Vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào | Bài 2: Dựa vào dân

Thò Xia (SN 2006) là con đầu của một gia đình nghèo có 4 người con ở bản Xivilay (cụm bản Thoong- My May, huyện Viêng Thoong, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào). Sau Thò Xia còn có 1 em gái và 2 em trai. Bố mẹ Xia (ông Thò Y Dềnh và bà Lỳ Y Chồng) chỉ đi nương làm rẫy, cuộc sống khó khăn nên con đường đến trường của mấy chị em Thò Xia hết sức gian nan.

Chia sẻ với hoàn cảnh của Thò Xia, Đồn biên phòng Tam Hợp (BĐBP tỉnh Nghệ An) đã nhận đỡ đầu, tiếp sức đến trường cho em. Theo đó, hàng tháng Thò Xia đều đặn được nhận số tiền 500.000 nghìn đồng, ngoài ra vào dịp lễ tết hay đầu năm học mới, em còn được nhận sách vở, quần áo mới. Với Thò Xia thì cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Tam Hợp đã trở thành những người cha đỡ đầu của em. Theo chia sẻ của Thiếu tá Hà Huy Thiên – Chính trị viên phó Đồn biên phòng Tam Hợp: Trước Thò Xia, Đồn đã nhận đỡ đầu em Khen On Pheng Khắc Xay, hiện em đã tốt nghiệp THPT và đã đi làm.

Đồn biên phòng Mỹ Lý trao quà cho cháu Xồng Bá Công ở bản Huồi Pá, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Ảnh: CSCC
Đồn biên phòng Mỹ Lý trao quà cho cháu Xồng Bá Công ở bản Huồi Pá, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Ảnh: CSCC

Không chỉ riêng Đồn biên phòng Tam Hợp mà các đồn biên phòng tuyến biên giới đều có con đỡ đầu là các em học sinh Lào. Như ở Đồn biên phòng Mỹ Lý hiện đang nhận đỡ đầu cho em Xồng Bá Công SN 2012 ở bản Huồi Pá, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Công có bố là người Lào, mẹ là người Việt Nam quê gốc ở xã Mai Sơn, huyện Tương Dương. Mỗi lần nhận được quà hay được cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Mỹ Lý trực tiếp sang thăm, Công mừng lắm. Em tự hứa sẽ cố gắng học chăm chỉ để không phụ lòng những người cha đỡ đầu mang quân hàm xanh của mình.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Cẩm – Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Nghệ An cho biết: BĐBP tỉnh Nghệ An quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 468,281km, tiếp giáp 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào). Khu vực biên giới đất liền tỉnh Nghệ An có 246 thôn, bản thuộc 27 xã biên giới (trong đó, có 82 bản giáp biên). Khu vực biên giới 3 tỉnh: Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, có 40 bản giáp biên. Nhân dân 2 bên biên giới chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, có mối quan hệ dân tộc, thân tộc, dòng họ (lấy vợ, lấy chồng) từ lâu đời, nên thường xuyên qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa.

Đồn biên phòng Mỹ Lý trao quà cho cháu Xồng Bá Công ở bản Huồi Pá, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Ảnh: CSCC
Đồn biên phòng Mỹ Lý trao quà cho cháu Xồng Bá Công ở bản Huồi Pá, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Ảnh: CSCC

Cũng như nhân dân Việt Nam, nhiều bản làng ở khu vực biên giới của Lào còn gặp rất nhiều khó khăn và nhiều em học sinh nước bạn đứng trước nguy cơ phải bỏ học. Bởi vậy, thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường” năm 2016 do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, các đơn vị thuộc BĐBP Nghệ An không chỉ nhận đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn đóng quân mà còn nhận đỡ đầu các cháu ở bản đối diện thuộc nước bạn Lào.

Theo đó, các em học sinh nước bạn Lào được các đơn vị thuộc BĐBP Nghệ An nhận đỡ đầu sẽ được nhận số tiền tương đương 500 nghìn đồng/tháng và kéo dài cho đến lúc học hết bậc phổ thông trung học. Các em được nhận đỡ đầu là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, mồ côi cha mẹ, không có nhà ở, con những người có uy tín, người tích cực tham gia bảo vệ biên giới… đã nỗ lực vươn lên học khá, giỏi. Tùy hoàn cảnh gia đình, vị trí địa lí mà các đơn vị BĐBP Nghệ An sẽ quyết định việc hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc lương thực, thực phẩm hàng tháng cho các em.

Đến thời điểm hiện tại, BĐBP tỉnh Nghệ An đã nhận đỡ đầu 19 em học sinh Lào. Thông qua chương trình, có nhiều học sinh Lào ở bản làng biên giới khó khăn được BĐBP Việt Nam đỡ đầu có điều kiện vươn lên học tập tốt, tạo dấu ấn tốt đẹp với cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc của nước bạn Lào khu vực biên giới. Việc triển khai chương trình còn có ý nghĩa tô thắm thêm tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa quân dân hai nước Việt Nam – Lào.

Nắm rõ thực tế đời sống của nhân dân hai bên biên giới còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đều, nhận thức của nhân dân về quốc gia, quốc giới còn hạn chế, một số tập tục lạc hậu chưa được xóa bỏ, tình trạng vi phạm các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới vẫn còn xảy ra; Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biên giới tích cực phối hợp với lực lượng chức năng của bạn Lào và cấp uỷ, chính quyền phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân hai bên biên giới về chủ trương, chính sách, pháp luật của mỗi nước, nhất là về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, hiệp định, quy chế biên giới mà hai nước đã ký kết; kết quả và ý nghĩa của công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc biên giới Việt Nam – Lào… Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bọn phản động chống phá mối quan hệ đoàn kết, phá hoại đường biên, mốc giới, giữ vững sự bình yên, ổn định trên khu vực biên giới hai nước.

Đồn biên phòng Nhôn Mai (Tương Dương) tặng quà cho dân bản và tổ công tác của Đại đội 217 đóng quân tại bản Tằng Sầu, huyện Mường Quắn (Lào). Ảnh: CSCC
Đồn biên phòng Nhôn Mai (Tương Dương) tặng quà cho dân bản và tổ công tác của Đại đội 217 đóng quân tại bản Tằng Sầu, huyện Mường Quắn (Lào). Ảnh: CSCC

Trong 10 năm qua, các đơn vị đã phối hợp tổ chức tuyên truyền được 1.750 buổi/57.280 lượt người tham gia; qua đó, làm cho nhân dân hai bên biên giới hiểu biết sâu hơn về chủ trương, chính sách pháp luật của mỗi nước cũng như nhận thức, ý thức về trách nhiệm trong phối hợp tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; góp phần quan trọng trong việc duy trì và thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật liên quan đến biên giới quốc gia của mỗi bên; cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An cũng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các huyện biên giới của tỉnh xây dựng, củng cố hệ thống truyền thanh tại các xã, phường biên giới, các đồn Biên phòng. Hiện nay, 100% đồn Biên phòng và 61 xã, phường biên giới có hệ thống truyền thanh nội bộ và tủ sách, tại Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn được lắp đặt cụm truyền thanh đối ngoại; thành lập tổ thông tin, tuyên truyền tại các đồn biên phòng.

Nhờ vậy, cán bộ và nhân dân các cặp bản hai bên biên giới đã tích cực phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng (Việt Nam) và các lực lượng chức năng (Lào) tham gia tuần tra, phát quang bảo vệ dấu hiệu đường biên và hệ thống mốc Quốc giới trên địa bàn (lực lượng bảo vệ biên giới hai bên đã phối hợp tuần tra song phương và phát quang tầm nhìn đường biên, mốc giới được 1.120 đợt/11.231 lượt cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tham gia). Qua đó đã kịp thời phát hiện và cung cấp cho lực lượng chức năng những thông tin có giá trị về các hoạt động xâm phạm hệ thống đường biên, cột mốc bị hư hỏng, mất mát do bị đập phá, bị thiên tai, lũ lụt cuốn trôi. Đối với tình hình hoạt động vượt biên giới trái phép, săn bắt động vật quý hiếm, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, xâm canh xâm cư, hoạt động dùng chất nổ đánh bắt cá trái phép trên sông suối biên giới… thông tin từ nhân dân giúp Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng mỗi bên kịp thời phối hợp giải quyết và đấu tranh có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biên giới, góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của mỗi nước.

Nhiều năm qua, BĐBP Nghệ An đã có nhiều hoạt động thiết thực được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các tỉnh phía bạn Lào ghi nhận. Như hỗ trợ bản Nậm Táy, cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn xây dựng 1 nhà Nhà văn hóa và 3 Nhà hữu nghị cho các hộ nghèo với trị giá gần 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ bản Pủng Vái, cụm bản Phà Đánh, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn 1 công trình nước sạch trị giá 26 triệu đồng.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, các trạm xá Quân – dân y kết hợp trên tuyến biên giới của tỉnh Nghệ An đã tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân các bản (Lào) được 607 lượt người và cấp phát thuốc miễn phí trị giá hơn 37 triệu đồng, xây dựng trạm xá Hữu nghị quân – dân y tại bản Xốp Tờng, trị giá hơn 14,9 tỷ đồng và trạm xá quân dân y Nậm On, huyện Xay Chăm Phon, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (đối diện cửa khẩu Thanh Thủy) có tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, BĐBP Nghệ An đã hỗ trợ, giúp đỡ chính quyền, nhân dân, lực lượng bảo vệ biên giới 03 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay (Lào) trang thiết bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm trị giá gần 2 tỷ đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đồn Biên phòng Thông Thụ dạy tiếng Việt cho nhân dân bản Nậm Táy, cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Ảnh: Lê Thạch
Đồn Biên phòng Thông Thụ dạy tiếng Việt cho nhân dân bản Nậm Táy, cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Ảnh: Lê Thạch

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa của mỗi nước, giúp nhân dân khu vực biên giới nước bạn Lào thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu, làm ăn buôn bán, BĐBP Nghệ An đã phối hợp mở các lớp học tiếng Việt Nam cho học viên là cán bộ, nhân dân khu vực biên giới của Lào. Nổi bật như ở Đồn biên phòng Thông Thụ (huyện Quế Phong) quản lý bảo vệ 29,5 km đường biên giới quốc gia với 9 cột mốc và có cửa khẩu phụ Thông Thụ thông thương với huyện Sầm Tớ nước bạn Lào. Giai đoạn chưa có dịch Covid-19, Đồn đã mở 03 lớp dạy tiếng Việt cho cán bộ, nhân dân và học sinh các bản thuộc Cụm bản Viêng Phăn huyện Sầm Tớ (Hủa Phăn – Lào) cho 115 học viên, mỗi khóa học kéo dài 04 tháng; học viên sau khi kết thúc khóa học đều giao tiếp khá thông thạo bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, cử cán bộ trực tiếp “cầm tay chỉ việc” xây dựng mô hình phát triển kinh tế điểm VAC cho gia đình ông Vừ Và Pó thuộc cụm bản Viêng Phăn huyện Sầm Tớ – Hủa Phăn ( Lào). Không chỉ trích kinh phí mua hơn 4 nghìn con cá giống, 500 gốc cam xã đoài và 200 gốc xoài thái hỗ trợ mà cán bộ, chiến sỹ của Đồn còn giúp hàng trăm ngày công lao động cải tạo, phát quang, đào hố hỗ trợ gia đình ông Pó trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, làm chuồng trại nuôi bò, lợn…

Hay ở Đồn biên phòng Mỹ Lý (đóng trên địa bàn xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn) mặc dù 2 năm qua chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng có nhiều hoạt động kết nối với các lực lượng và nhân dân các bản giáp biên giới của Lào. Trong năm 2021, đơn vị tổ chức 03 đợt thăm hỏi, trao tặng vật chất phòng chống dịch, lương thực, thực phẩm cho tổ chốt thuộc Đại đội Biên phòng 217 (Lào) và các bản kết nghĩa trị giá 107 triệu đồng. Trong năm 2022, nhân dịp tết cổ truyền của Lào, đồn đã phối hợp với chính quyền 02 xã Mỹ Lý, Bắc Lý thành lập 04 đoàn/25 người trao tặng quà trên biên giới (tổng giá trị trên 34 triệu đồng) cho đại đội 217, các chốt, 05 bản giáp biên kết nghĩa…

Đồn biên phòng Mỹ Lý trao đổi về tình hình công tác biên giới với lực lượng chức năng của bạn. Ảnh: CSCC
Đồn biên phòng Mỹ Lý trao đổi về tình hình công tác biên giới với lực lượng chức năng của bạn. Ảnh: CSCC

Những hoạt động của những người lính quân hàm xanh Nghệ An nơi biên giới đã góp phần vun đắp tình cảm gắn bó keo sơn, chia ngọt, sẻ bùi giữa quân và dân hai nước Việt – Lào cùng bảo vệ đường biên giới Việt- Lào hòa bình, hữu nghị và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

(Còn nữa)