"Vua cá" ở Thịnh Sơn
(Baonghean) - Có lẽ nói về ông không cần phải tính xem ông là “triệu phú”, “tỷ phú” cụ thể như thế nào. Mà điều quan trọng ông đã tạo dựng nên một mô hình trại chăn nuôi cá giống khá lý tưởng trên đất quê Thịnh Sơn (Đô Lương). Đó là ông Trần Văn Minh - Chủ nhiệm một hợp tác xã chỉ có... 3 hộ xã viên, với tổng thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm...
Ông Trần Văn Minh (đứng, thứ nhất từ trái sang) thu hoạch cá. |
Từng là người lính Trường Sơn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), bảo vệ biên giới phía Bắc (1979); rồi gần 30 năm là công nhân Công ty cổ phần cá nước ngọt Nghệ An; đến năm 2006, ông Trần Văn Minh nghỉ hưu về sống ở quê nhà, xóm 15, xã Thịnh Sơn với vợ con. Lương hưu vợ chồng công nhân nuôi 4 đứa con ăn học khá là chật vật. Phải nghĩ cách làm ăn thoát nghèo thôi! Ông Minh tự nhủ, và sẵn cái nghề công nhân “trại cá” trong tay, nên ông lọ dọ đi tìm chỗ nuôi cá. Cuối cùng, ông quyết định nhận đấu thầu vùng đất lò gạch cũ đã bỏ hoang từ lâu để thêm một lần “lập nghiệp” trong đời. Trên vùng đất trống trơ ngổn ngang gạch vỡ, lô nhô những hố đào nham nhở ấy, người ta thấy ngày đêm hai vợ chồng đầu điểm bạc cần mẫn cải tạo thành ruộng, thành ao. Chồng cày, vợ cấy bên lán trại dựng tạm dần xôn xao tiếng gà vịt, tiếng cá quẫy.
Sau 3 năm trên vùng đát 0,6 héc-ta đã hiện diện một trại nhỏ có đường vào thẳng tắp, những bờ ao xanh mát cây ăn quả nhãn, xoài, chuối, cam… cùng chuồng trại chăn nuôi bò lợn, gà vịt và thâm canh mấy khoảnh lúa; kinh tế gia đình tạm ổn định. Nhưng cứ thâm canh cây lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ mang tính tự cung tự cấp thì không thể giàu lên. Ông Minh bắt đầu bắt tay thực hiện mục đích chính: Làm giàu từ cá!
Ông tâm sự: “Buổi đầu nhiều cái băn khoăn, mặc cảm lắm. Xưa nay mình là người công nhân, nông dân thuần túy, giờ tập làm ông chủ vừa sản xuất, vừa phải đi giao dịch giữa cơ chế thị trường lắm cạnh tranh đâu phải dễ, rồi phương tiện vận chuyển hàng hóa nữa... Nhưng tôi đã mạnh dạn lên nhờ cái thuận lợi cũng nhiều: đất đai rộng, lãnh đạo địa phương quan tâm, ngân hàng cho vay vốn. Rồi trạm cá giống của công ty cũ trên địa bàn huyện là nguồn cung cấp cá bột giống dồi dào và cả kỹ thuật nuôi trồng nữa... Nuôi cá vấn đề nguồn nước là quan trọng bậc nhất, thì đã có trạm thủy nông, có kênh Bàu Vua chảy qua đã bao đời có không khi nào khô cạn”. Ông Minh bèn nhận thêm 0,4 héc-ta đất nữa tăng diện tích đất lên trong 1 héc-ta và bỏ trồng lúa đào thêm ao chuyên tâm nuôi cá, ban đầu chủ yếu nuôi cá thịt, cá giống chiếm một phần rất nhỏ.
Cách nuôi cho con cá thịt ngon, cách bàn xở lởi tận tình, ông tạo được uy tín, tư thương các chợ trong, ngoài huyện kéo đến đến cân cá mua tại ao. Tính ra mỗi năm trại chăn nuôi cá của ông thu hoạch từ 3 - 4 tấn các thịt, thu 300 triệu đồng, lãi gấp nhiều lần so với trồng lúa. Từ nuôi cá thịt, từng bước ông chuyển sang sản xuất cá giống đủ loại: trắm đen, trắm cỏ, trôi, mè hoa, mè trắng, chép, trê lai, rô phi đơn tính... Các hộ nuôi cá vụ 3, nuôi ao, hồ, đập… quanh vùng đã tìm đến trại của ông mua cá giống. Nhưng ước mơ mở rộng thị trường đến 11 huyện miền núi trong tỉnh mới là “vấn đề chủ đạo” của ông Minh. Và ông đã thành công.
Ông Minh trầm ngâm hồi tưởng và chậm rãi kể tôi nghe buổi đầu đem cá giống ngược núi: “Tôi đã có những năm tháng cùng chiếc xe máy cà tàng chở cá đến những bản làng vùng sâu của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Hợp, Quế Phong... Mỗi chuyến như thế chỉ có 15 kg, một bì buộc trước xe, một bì sau xe cùng vài bình ô xy nhỏ, đi về trong 3 ngày. Có những chuyến xe hỏng, cá thiếu ô xy, thiếu nước, chết hết. Rồi những khi mưa lũ không vào bản được… Thế là mất cả vốn. Nhưng chính từ những ngày gian khó ấy, tôi nhận ra nhu cầu cá giống ở miền núi rất lớn, khi người nông dân đã đổi thay nếp nghĩ, cách làm ăn nhờ tác động của những dự án, những chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước”. - Khi đã tìm được thị trường, chắc ông phải có kế hoạch để sản xuất con giống và phải có đủ phương tiện vận chuyển với khối lượng lớn? Tôi hỏi. Ông phấn chấn hẳn lên: “Đúng vậy! Tôi ký hợp đồng với các đơn vị vào đầu năm để biết số lượng đầu ra trong năm, rồi có kế hoạch sản xuất con giống, chứ nếu không ế giống thì ao nhà làm sao nuôi hết được. Bây giờ vận chuyển hàng tấn cá nhiều lứa tuổi thì xe cộ, đồ nghề cũng phải “hoành tráng” chứ! Tôi sắm một xe tải chuyên vận chuyển hàng hóa và một xe du lịch 7 chỗ ngồi để đi giao dịch, giao lưu bạn bè và có lúc đưa gia đình đi đây đi đó mới mang cái tầm nhìn để chí thú làm ăn. Các trang thiết bị phục vụ cho nghề cá, cơ bản đã hoàn thiện từ lưới, máy bơm, máy cắt rau, giếng khoan, máy phát điện… và 10 bộ thiết bị vận chuyển cá đi đường xa từ thùng, bạt, bình ô xy, máy sục khí, đá lạnh...”.
Vận chuyển cá đi tiêu thụ tại trang trại ông Trần Văn Minh. |
Ông Minh cũng kể thêm cho tôi nghe về những đêm mưa như thác đổ, cả nhà ai dầm mưa lo xả lũ, quây lưới giữ cá khi nước tràn bờ; những khi lạnh giá dầm mình dưới ao luyện sức chịu đựng cho con giống trước ngày lên xe đến những vùng miền núi xa, xử lý phân chuồng làm thức ăn cho cá, tạo màu cho nước, vệ sinh ao, phòng trừ dịch bệnh... Tất cả đã là nỗi lo toan buồn vui lẫn say mê ám ảnh thường trực của mỗi thành viên trong gia đình. Riêng ông Minh đã có những đêm thức trắng phấp phỏng trước cơn mưa dai dẳng, trước căn bệnh làm cá chết nổi trắng ao mà đến các nhà khoa học vẫn còn lúng túng chưa tìm ra phương thuốc đặc trị.
Tôi không khỏi khâm phục trước ông “vua cá” đất Thịnh Sơn với vẻ ngoài cục mịch, lam lũ mà ngồi trước máy tính lướt mạng vèo vèo, truy cập thông tin về kỹ thuật, thị trường, xu thế… gần như cái gì ông cũng am hiểu, mà lại hiểu rất sâu. Chợt nhớ có nhà văn từng nói: “Trên trái đất này làm gì có đường, con người đã đi mãi mà thành đường”. Ông Trần Văn Minh đã tìm ra con đường riêng của mình để làm giàu từ đồng đất quê nhà. Nay ông là Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản của huyện, là Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội trang trại của tỉnh. Cái thú vị là hợp tác xã của ông chỉ có 3 hộ xã viên là con cháu trong nhà, nhưng hiệu quả kinh tế thì đáng nể: thu nhập bình quân mỗi hộ trên 300 triệu đồng/năm; vị chi cả hợp tác xã độc đáo ấy có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Bốn đứa con của ông nay đều đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Trong đó có đứa con trai tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang, ẵm bằng kỹ sư về làm trại cá cùng bố, còn con dâu thì thì làm kế toán cho hợp tác xã.
Khi tôi đang ngồi hào hứng viết về ông, ông “vua cá” đã gọi điện thoại cho tôi báo tin vừa nhận thêm 2 héc-ta để mở rộng quy mô thành 1 trang trại thực thụ. Tôi mừng cho ông, tương lai sẽ không còn phải lo thiếu nguồn hàng đi cung ứng cho người chăn nuôi cá gần xa. Được biết, cơ sở của ông mỗi năm sản xuất 30 tấn cá giống. Nhưng năm 2013 theo hợp đồng lên đến 70 tấn. Nhưng rồi vẫn ổn, nhờ ông tiêu thụ giúp cho các trang trại lân cận, đôi khi phải gọi “viện trợ” từ các công ty cá giống mãi tận Thanh Hóa, Nình Bình, Hà Nội...
Võ Văn Vinh