Vùng đất khó đã bớt...khổ

Khánh Ly- Thanh Nga 09/04/2023 06:58

(Baonghean.vn) - Là một xã miền núi, nằm ở tả ngạn sông Lam, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song cấp ủy, chính quyền xã Mậu Đức (Con Cuông) đã có những giải pháp phù hợp để từng bước vươn lên. Vùng đất  “khó và khổ” ấy đã và đang khoác lên mình diện mạo mới.. .

Không còn“trông chờ, ỷ lại”

Cuối tháng 3, cái nắng nóng của mùa Hè miền Tây xứ Nghệ không ngăn được khí thế lao động cải tạo đường giao thông của cụm dân cư tổ 1, bản Chòm Muộng, xã Mậu Đức. Tiếng cười nói náo động cả một góc bản.

Cùng đi xuống cơ sở với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Mậu Đức Võ Đình Thành dừng lại trò chuyện, hỏi thăm, động viên bà con. Ông Ngân Văn Tuyên, đại diện tổ dân cư số 1 vui vẻ cho biết: “Tổ có 24 hộ, mỗi nhà huy động 1 người ra cùng làm đường, dự kiến trong 1 tuần là xong. Bà con đều xác định làm đường trước hết phục vụ việc đi lại, sản xuất, sau là góp phần làm đẹp thôn, xóm”.

Lãnh đạo xã Mậu Đức thăm hỏi, động viên người dân bản Chòm Muộng. Ảnh: KL-TN

Được biết, mô hình lao động, sản xuất theo tổ, cụm dân cư đã trở thành truyền thống ở bản Chòm Muộng. Theo Trưởng bản kiêm Bí thư Chi bộ Ngân Đức Hội: Bản có 202 hộ, 856 khẩu, tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân không “trông chờ, ỷ lại” mà tự giác động viên, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hộ thông qua các mô hình tổ, hội, nhóm quỹ.

Ví như các tổ trồng keo, trồng sắn (mỗi tổ khoảng 12-15 hộ), ngoài đóng góp kinh phí hỗ trợ nhau mua cây giống, các hộ còn đổi công giúp nhau trồng, thu hoạch để khỏi tốn kinh phí thuê người. Hay các lập “phường” xi măng để giúp nhau xây dựng các công trình thiết yếu như nhà vệ sinh, sân nhà, làm cổng… nhưng hoạt động mạnh nhất, là các tổ rượu cần và phường hội tiết kiệm của chị em phụ nữ.

Các tổ sản xuất rượu cần mang lại thu nhập ổn định cho người dân bản Chòm Muộng. Ảnh K.L

Đang thoăn thoắt kiểm tra, sắp xếp lại các vò rượu, thấy khách ghé thăm, chị Vi Thị Điền (SN 1971) - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Chòm Muộng dừng tay tiếp chuyện. Chị cho hay: Làng nghề làm rượu cần ở bản đã có từ lâu đời, gắn bó mật thiết trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào Thái, bản thân chị Điền về làm dâu mới học nghề từ mẹ chồng.

Ban đầu rượu do dân bản làm ra chỉ để phục vụ nhu cầu trong gia đình, biếu anh em, họ hàng rồi dần dần chính nhờ hương vị thơm nồng, ngon đặc biệt (men ủ rượu được làm từ các loại lá cây trong rừng do bà con thu hái về) đã tạo nên hương vị đặc trưng riêng nên được khách hàng biết và tìm đến nhiều hơn.

Hiện trong bản có 13 tổ làm nghề rượu cần, mỗi ngày sản xuất 50-60 vò rượu, cho thu nhập bình quân đạt 16-17 triệu đồng/người/năm. Năm 2022, làng nghề rượu cần bản Chòm Muộng được Hội đồng Thẩm định tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Đây cũng là cơ hội để bản Chòm Muộng duy trì và phát triển thêm nghề truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.

Người dân Tổ 1, bản Chòm Muộng làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: K.L

Bên cạnh tổ rượu cần, phụ nữ bản Chòm Muộng còn xây dựng phường hội tiết kiệm quay vòng vốn chăn nuôi, có tổ quỹ lên đến 40 triệu đồng. Sự năng động, sáng tạo của người dân đã góp phần đưa bản Chòm Muộng trở thành 1 trong 5 bản về đích nông thôn mới của xã Mậu Đức, với 70% đường nội thôn được bê tông hóa, giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương thủy lợi đáp ứng tưới tiêu và vận chuyển nông sản.

Hệ thống điện nông thôn đảm bảo an toàn, cơ sở vật chất văn hóa, khu vui chơi, thể dục, thể thao đáp ứng đầy đủ tiêu chí, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của bản trên 36 triệu/năm; hộ nghèo chỉ còn 11,67%.

Các tổ sản xuất rượu ở một số thôn, bản thuộc xã Mậu Đức hoạt động liên tục suốt ngày đêm. Ảnh tư liệu: Hoài Thu

Ở Mậu Đức, một số bản có tỷ lệ hộ nghèo cao như Kẻ Sùng, những năm gần đây cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều mặt và về đích nông thôn mới. Có được kết quả đó, là nhờ Chi bộ và Ban Quản lý bản đã vận động nhân dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, chăn nuôi như việc chia các hộ gia đình trong bản thành 11 tổ, nhóm giúp nhau bằng nhiều hình thức cụ thể.

