Vượt suối, trèo đèo cắm mốc

05/07/2013 15:01

(Baonghean) - Hệ thống cột mốc cắm trên biên giới Việt Nam-Lào gồm 3 loại: Mốc đại, nặng trên 1 tấn; Mốc trung nặng 450kg và Mốc tiểu 250kg. Trong số 116 cột mốc trên 419,5 km đường biên giới Việt Nam – Lào đoạn qua Nghệ An, có 3 mốc đại, 40 mốc trung và 73 mốc tiểu. Để đưa được những cột mốc lên dãy Trường Sơn, nơi cao nhất là đỉnh Puxailaileng, cao 2711 mét so với mực nước biển, các lực lượng cắm mốc đã có nhiều sáng tạo, chung tay hoàn thành nhiệm vụ. Hầu hết, các cột mốc (trừ mốc đại ở các cửa khẩu) được đưa lên địa điểm định vị phải vận chuyển bằng thủ công.

Các cán bộ, đội cắm mốc phải vượt qua suối sâu, dốc thẳm lên nơi cắm an toàn, nguyên vẹn. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, những sáng kiến, kinh nghiệm “vượt Trường Sơn” của bộ đội trước đây được phát huy. Khi đi qua các đoạn suối, cột mốc và các vật liệu được để trên thuyền gỗ kéo ngược dòng. Còn khi vượt các dốc cao, cột mốc được cố định trong một thuyền sắt (để tránh cột mốc va chạm với cây rừng, đá…) và anh em kéo lên đỉnh. Có những nơi lèn đá dựng đứng, anh em hai đội cắm mốc đã phải chặt cây, làm thang kéo cột mốc lên. Giai đoạn sau, để giải phóng sức của anh em, các đội cắm mốc đã sử dụng tời kéo cột mốc vượt núi lên địa điểm đã được Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc Việt Nam – Lào và Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh Nghệ An và các tỉnh nước bạn xác định.



Đưa cột mốc ngược suối

Trung tá Phan Thanh Hồng – đội trưởng Đội cắm mốc số 2, một trong những người theo suốt những chặng đường cắm mốc tâm sự: “Địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, trong khi biên chế của đội không nhiều nên mỗi chuyến cắm mốc chỉ huy cũng như chiến sỹ, cán bộ đều phải gắng sức thực hiện. Vì cột mốc đã hoàn thành đẹp theo khuôn mẫu từ trước nên quá trình vận chuyển, anh em rất lo lắng, tìm mọi cách bảo vệ nguyên vẹn. Mỗi cột mốc nhẹ nhất cũng 2 tạ rưỡi, khi vượt núi, các thành viên trong đoàn kiểm tra rất kỹ lưỡng hệ thống dây kéo, dây chằng và triển khai các phương án an toàn cho cột mốc và cả cho mỗi cán bộ tham gia. Vất vả trên đường cắm mốc không thể tả hết, nhưng cho đến giai đoạn hoàn thành tăng dày và tôn tạo cột mốc, anh em không để xảy ra sự cố nào...”



Bắc thang đưa cột mốc vượt dốc đá lên địa điểm xây dựng

Quá trình thực hiện nhiệm vụ tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới, các tổ đội công tác nhận được sự hỗ trợ, giúp sức rất lớn của đồng bào các dân tộc dọc biên giới 2 nước.

Trong hàng trăm chuyến công tác, từ thăm dò đơn phương, song phương đến xác định đúng vị trí và thi công cột mốc, rất nhiều lần các đội cắm mốc phải đi nhờ từ phía đất các tỉnh nước bạn Lào. Quá trình đó, nhân dân các bộ tộc Lào sát biên giới đã nhường “nơi ăn chốn nghỉ” và chỉ đường cho lực lượng cắm mốc. Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào là một điển hình về sự gắn kết quốc tế bền chặt và thủy chung.



Chung sức kéo cột mốc vượt núi lên địa điểm xây dựng

Trong cuộc họp báo cuối tháng 6/2013 tuyên truyền về Lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam- Lào, đồng chí Thái Văn Hằng - Ủy viên BTV tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cắm mốc Nghệ An đánh giá cao nỗ lực của các đội cắm mốc. Vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ với gần 6 năm thực hiện, Ban chỉ đạo cắm mốc Nghệ An và các Đội cắm mốc của tỉnh luôn lao động với quyết tâm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, công tác tăng dày và tôn tạo cột mốc trên biên giới Việt Nam-Lào đã hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ, Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc hai nước với sự an toàn tuyệt đối về người và trang thiết bị, phương tiện.


NGUYÊN SƠN

Mới nhất

x
Vượt suối, trèo đèo cắm mốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO