Vượt lên số phận
(Baonghean) - Ngay từ khi mới sinh ra em Phạm Văn Hoàng (xã Quỳnh Bá - huyện Quỳnh Lưu) đã bị dị tật, việc đi lại và phát âm gặp nhiều khó khăn, bởi thế ước mơ tới trường những tưởng vuột khỏi tầm tay. Thế nhưng với nghị lực phi thường, em đã làm được điều kỳ diệu: bước vào giảng đường đại học trên chính đôi chân tật nguyền…
(Baonghean) - Ngay từ khi mới sinh ra em Phạm Văn Hoàng (xã Quỳnh Bá - huyện Quỳnh Lưu) đã bị dị tật, việc đi lại và phát âm gặp nhiều khó khăn, bởi thế ước mơ tới trường những tưởng vuột khỏi tầm tay. Thế nhưng với nghị lực phi thường, em đã làm được điều kỳ diệu: bước vào giảng đường đại học trên chính đôi chân tật nguyền…
Hoàng sinh ra trong một gia đình thuần nông, mọi chi tiêu trong gia đình trông cả vào 3 sào ruộng ít ỏi. Số phận thật trớ trêu, ngay từ khi sinh ra Hoàng đã mắc căn bệnh bại não. Gia cảnh khó khăn nhưng không nỡ nhìn đứa con đầu lòng chỉ biết nằm một chỗ, bố mẹ em lo lắng, chạy vạy khắp nơi đưa em đi chữa bệnh. “Nhìn những đứa trẻ cùng lứa với con mình chạy nhảy, vui đùa, ngày ngày đến trường mà thương con đứt ruột. Nhìn con cố tập để đứng dậy rồi bị ngã nhoài ra vì bàn tay phải và chân trái bị tê liệt, vợ chồng tôi lại quyết tâm đưa cháu đi chữa trị để cháu có cơ hội “bước đi” như mọi người”, nhớ lại những ngày tháng ấy, bà Phạm Thị Đào, mẹ Hoàng nghẹn ngào.
Ròng rã 5 năm trời, anh chị lặn lội tìm kiếm các thầy thuốc giỏi, đi khám khắp các bệnh viện ở Hà Nội chỉ mong con đỡ bệnh. Cuối cùng nỗ lực cũng đã được đền đáp, 5 tuổi, Hoàng đã đi được những bước đầu tiên.
Em Phạm Văn Hoàng. |
Trong ký ức của Hoàng, tuổi thơ của em là những tháng ngày phải nằm ở các bệnh viện, tiêm, uống thuốc. Và khi em tự đi được trên đôi chân của mình cũng là lúc gia đình em khánh kiệt. Hoàng tâm sự: “Gia đình 5 người sống trong căn nhà tranh lụp xụp, bố mẹ phải chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền lo cho em. Thương bố mẹ, thương các em, nên khi đã tự bước đi được, em càng nung nấu ý chí quyết tâm sau này đền đáp công ơn bố mẹ. Thế nhưng sức khỏe hạn chế nên em chỉ biết sẽ cố gắng học tập, sau này có công việc để đỡ đần bố mẹ và các em”. Em ao ước được đến trường mặc dù đôi chân đi không vững, tay phải bị liệt và phát âm khó khăn. Ngày ngày mẹ cõng em trên lưng đến lớp, từ những năm học mẫu giáo đến tận lớp 2. Tay phải không thể cầm bút, Hoàng tự mình tập viết bằng tay trái. Để viết được những nét chữ lên vở với Hoàng là cả sự nỗ lực lớn.
Em kể, ban đầu viên gạch là “bút” và sân nhà là “giấy” để em tập những nét chữ đầu tiên. Sau đó, để có những bài tập viết rõ ràng, hàng đêm Hoàng phải vật lộn với trang giấy, có khi tay mỏi rã rời. Phát âm khó nên ở nhà em tập đọc bất cứ lúc nào. Để theo kịp bạn bè, trên lớp em luôn chăm chú lắng nghe bài giảng của thầy cô. Vì ghi chép chậm nên Hoàng phải thường xuyên mượn vở bạn về chép lại và đó cũng là cách Hoàng tự ghi nhớ bài giảng. Em dành hầu hết thời gian ở nhà cho việc học, bởi thiệt thòi hơn nên em luôn phải cố gắng gấp đôi người thường.
Đức tính cần cù, ham học hỏi của chàng trai khuyết tật luôn được bạn bè nể phục, thầy, cô giáo động viên, khuyến khích. Như được tiếp thêm sức mạnh, Hoàng càng phấn đấu nhiều hơn và nỗ lực không biết mệt mỏi của em đã được đền đáp bằng thành tích học tập đáng nể. 12 năm liền em đều là học sinh tiên tiến, năm 2012, Hoàng thi đỗ vào Học viện Bưu chính Viễn thông - khoa công nghệ thông tin - hệ cao đẳng. Ước mơ trở thành sinh viên ngành học mình yêu thích đã thành hiện thực nhưng chàng trai khuyết tật vẫn không thôi phấn đấu với những mục tiêu đề ra trong mỗi học kỳ.
Bởi thế, thật dễ hiểu khi gặp Hoàng ở quê trong những ngày em được nghỉ học ở trường, nhưng không lúc nào em rời mắt khỏi những cuốn giáo trình. Em say sưa kể về những môn học, vui vẻ chia sẻ về những dự định tương lai… và mong muốn tự làm việc để nuôi sống bản thân, giúp bố mẹ trả nợ khoản vay ngân hàng lo cho em học tập và đỡ đần gia đình. Hoàng trở thành tấm gương sáng về nghị lực sống.
Đinh Thị Nguyệt