Hộ thiếu phương thức sản xuất thì được tư vấn, hướng dẫn cách để làm vườn rừng, chăn nuôi, giới thiệu việc làm. Hộ thiếu nguồn vốn thì được các hội, đoàn thể đứng ra tín chấp cho vay vốn sản xuất.

Các tổ, nhóm giúp nhau cũng thường xuyên họp, đánh giá các mô hình tạo sự thi đua giữa các hộ, các tổ. Với cách làm này, bản thân những hộ khó khăn được giúp đỡ đã có động lực mạnh mẽ để vươn lên, chủ yếu tập trung vào việc trồng keo nguyên liệu và chăn nuôi. Nhờ vậy, từ chỗ 50% hộ nghèo, hiện bản Kẻ Sùng chỉ còn 12% hộ nghèo (31% theo chuẩn mới), thu nhập bình quân đầu người trên 36 triệu đồng/năm. Việc huy động sức dân để xây dựng các công trình giao thông hay nhà văn hóa cũng được bản Kẻ Sùng thực hiện rất “khéo”.

Người dân bản Kẻ Sùng góp công, góp sức xây dựng công trình nhà văn hóa thôn bản. Ảnh: CSCC

Các khoản đóng góp được chia thành nhiều đợt nhằm “giãn sức dân”. Nhà có tiền thì đóng tiền, nhà không có tiền thì hỗ trợ ngày công. Từ đó, người dân đã tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của, hiến đất, làm đường, xây dựng bản về đích nông thôn mới. Hiện bản Kẻ Sùng có trên 73% đường nội thôn được bê tông hóa, 67% kênh mương thủy lợi đáp ứng tưới tiêu trên 82% diện tích nội đồng.

Cấp ủy chi bộ và Ban công tác Mặt trận bản Kẻ Sùng lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Lãnh đạo địa phương cho hay, điều đáng mừng hơn là ý thức tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước của đồng bào dân tộc ở xã Mậu Đức đã có bước chuyển mạnh mẽ. Tư duy sản xuất hàng hóa đã thay thế cho nếp cũ (tự sản xuất, tự tiêu thụ), người dân ở các thôn, bản đã nỗ lực phát triển kinh tế hộ. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh ở bản Na Đười đã cải tạo vườn đồi thành một không gian sống xanh - sạch - đẹp, vừa phát triển kinh tế vừa tạo được điểm nhấn như một khu du lịch thu nhỏ, có ao cá, vườn cây ăn quả đủ loại xanh mát.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Mạnh cho biết “Trên diện tích vườn rừng hơn 2 ha, ngoài trồng keo, gia đình tôi còn chăn nuôi dê, lợn, bình quân 50 con/lứa và 1.500m2 diện tích ao cá cho thu nhập ổn định”. Bản Na Đười có 202 hộ, 903 khẩu, hiện có 36 hộ làm kinh tế vườn rừng ở khu sản xuất như gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh.

Anh Nguyễn Văn Mạnh (áo đen) chia sẻ về quá trình hình thành trang trại ở khu vực sản xuất của bản Na Đười. Ảnh: T.N

Theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương, từ xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, do vậy, thực hiện mục tiêu giảm nghèo luôn là nhiệm vụ công tác trọng tâm hàng đầu. Với tổng diện tích đất tự nhiên 7028,74 ha, trong đó, đất nông nghiệp chiếm 96,54%, việc đưa các giống cây trồng phù hợp với phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, địa hình đồi núi luôn là vấn đề được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, chú trọng. Và trên thực tế việc đưa cây keo bén đất Mậu Đức trong những năm qua, đã khẳng định giá trị kinh tế góp phần làm thay đổi cuộc sống của bà con nông dân nơi đây.

Ông Võ Đình Thành - Chủ tịch UBND xã Mậu Đức cho hay: UBND xã đã ban hành đề án phát triển rừng, vừa khoanh nuôi vừa bảo vệ. Hiện tại, toàn xã có 6.800 ha rừng, trong đó, rừng trồng 2.800 ha. Riêng vụ xuân năm 2023 trồng mới 250 ha keo. Bên cạnh trồng rừng, xã Mậu Đức cũng tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi với đàn gia súc gần 2.000 con. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh dịch vụ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Người dân xã Mậu Đức đón lãnh đạo các cấp về chung vui Ngày hội Đại đoàn kết. Ảnh: CSCC

Qua đó, một số ngành nghề từng bước phát triển mang lại thu nhập cho người dân như nghề mộc dân dụng, nghề xây, đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, cắt thuốc Nam… Từ sự chủ động, nỗ lực vượt khó, bám đất, bám rừng phát triển kinh tế đã mang lại sự đổi thay cho người dân xã Mậu Đức. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 24 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,69%, xã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có 5/8 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Khó khăn và trăn trở

Chuyển động là vậy, nhưng đối với một xã vùng khó như Mậu Đức vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Trước hết là công tác quản lý đất đai, các vấn đề tồn đọng, một số sai phạm chưa được giải quyết dứt điểm, tình trạng lấn chiếm đất công, tuy đã được xử lý nhưng hiệu quả chưa cao; còn xảy ra tình trạng người dân phát rừng trái phép.

Trước thực tế này, bên cạnh việc đẩy mạnh, phối hợp với ngành chức năng để giải quyết các vấn đề tồn đọng, tuyên truyền, vận động người dân làm tốt công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, phủ xanh đồi núi trọc.

Chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với Hạt Kiểm lâm tổ chức tuần tra, kiểm tra ngăn chặn kịp thời một số hộ dân phát rừng trái phép. Riêng trong năm 2022, xã Mậu Đức đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Con Cuông xử lý 29 vụ phát rừng trái phép, chuyển huyện xử lý vi phạm hành chính 179 triệu đồng.

Một khu vực diện tích trồng keo lấy gỗ của xã Mậu Đức (Con Cuông). Ảnh tư liệu: Bá Hậu

Một trăn trở nữa của cấp ủy, chính quyền và người dân là thiếu nước sản xuất và sinh hoạt ở một số thôn, bản, đặc biệt là vào mùa nắng nóng. Do địa hình đồi dốc, nguồn nước dẫn từ các khe, suối nhỏ không đủ cung cấp trong mùa khô hạn, nhất là ở các thôn, bản như Kẻ Nóc, Kẻ Sùng, Kẻ Trằng. Vấn đề này đã tồn tại trong nhiều năm, để tháo gỡ một phần khó khăn, hiện xã đang triển khai làm đường ống nước cung cấp cho 2 trường học và 3 thôn, bản (một phần bản Nà Đười, một phần bản Chòm Bỏi và toàn bộ thôn Thống Nhất) trị giá 1 tỷ đồng thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia do xã làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, ngoài việc tranh thủ các nguồn lực thu hút đầu tư từ cấp trên, cấp ủy, chính quyền xã Mậu Đức đã chỉ đạo vận dụng những cách làm hay, sáng tạo và sự nêu gương của cán bộ, đảng viên để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Giờ sinh hoạt ngoài trời của học sinh xã Mậu Đức. Ảnh: CSCC

Ví như trong thực hiện tiêu chí mở rộng khuôn viên Trường THCS Mậu Đức để xây dựng trường chuẩn quốc gia, xã đã kêu gọi nhân dân hiến 1.500m2 đất, trong đó, hộ hiến nhiều nhất là gia đình ông Ngô Bá Huyên hiến 1.400m2 đất trồng keo đã 1,5 năm tuổi“.

Đó là tấm lòng của người dân vì sự học của con em, xã chỉ hỗ trợ 300m2 đất ở nơi khác và một số ít kinh phí từ nguồn xã trực tiếp vận động được”, ông Nguyễn Đình Thành - Chủ tịch UBND xã Mậu Đức cho hay. Được biết trước đó, những năm 2017-2018 khi triển khai thi công tuyến đường Mậu Đức - Thạch Ngàn, hơn 240 hộ dân xã Mậu Đức đã hiến 23.265m2; 1.368 cây cối các loại, hơn 1.361m2 bờ rào các loại... với tổng mức giá trị hơn 1 tỷ đồng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Mậu Đức tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: CSCC

Theo bà Hà Thị Linh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Mậu Đức: “Việc gì có lợi cho dân phải gắng sức làm” chính là chìa khóa tạo nên sự đồng thuận ở địa phương. Ví như, để hỗ trợ các thôn bản về đích nông thôn mới, MTTQ xã kêu gọi hỗ trợ xây dựng các công trình như sân bóng hoặc khuôn viên nhà văn hóa. Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ xã đã cùng với Chi ủy Chi bộ, Ban Quản lý bản Kẻ Trằng vận động nhân dân góp ngày công xây dựng sân bóng chuyền tại bản này với trị giá hơn 40 triệu đồng.

Cùng với đó, thông qua vận động Quỹ "Vì người nghèo" để hỗ trợ người dân tu sửa 5 căn nhà "Đại đoàn kết", xây dựng 4 mô hình sinh kế cho 4 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo tại 3 bản Chòm Muộng, Chòm Bỏi, Nà Đười, trị giá 20 triệu đồng. Sự đồng hành, tương trợ ấy dù nhỏ nhưng là động lực để người dân xã Mậu Đức chủ động và nỗ lực vượt khó từng bước vươn lên.

"Vùng đất khó đã bớt khổ rồi", cụ Ngân Thị Oanh - bản Chòm muộng vui mừng chia sẻ với cán bộ địa phương. Ảnh: K.L

Chiều muộn, chia tay với đồng bào Mậu Đức, chúng tôi nhớ mãi cái nắm tay thật chặt và lời của cụ Ngân Thị Oanh, 77 tuổi ở bản Chòm Muộng: Nhờ bàn tay lao động, kiến tạo, sự chung sức, đồng lòng của người dân, vùng đất khó nay đã bớt khổ rồi!

Vùng đất khó đã bớt...khổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO