền nghi ngờ về sự khách quan trong quá trình xử lý vụ việc nêu trên vì cho rằng: “PV chỉ có một mình, lực lượng CA thì có nhiều, việc làm chứng của những người cùng ngành, cùng thực hiện nhiệm vụ sẽ khó khách quan”.

Từ đó cho thấy, việc trang bị camera thực hiện mục đích giám sát hoạt động tiếp công dân sẽ rất cần thiết trong quá trình thực thi công vụ. Điều này chúng ta chỉ mới thấy ở một số cơ quan Nhà nước đã thực hiện tại nơi tiếp công dân, nhưng đối với Cơ quan công an cấp phường xã thì đa số vẫn chưa thực hiện, gây khó khăn trong quá trình xác minh thu thập chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền giải quyết các nghi ngờ, khiếu nại, thắc mắc của công dân liên quan đến vụ việc xảy ra tại cơ quan mình.

Xin cảm ơn luật sư

Theo Infonet

Vụ "Phóng viên Hà Nội mới tố bị đánh khi tác nghiệp": Công dân cũng có quyền ghi hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO