"Vui sao nước mắt lại trào"

26/04/2012 18:33

(Baonghean) - Sau chiến thắng mở đầu ở Ban Mê Thuật mùa Xuân 1975, cả vùng căn cứ của Ban Tuyên huấn Trung ương cục ở vùng Suối Cây, Lò Gò, một khu rừng rậm nằm trong vùng giải phóng Tây Ninh sôi động hẳn lên. Đi đến đâu, đến căn cứ của bộ phận nào, ở Tiểu ban Văn nghệ, ở Đoàn B3 Giáo dục, ở Xưởng phim Giải phóng, ở Trường Báo chí, nơi đâu cũng vang vang tiếng rađiô mở hết cỡ báo tin chiến thắng. Tôi nhớ những ngày ấy, cả khu căn cứ như náo nức, rạo rực hẳn lên, chúng tôi sống trong tâm trạng vừa náo nức chuẩn bị, vừa thấp thỏm mong chờ, ai đi đâu, làm gì cũng ôm canh cánh cái rađiô bên mình, mở hết cỡ, mở cả ngày lẫn đêm, trông chờ giây phút chiến thắng.

Đến 9 giờ 30 ngày 30 tháng 4, Tổng thống nguỵ quyền Dương Văn Minh đầu hàng. Cả căn cứ không ai bảo ai, ôm rađiô chạy về hội trường, bất kể già trẻ gái trai, ôm lấy nhau, vừa khóc vừa nhảy cẫng lên, cả hội trường vỡ oà trong niềm vui chiến thắng. Đêm 30/4, chúng tôi đốt lửa trại, mở đài hát múa thâu đêm. Đến sáng 1/5, mới sáng sớm, 3 chiếc ô tô đến đón chúng tôi, đội 2 lên đường tiến về Sài Gòn. Dọc đường từ Lò Gò, qua Thiện Ngôn, về thị xã Tây Ninh, qua huyện Dương Minh Châu, về Củ Chi, đâu đâu cũng thấy nhân dân từng tốp đứng hai bên đường vẫy tay chào quân giải phóng. Hầu như từ Tây Ninh xuống Sài Gòn, chúng tôi đứng cả dậy, ôm lấy thành xe, vừa đi vừa hát, hát liên tục bài này qua bài khác, hết "Giải phóng miền Nam", đến "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân", đến "Lá đỏ". Đến đoạn "Chào em cô gái tiền phương, hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn" - ai cũng cố hát thật to. Đêm 1/5, đứng giữa sảnh đường toà nhà lớn Bộ Giáo dục Thanh niên Sài Gòn, trong ánh điện sáng choang, lòng chúng tôi bồi hồi nghĩ đến những người bạn cùng đi B giờ không còn để không được cùng chúng tôi đặt chân lên đất Sài Gòn - Gia Định.

Những ngày đầu tháng 5, đoàn chúng tôi được phân công vào đơn vị H6 của Uỷ ban quân quản Sài Gòn - Gia Định, lo tiếp nhận hồ sơ, lo tập huấn công việc tiếp nhận trình diện của đội ngũ công chức cũ. Công việc bận rộn ngày này qua ngày khác. Có một buổi chiều, tôi với Nguyễn Đình Tường (quê Thanh Chương) đang tản bộ dọc bến cảng Bạch Đằng, thấy một xe tải mới chở đầy bộ đội giải phóng đột ngột dừng lại bên đường. Từ trên xe, có anh bộ đội chạy đến ôm lấy tôi rồi nói như hét lên: "Em chào thầy Tiến, em là Nguyễn Tài Lý, học trò của thầy ở Thanh Chương đây. Cả lớp 10 của em đi bộ đội năm 1972, em ở Đơn vị 559 vào giải phóng Sài Gòn". Tôi ôm chầm lấy Lý, cả hai thầy trò cùng nói, cười, cùng khóc trong niềm hân hoan, sự thăng hoa đến tột độ. Tôi không ngờ, tháng 3/1969, trong buổi tiễn đưa tôi lên đường vào Nam, cả sân trường nổi lên nhiều tiếng khóc, tôi chào các em và dặn dò "hẹn gặp các em ở Sài Gòn". Tôi đâu ngờ, sau 6 năm, thầy trò chúng tôi được gặp nhau ở bến cảng Bạch Đằng, cạnh tượng Trần Hưng Đạo, thực mà như mơ.

Mấy chục năm đã qua, mỗi dịp 30/4 về, tôi nhớ lại ngày 30/4 năm ấy và những kỷ niệm trong những năm tháng làm cán bộ trong Ban quân quản Sài Gòn - Gia Định. Cậu học trò tôi gặp ngày ấy, sau ngày đất nước thống nhất trở về Thanh Chương được cử đi học ở Liên Xô, đã trở thành kỹ sư dầu khí công tác ở Vũng Tàu. Mới hôm qua, Nguyễn Tài Lý còn gọi điện cho tôi, mời thầy vào Vũng Tàu chơi. Cả hai thầy trò chúng tôi tuy ở xa nhưng cùng thầm biết ơn nhạc sỹ Xuân Hồng đã nói hộ chúng tôi niềm vui trong ngày đất nước thống nhất, thầy trò gặp nhau giữa Sài Gòn - "vui sao nước mắt lại trào".


Ngô Đức Tiến

Mới nhất
x
"Vui sao nước mắt lại trào"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO