Vùng cao Nghệ An chủ động chống đói, rét cho vật nuôi
Mùa Đông, vùng cao Nghệ An thường xảy ra rét đậm, rét hại. Chính quyền các địa phương chủ động kiểm tra, chỉ đạo bà con thực hiện các biện pháp chống đói, rét cho vật nuôi.
Che chắn, sưởi ấm cho trâu, bò
Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi trâu, bò, gia đình ông Thò Chá Nhìa ở bản Na Niếng, xã Tri Lễ (Quế Phong) đã chủ động áp dụng các biện pháp để phòng, chống đói, rét cho đàn trâu. Ông Nhìa cho biết: Gia đình tôi đang nuôi 4 con trâu, bây giờ là thời điểm vỗ béo để chuẩn bị xuất bán dịp cuối năm và dịp Tết. Gia đình trồng trên 1 ha cỏ voi, tích trữ rơm đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc; chủ động che chắn chuồng trại, lót rơm xuống nền chuồng, đốt lửa sưởi ấm và bổ sung thêm nước muối, các khoáng chất để tăng sức đề kháng cho đàn trâu trong những ngày rét đậm, rét hại.
Là xã vùng cao của huyện Quế Phong, xã Tri Lễ có trên 5.000 con trâu, bò. Ông Lữ Văn Cương - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: Để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển, xã vận động nhân dân nuôi trâu, bò nhốt chuồng, xóa bỏ dần tập quán chăn thả gia súc; thực hiện mô hình trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Đến nay, toàn xã có hơn 100 ha cỏ voi, chủ động nguồn thức ăn cho đại gia súc, nhất là vào mùa Đông. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, ngay từ đầu mùa lạnh, cùng với rà soát, kiểm tra tình hình dịch bệnh… ngành Nông nghiệp huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chú trọng chăm sóc vật nuôi của gia đình, tránh nguy cơ thiếu đói, cũng như chết rét do chuồng trại không đảm bảo.
Tại xã vùng cao Mường Lống (Kỳ Sơn), mùa Đông nhiệt độ xuống thấp hơn so với các xã vùng thấp 3-5 độ C, thường xảy ra tình trạng trâu, bò chết rét vào mùa Đông. Vì vậy, đồng bào Mông ở đây có kinh nghiệm trong phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Nhà anh Vừ Giống Và ở bản Mường Lống 2 nuôi 6 con trâu, bò thương phẩm. Anh Và chia sẻ: Vào mùa Đông thời tiết ở đây luôn rét đậm, nên chuồng trại khi nào cũng được che chắn bằng tấm bạt và đốt củi sưởi ấm cả ngày lẫn đêm. Đối với thức ăn, ngoài dự trữ được cây rơm, gia đình còn tận dụng đất vườn, đất đồi trồng cỏ voi, nên đàn bò được ăn no.
Ông Lầu Bá Chò - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết, chăn nuôi là một trong những nguồn thu nhập chính của bà con nơi đây. Hiện toàn xã duy trì, phát triển đàn gia súc trên 4.000 con. Xã tích cực vận động nhân dân thực hiện nuôi nhốt gia súc, đưa việc nuôi nhốt gia súc, gia cầm vào quy ước, hương ước của bản để nhân dân cam kết thực hiện. Xã đã chỉ đạo hội nông dân, cán bộ thú y xã hướng dẫn nhân dân phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; tổ chức tiêm đầy đủ các loại vắc- xin phòng dịch bệnh mùa Đông; kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn cho hay, hiện nay, hầu hết hộ chăn nuôi có ý thức đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố cho trâu, bò trong mùa rét. Đây được xem là giải pháp có hiệu quả giúp địa phương duy trì số lượng đàn gia súc hàng năm và giảm nguy cơ dịch bệnh cho vật nuôi. Bên cạnh đảm bảo đủ ấm, chính quyền các địa phương còn vận động người dân chuẩn bị nguồn thức ăn, nước uống cho gia súc.
Hiện nay, toàn huyện Tương Dương có gần 17.000 con trâu, hơn 34.000 con bò, đàn lợn 24.444 con, đàn gia cầm gần 445.000 con. Hàng năm, huyện đã chỉ đạo các địa phương mở rộng vùng trồng cỏ voi để nuôi trâu, bò với diện tích 414 ha, tỷ lệ hộ chăn nuôi nhốt chuồng trên địa bàn huyện đạt trên 70%. Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mùa Đông, ở các xã vùng núi cao, như: Nhôn Mai, Mai Sơn… thường xảy ra rét hại, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 3 độ C, xuất hiện tình trạng băng giá. Do đó, ngay từ đầu mùa Đông, huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời trên các phương tiện để mọi người dân biết, chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại. Thành lập các tổ công tác xuống các địa phương để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, gia súc, gia cầm... nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại.
Chủ động phòng, tránh chống đói, rét cho đàn vật nuôi
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh và gây ra các đợt rét đậm, rét hại, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá. Cuối tháng 11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 5243/SNN-CNTY về việc chủ động phòng, chống đói, rét trên đàn vật nuôi vụ Đông Xuân 2024 - 2025.
Để chủ động triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đặc biệt là các huyện miền núi, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã tập trung rà soát tổng đàn vật nuôi hiện có, đặc biệt đối với trâu, bò thả rông trong rừng để có kế hoạch chuẩn bị chuồng trại, dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi và có phương án phòng, chống đói, rét phù hợp. Cùng với đó, tiến hành loại thải, giảm đàn trước khi vào mùa rét, đặc biệt là đối với trâu, bò già, gầy yếu, tùy theo điều kiện nuôi nhốt và cung cấp đủ thức ăn cho đàn vật nuôi, các hộ cần duy trì số lượng phù hợp với khả năng chăn nuôi.
Thành lập đoàn công tác xuống cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét, chú trọng các khu vực vùng miền núi, núi cao, những nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát và báo cáo kịp thời khi có gia súc chết do đói, rét. Các địa phương chủ động nguồn ngân sách dự phòng để triển khai kịp thời công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách… để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, vào những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C, tuyệt đối không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do; cần đưa trâu, bò về nuôi nhốt để kiểm soát, chăm sóc, quản lý; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm, nên dùng bao tải, tấm chăn để may làm áo choàng chống rét cho gia súc. Ngoài ra, những ngày rét đậm, cần đun nước ấm cho trâu, bò uống, bổ sung thêm muối ăn nhằm tăng khả năng trao đổi chất và nâng cao sức đề kháng.