Xã tái định cư, bây giờ,...

13/10/2014 07:03

(Baonghean) - Với chúng tôi, mảnh đất Thanh Sơn (Thanh Chương) 2 năm về trước thật lắm chuyện không vui. Tập thể cán bộ thiếu sự gắn kết; một số lãnh đạo chủ chốt có nhiều sai phạm; việc phát triển kinh tế gặp khó khăn, trong khi nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách nhà nước. Nay trở lại Thanh Sơn, dù vẫn còn điều băn khoăn, nhưng đã có thể chia sẻ nhiều niềm vui đổi thay nơi đây...

(Baonghean) - Với chúng tôi, mảnh đất Thanh Sơn (Thanh Chương) 2 năm về trước thật lắm chuyện không vui. Tập thể cán bộ thiếu sự gắn kết; một số lãnh đạo chủ chốt có nhiều sai phạm; việc phát triển kinh tế gặp khó khăn, trong khi nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách nhà nước. Nay trở lại Thanh Sơn, dù vẫn còn điều băn khoăn, nhưng đã có thể chia sẻ nhiều niềm vui đổi thay nơi đây...

Tín hiệu mừng…

Xã Thanh Sơn có 1.181 hộ, trên 4.800 khẩu nhưng chỉ có 59,2 ha đất trong lúa, 4,2 đất trồng ngô, còn lại là đồi núi. Tuy nhiên, cán bộ và nhân dân Thanh Sơn đã xác định được trên vùng đất cằn cỗi, khô hạn này có thể đưa những loại cây trồng nào vào canh tác là hợp lý. Đó là keo, sắn và chè. Trong đó, chè sẽ là loại cây chủ lực và quả thực, cây chè thực sự đã phát triển tốt ở đất này. Nhà cụ Vi Tuyền Quynh, bản Tân Lập có 8 sào chè. Trên khu đồi bát úp ngay sau căn nhà sàn rộng rãi của cụ Quynh, chè xanh ngút ngàn, ngay hàng thẳng lối. Con trai thứ của cụ Quynh, anh Vi Văn Thoan cùng với tốp lao động 6 người đang thu hoạch chè đã dừng tay kể rằng, bố anh khi về đây đã nghĩ ngay đến việc trồng chè để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2008, bắt tay vào trồng chè thì đến năm 2010 bắt đầu được thu hoạch, nhưng khoảng 2 năm lại nay mới chính thức đem lại những giá trị thực sự. Vi Văn Thoan nhẩm tính, một năm có 6 vụ thu hoạch; một vụ hái từ 2,5 - 3 tấn chè, bán cho thương lái được 12 triệu đồng; tổng thu được khoảng 72 triệu đồng. Trừ mọi chi phí nhân công, máy, phân bón..., gia đình thu lãi được trên 50 triệu đồng. Và nói: "Có vườn chè, gia đình em có một nguồn thu nhập ổn định vì đầu ra thuận lợi. Người dân thôn bản giờ cũng bắt đầu quan tâm phát triển vườn chè...". Theo Bí thư Đảng ủy Vi Đình Tân, với sự quan tâm của các cấp, ngành, đề án trồng chè công nghiệp ở Thanh Sơn đang được triển khai. Theo kế hoạch, sẽ thực hiện từ năm 2014 đến năm 2016 với tổng diện tích là 320 ha. Và dù vùng đất được quy hoạch trồng chè có nhiều khu vực đã trồng các loại cây trồng khác như keo, xoan; bên cạnh đó, còn vướng một số vấn đề về đất đai, nhưng trên những vùng đất trống, đồi trọc, nhân dân đã thực hiện trồng mới được trên 30 ha... Cũng về phát triển kinh tế, trong lĩnh vực chăn nuôi, ở Thanh Sơn chú trọng phát triển mạnh đàn trâu, bò. Ông Lô Trung Thông - Chủ tịch UBND xã nói: Xã Thanh Sơn chủ trương phát triển đàn trâu, bò để phát huy lợi thế vùng đồi nhiều cỏ. Đến nay, toàn xã đã có 986 con trâu, 314 con bò...

Giờ học của cô và trò Trường THCS Kim Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Chương).
Giờ học của cô và trò Trường THCS Kim Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Chương).

Một điều thực sự đáng mừng ở Thanh Sơn là lĩnh vực giáo dục đang trên đà phát triển tốt, tình trạng học sinh bỏ học đã hầu như không còn. Điển hình như tại Trường THCS Kim Lâm, trong tổng số 276 học sinh toàn trường chỉ có 3 cháu vì theo bố mẹ về quê cũ Tương Dương làm ăn nên không thể đến trường, còn lại đều đi học đầy đủ. Hiệu trưởng Trường THCS Kim Lâm, thầy Nguyễn Văn Lương cho biết: "Thanh Sơn có nhiều bản ở xa trường học như: Cao Sơn, Hòa Sơn, Hạnh Tiến, Kim Hạnh... Có bản cách xa đến 6 -7 km nhưng phụ huynh đều động viên các cháu đến trường đầy đủ". Năm học 2013 - 2014, toàn xã Thanh Sơn có 55 học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Trong đó, Trường THCS Kim Lâm có 50 học sinh giỏi cấp huyện, 3 học sinh giỏi cấp tỉnh. Về đội ngũ giáo viên, đã đảm bảo đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng ở cả 3 cấp...

... và những trăn trở

Dù đạt được những niềm vui nhưng ở Thanh Sơn còn có những điều đáng phải băn khoăn. Bí thư Đảng ủy, ông Vi Đình Tân thẳng thắn: "So với 2 năm trước, cán bộ nơi đây đã được đảm bảo về các chế độ, chính sách, bảo hiểm xã hội theo quy định; bên cạnh đó, các cán bộ có vi phạm đã bị xử lý, buộc khắc phục sai phạm. Tuy nhiên, ở xã có những vấn đề khó khăn trước đây chậm được giải quyết, và xuất hiện những vấn đề mới". Những "vấn đề" của Thanh Sơn theo ông Vi Đình Tân, đó là việc nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã, kiêm Văn phòng Đảng ủy (cán bộ bị kỷ luật) dây dưa, chưa chấp hành việc bàn giao các công việc của Văn phòng Đảng ủy. Bên cạnh đó, nhập nhèm kinh phí tài chính rồi lập hồ sơ để thanh toán với số tiền 18 triệu đồng; Ông Vi Văn Thâm - công chức văn phòng xã lập bảng kê việc chính quyền và các tổ chức đoàn thể đang mắc nợ quán của gia đình ông từ năm 2011 số tiền gần 60 triệu đồng; Đầu năm 2014, nguyên Chủ tịch xã Vi Thành Viên (nay là Phó Chủ tịch HĐND) nhờ một số cán bộ xã vay ngân hàng với khoản tiền 200 triệu đồng với mục đích cá nhân nhưng chỉ đạo kế toán lấy tiền công quỹ để trả lãi; Có hiện tượng lập hồ sơ khống, giả mạo chữ ký của người đã qua đời tại bản Nhạn Tháp và tiền trợ cấp cán bộ ban quản lý thôn bản, trợ cấp chính sách với số tiền trên 30 triệu đồng; Chưa chi trả tiền hoạt động của 16 thôn bản với số tiền là 32 triệu đồng; Bên cạnh đó, là việc giải tỏa 25 nhà tạm, ki ốt, quán hàng (trong đó có 1 quán hàng của cán bộ xã, 5 của giáo viên, 3 của cán bộ thôn bản) tại khu vực trung tâm xã gặp rất nhiều khó khăn; công tác giao đất sản xuất cho nhân dân còn chậm, hiệu quả không cao, nhiều trường hợp đã thỏa thuận nhưng sau đó không thực hiện gây khó khăn cho xã... Ông Vi Đình Tân nói: "Tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã Thanh Sơn đã liệt kê những vấn đề khó khăn, nổi cộm của xã và báo cáo với Thường trực Huyện ủy để xin ý kiến. Huyện ủy cũng đã xem xét và giao cho chúng tôi kiểm tra, rà soát lại để có ý kiến chỉ đạo. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung rà soát, tuy nhiên, có những việc rất cần cơ quan chức năng của huyện giúp đỡ...".

Với ông Lô Trung Thông - Chủ tịch UBND xã thì khó khăn về đất sản xuất cơ bản tập trung nhất vào vùng quy hoạch đất trồng chè đã được phê duyệt. Ông Thông nói: "Người dân rất quan tâm, mong muốn được thực hiện đề án trồng chè công nghiệp. Tuy nhiên, việc giao đất gặp khó khăn do tồn tại cũ của Ban 2 (Ban Quản lý Thủy điện 2); bên cạnh đó là việc tại vùng quy hoạch vẫn còn một số trang trại của người ngoài địa bàn nhưng chưa được giải tỏa, bàn giao cho xã để giao cho dân sản xuất". Đồng thời, ông Thông cho biết, ở Thanh Sơn có một số con em đã được đào tạo bài bản, có bằng đại học chính quy nhưng chưa được quan tâm sử dụng. Ông Thông trăn trở: "Thanh Sơn thực sự đã quan tâm đến sự học của con em mình. Chúng tôi giao ước với các nhà trường, khi có cháu nào nghỉ học từ 1 - 2 buổi thì báo cáo cho xã biết để cử cán bộ đi cùng với giáo viên vào nắm bắt tình hình, động viên phụ huynh cho con em trở lại trường. Sự học ở Thanh Sơn có những bước tiến. Nhưng chúng tôi rất mong cấp trên có những ưu tiên sử dụng con em đã được đào tạo, để có sự động viên khích lệ...".

Mong sao, cùng với sự giúp đỡ của các cấp, ngành, tập thể cán bộ nơi đây tiếp tục phát huy đoàn kết, tìm giải pháp khắc phục khó khăn, xử lý dứt điểm những việc tồn đọng, phát huy những kết quả đã và đang đạt được, động viên nhân dân cùng vào cuộc để đưa Thanh Sơn ngày một đi lên.

Nhật Lân

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Xã tái định cư, bây giờ,...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO