Vui buồn nghiệp vận động viên

28/03/2012 21:05

Vẫn biết đã chọn con đường thể thao là quyết theo đuổi đến cùng vì lòng đam mê và cả trách nhiệm với quốc gia. Thế nhưng, cuộc đời VĐV cũng lắm góc cạnh vui buồn, khiến chúng ta phải suy ngẫm...

Đa số những ai đã trót theo đuổi nghiệp VĐV, dù gian khổ đến đâu nhưng cũng không thay đổi quyết định nếu được lựa chọn lại. Với họ, tình yêu thể thao đã ăn vào máu từ khi còn nhỏ. Những chiến thắng trước sự hò reo của người hâm mộ. Có người lại mơ ước một ngày nào đó, được đứng trên bục trao huy chương với cờ đỏ sao vàng và tiếng nhạc quốc ca hùng tráng. Đến với thể thao, tất cả đều chỉ suy nghĩ đơn giản như vậy, chứ không chỉ đơn thuần là một nghề để nuôi sống bản thân và gia đình. Hẳn nhiên là thế, bởi khi mới chỉ là một cô bé 6 tuổi, Ngân Thương không chọn theo nghiệp TDDC vì lòng đam mê thì còn cái gì khác. Sự lập nghiệp của các VĐV với nhiều hoài bão, ước mơ. Ở hoàn cảnh nào thì họ cũng thật đáng quý, đáng trân trọng.



Sau vinh quang luôn có những giọt nước mắt hạnh phúc

và cả cay đắng với nghề

Các nước phát triển đều có một hệ thống luyện tập, đào tạo, thi đấu, tuyển chọn vô cùng khoa học và đặc biệt là phổ cập đến tất cả mọi lứa tuổi, thành phần, địa phương. Đặc biệt, những ai theo nghiệp thể thao, đều được chăm lo kỹ càng và chỉ chuyên tâm tới việc nâng cao thành tích. Thế nhưng ở Việt Nam lại chưa đạt được điều đó. VĐV của ta vốn không được chăm sóc bằng chế độ chuyên biệt từ nhỏ, đương nhiên không thể giúp tạo nên sự khác biệt về thể chất so với những người bình thường. Đến khi bước vào đỉnh cao, chúng ta cũng không tạo ra được một lực bật đủ mạnh để bứt hẳn lên sánh ngang với các VĐV thế giới. Công tác xã hội hóa mới chỉ hiệu quả ở 1 số môn như bóng đá, bóng chuyền. Phần còn lại, đa số phải tự mưu sinh, lấy nghề tay phải, tay trái để nuôi nghiệp. Còn nhiều thiệt thòi, khó khăn như vậy nên chưa có nhiều người thành danh. Nhìn đâu xa, đến bữa ăn và chế độ thuốc bổ cũng chỉ được tăng cường trước khoảng 1 tháng mỗi kỳ Đại hội lớn. Cách làm này chỉ mang tính động viên là chính bởi sự đầu tư nào cũng cần phải có quá trình. "Con không chê cha mẹ nghèo” là lẽ sống ở đời. Bởi vậy, khi đã chọn nghiệp này cũng ít VĐV phàn nàn.

Trong làng thể thao, không ai không biết đến Tiến Minh, Lê Quang Liêm, Hoàng Thiên... Họ là những con người không chỉ có tài năng mà còn "sống khỏe” được bằng nghề. Mới đây, sau khi giải nghệ, Nguyễn Thị Thiết, Lưu Thị Thanh được cấp nhà. Trong khi đó, các VĐV đạt thành tích cao như Vũ Thị Hương, Phạm Văn Mách...được mua nhà giảm giá. Thế nhưng, nhìn đi nhìn lại, cũng chẳng mấy người được may mắn như họ. Đa số đều cho rằng theo thể thao là vì đam mê, vì trách nhiệm với quốc gia, chứ lấy nghiệp để nuôi gia đình, là chuyện ít VĐV làm được.

Đem câu hỏi hỏi các VĐV rằng: "Lương mỗi tháng được nhận bao nhiêu?” Đa số đều trả lời "ít lắm”, hoặc là im lặng. Nhà vô địch Asian Games 16 Lê Bích Phương vừa mới được vào biên chế của Quân đội, lương chỉ trên dưới 1 triệu đồng theo quy định. Lương của Á quân Asian Games, nữ đô vật Nguyễn Thị Lụa cũng cũng không dư dả là mấy. Các VĐV như Lụa được hưởng 150.000 đồng/ngày theo chế độ tiền công. Đó là những VĐV có đôi chút thành tích quốc tế. Với các VĐV thể thao, tiền lương thường được gắn liền với những thành tích cụ thể. Các VĐV tâm sự, nếu như năm nào có huy chương còn có tiền thưởng, chứ không thì coi như tập chay cả năm.

Khó khăn là vậy nên nhiều VĐV, hoặc là từ bỏ nghề để tìm con đường mưu sinh khác, hoặc là cố bám trụ với nghề. Có những người vì thể thao mà chấn thương, tàn tật suốt đời nhưng được quan tâm, bù đắp chẳng đáng là bao. Sau vinh quang, họ dường như bị lãng quên đó là một thực tế phũ phàng.

Vẫn biết sự so sánh thu nhập giữa các VĐV là khập khiễng, vẫn biết theo nghiệp VĐV là phải biết hy sinh, nhưng từ đó, chúng ta hiểu hơn giá trị của thể thao, để đồng cảm, chia sẻ và trân trọng với những ai đang và sẽ theo đuổi nghiệp này.


Theo Daidoanket

Mới nhất
x
Vui buồn nghiệp vận động viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO