Xã Môn Sơn (Con Cuông): Đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế
(Baonghean) - Nhắc đến Môn Sơn (Con Cuông) là nhắc đến một vùng quê trù phú, giàu truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa. Đồng bào các dân tộc Thái, Đan Lai và Kinh đang từng bước vươn lên mạnh mẽ, xây dựng cuộc sống khởi sắc từng ngày.
Ngày hội ở Môn Sơn (Con Cuông). |
Về Môn Sơn vào một ngày cuối tháng 5, khi bà con nông dân đang bước vào mùa thu hoạch lúa xuân. Cánh đồng Mường Quạ trải một sắc vàng của lúa chín. Khắp các ngả đường nhộn nhịp những chuyến xe chở lúa về nhà, các bản làng rền vang tiếng máy tuốt lúa. Giữa sân nhà, người già và trẻ nhỏ rải lúa ra phơi, mùa gặt hái nên ai cũng có phần việc để làm...
Vụ xuân năm 2015 này, xã Môn Sơn gieo trồng khoảng 360 ha lúa, chủ yếu là lúa lai. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăm bón, đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, nên lúa xuân năm nay tăng trưởng tốt, đạt chất lượng khá cao, năng suất bình quân đạt trên 56,4 tạ/ha. Với thắng lợi của vụ lúa xuân, bà con nông dân xã Môn Sơn thực sự đã yên tâm, vì nguồn lương thực trong năm cơ bản được đáp ứng. Bà Vi Thị Tân - một nông dân ở bản Cằng chia sẻ: “Năm nay lúa được mùa, lại được nắng nên việc phơi phong rất thuận lợi. Nhà nào cũng lúa đầy nhà, đầy sân, ai cũng vui, năm nay không còn lo thiếu đói...”.
Rời cánh đồng Mường Quạ, vào thăm các bản làng Môn Sơn, nơi có những ngôi nhà sàn cổ thấp thoáng dưới bóng cọ và các loài cây cổ thụ. Con đường về bản giờ đã dễ đi hơn trước rất nhiều, không còn gồ ghề, mấp mô mà đã được rải bê tông phẳng lỳ. Đó chính là kết quả của quá trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai tích cực ở vùng quê xa xôi này. Bản Xiềng - nơi có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng và thành lập HTX thủ công mỹ nghệ đã gần được 10 năm cũng đang bận rộn với mùa gặt. Mặc dù vậy, chị em bản Xiềng vẫn tranh thủ thời gian nhàn rỗi để dệt vải, vì lịch giao hàng đã gần đến. Không phải là nghề chính, nhưng dệt thổ cẩm đã giúp chị em bản Xiềng có thêm nguồn thu đáng kể, mỗi tháng có thêm gần 1 triệu đồng/lao động nghề để trang trải cuộc sống gia đình. Trò chuyện với chị Hà Thị Hằng, Chủ nhiệm HTX Thủ công mỹ nghệ, được biết, đã có nhiều đối tác tìm đến để đặt và gia công các mặt hàng nên sắp tới công việc chắc sẽ nhiều hơn và thu nhập sẽ cao hơn. Bản Xiềng đã được tổ chức UNESCO gắn biển “Điểm du lịch cộng đồng”, đây cũng là một hướng quan trọng giúp chị em trong bản tiêu thụ mặt hàng dệt thổ cẩm truyền thống.
Cách bản Xiềng không xa là bản Cằng, được biết đến bởi thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái. CLB dân ca - nhạc cụ của bản đã được thành lập xấp xỉ 10 năm và vừa được công nhận là mô hình cấp tỉnh. Khi công việc đồng áng và nương rẫy đã xong, bản Cằng lại rộn vang tiếng cồng chiêng, tiếng khèn, tiếng pí và giai điệu lăm, nhuôn. Các đoàn khách du lịch sau khi thưởng ngoạn phong cảnh thường tìm về bản Cằng để thưởng thức những món ăn đặc sản và thưởng thức những nét đẹp của phong tục, tập quán, đời sống văn hóa, tinh thần đầy bản sắc...
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái ở xã Môn Sơn. |
Từ bản Cằng, xuôi về Thái Sơn, Nam Sơn, Bắc Sơn, Tân Sơn, Cửa Rào, Thái Hòa và Làng Yên. Đến đâu cũng cảm nhận được những sự đổi thay tích cực... Đồng bào Đan Lai từ Khe Khặng ra tái định cư tại bản Tân Sơn và Cửa Rào cuộc sống đã bắt đầu ổn định, bà con đang từng bước quen dần với cung cách làm ăn mới, trình độ nhận thức đang được nâng lên. Con đường từ trung tâm xã chạy men theo dòng sông Giăng vào các bản Cò Phạt và Khe Búng đang được Nhà nước đầu tư xây dựng, những con đường được hình thành. Trong tương lai không xa, cuộc sống của đồng bào Đan Lai ở thượng nguồn Khe Khặng sẽ có nhiều đổi thay; bởi có đường rồi, việc giao lưu kinh tế - xã hội sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn, rồi ánh điện sẽ về thắp sáng bản làng... Tất cả làm nên sự đổi thay của một vùng quê cách mạng, khẳng định sức bật và ý chí vươn lên của cán bộ và nhân dân nơi dải đất biên cương này.
Lâu nay, Môn Sơn - Mường Quạ còn được biết đến là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Núi non Môn Sơn hùng vĩ, hữu tình, có rừng nguyên sinh Pù Mát, có sông Giăng thơ mộng với đặc sản cá mát nổi tiếng, có thắng cảnh Phà Lài nên thơ. Đồng bào Thái ở Môn Sơn vẫn còn lưu giữ được những nét đẹp bản sắc, đó là phong tục, tập quán, nghề truyền thống và các món ăn mang đậm phong vị núi rừng. Câu ca “Cơm Mường Qụa, cá sông Giăng” đã được lưu truyền từ bao đời nay, cũng là niềm tự hào của bao thế hệ người dân Mường Quạ. Hướng phát triển du lịch sẽ giúp người dân Môn Sơn phát huy tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi để có thêm nguồn thu nhập và cải thiện cuộc sống...
Trao đổi trước thềm Đại hội Đảng bộ xã khóa XXVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020), đồng chí Vi Văn Nam, Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn khẳng định: “Nhiệm kỳ tới, Môn Sơn tiếp tục dựa vào nền tảng truyền thống cách mạng, phát huy cao độ nội lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo bước đột phát trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, từng bước thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới”.
Tường Anh