XÃ YÊN HÒA (TƯƠNG DƯƠNG): Điểm sáng xóa đói, giảm nghèo
(Baonghean) - Thời gian qua, xã Yên Hòa (Tương Dương) có những bước tiến đáng kể trong công tác xóa đói giảm nghèo, tạo tiền đề để tự tin phấn đấu vươn lên trong những năm tiếp theo. Đó cũng là cơ sở để địa phương xác định những mục tiêu, nhiệm vụ cao hơn trong nhiệm kỳ 2015 - 2020...
(Baonghean) - Thời gian qua, xã Yên Hòa (Tương Dương) có những bước tiến đáng kể trong công tác xóa đói giảm nghèo, tạo tiền đề để tự tin phấn đấu vươn lên trong những năm tiếp theo. Đó cũng là cơ sở để địa phương xác định những mục tiêu, nhiệm vụ cao hơn trong nhiệm kỳ 2015 - 2020...
Phụ nữ xã Yên Hòa (Tương Dương) vào vụ cấy. |
Xã Yên Hòa nằm cách trung tâm huyện khoảng 50 km, là nơi sinh sống của 3 dân tộc: Thái, Khơ mú và Kinh., trong đó dân tộc Thái chiếm 84,6%. Yên Hòa là xã đặc biệt khó khăn, được hưởng lợi từ Nghị quyết 30a/CP của Chính phủ. Cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn, vất vả, trong đó phải kể đến tình trạng đói nghèo, lạc hậu. Tình hình đó buộc Yên Hòa phải giải bài toán phát huy lợi thế sẵn có để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo và nâng cao mức sống, tăng cường công tác đảm bảo an sinh xã hội và giúp đỡ các hộ đặc biệt khó khăn.
Chúng tôi về bản Đình Yên để tìm hiểu đời sống của bà con dân bản. Từ xa, những ngôi nhà sàn lợp ngói đỏ tươi nằm thấp thoáng giữa đồi cây xanh tốt... Vui vẻ đón khách, Trưởng bản Lương Văn Thắng chia sẻ: “So với dăm, bảy năm trước, thì Đình Yên bây giờ khác nhiều lắm rồi. Cái đói, cái nghèo đang được đẩy lùi, nhiều gia đình đã sắm được tiện nghi hiện đại. Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đang mở ra nhiều hướng phát triển kinh tế. Chắc không lâu nữa bản ta sẽ hết nghèo...”.
Mô hình chăn nuôi lợn ở bản Đình Yên, xã Yên Hòa (Tương Dương). |
Bản Đình Yên có 128 hộ với gần 400 nhân khẩu. Trước đây, nguồn thu chủ yếu nhìn vào nương rẫy nhưng đất đai ngày một cằn cỗi, bạc màu, thời tiết diễn biến phức tạp nên năng suất hạn chế, sản lượng bấp bênh, cuộc sống quanh quẩn với đói nghèo. Mấy năm trở lại đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc (trâu, bò, lợn) và trồng rừng, nên bà con có thêm thu nhập, cuộc sống dần khởi sắc. Đặc biệt, bản Đình Yên đã quy hoạch được vùng chăn thả trâu bò cách xa khu dân cư, vừa đảm bảo nguồn thức ăn, vừa giữ gìn vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, bản còn được hỗ trợ dự án phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ nên thu nhập của bà con ngày càng ổn định. Để chứng minh, Trưởng bản Thắng đưa ra những con số thuyết phục: Năm 2014 bản có 64 hộ nghèo, đến năm 2015 ở thời điểm này giảm xuống còn 50 hộ....
Rời bản Đình Yên, chúng tôi qua bản Xốp Chạng, nơi tiếp giáp với địa bàn xã Nga My. Xốp Chạng nằm cạnh trục đường 48C, là một lợi thế quan trọng để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng giao lưu. Vì thế, cuộc sống của bà con dân tộc Thái nơi đây có nhiều sự đổi thay. Bắt đầu là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển chăn nuôi. Bản có 69 hộ, năm 2013 bản có 56 hộ nghèo, năm 2014 giảm xuống còn 46 hộ và năm 2015 con số này là 34. Trưởng bản Lương Văn Dung cho hay: “Hiện tại, bà con Xốp Chạng đang tích cực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và đẩy mạnh trồng rừng. Cây xoan, lát đang phủ màu xanh cho những núi đồi cằn cỗi, bạc màu; dưới tán là dưa, sắn được bà con trồng để vừa giữ sạch cỏ, lại có thêm thu nhập theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Tất cả hứa hẹn một sự thay đổi lớn trong cuộc sống của người dân Xốp Chạng”...
Qua các bản làng khác của xã Yên Hòa như bản Hào, bản Ngọn, bản Coọc, Cành Khỉn, Xiềng Líp... đều có thể chứng kiến những sự đổi thay, khởi sắc. Đó là kết quả của sự phấn đấu, nỗ lực của cán bộ và nhân dân toàn xã cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách và chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo. Người dân Yên Hòa nhận thức được rằng vốn đất, vốn rừng của mình có thể đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc và trồng cây lấy gỗ cũng như các loại cây ngắn ngày. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế bắt nguồn từ sự chuyển biến về mặt nhận thức ấy. Từ đó, xuất hiện những mô hình tiêu biểu để bà con toàn xã học tập và áp dụng, đó là mô hình chăn nuôi gia súc ở bản Ngọn, nuôi nhím và lợn đen ở bản Cành Khỉn, trồng mây ở bản Văng Môn, trồng dưa ở bản Xốp Chạng, trồng xoan, lát ở bản Đình Yên...
Bà con đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, vay vốn để phát triển sản xuất, đầu tư tiền bạc và công sức để phát kinh tế hộ, tăng thêm thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau. Nhờ đó, cuộc sống của người dân Yên Hòa dần đi vào ổn định, bản làng từng ngày “thay da, đổi thịt”. Và điều quan trọng nhất, tỷ lệ hộ nghèo ở Yên Hòa đã giảm rõ rệt, trong vòng 3 năm (từ 2013 - 2015) giảm tới 36,9% (từ 79% xuống còn 42,1%). Đây thực sự là một con số ấn tượng, thể hiện sự bứt phá và vươn lên trong quá trình phát triển kinh tế của cán bộ và nhân dân xã Yên Hòa. Nhờ vậy, Yên Hòa đã trở thành điểm sáng của huyện Tương Dương về công tác xóa đói, giảm nghèo.
Trao đổi về những kết quả địa phương đạt được trong những năm qua, đồng chí Lô Thái Sinh, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho rằng, trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, phải biết người dân thiếu cái gì, nguyên nhân từ đâu để tìm ra cách làm hợp lý và mô hình hiệu quả. Đối với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, phải cử cán bộ về tận thôn bản để kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, đảm bảo đúng đối tượng và mục đích. Về định hướng phát triển trong những năm tiếp theo của xã nhà, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: “Việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc và đa dạng hóa cây trồng đã được chứng minh là hướng đi hợp lý, nên chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, học hỏi và triển khai thực hiện sát thực tiễn từng giai đoạn. Bên cạnh đó, là chú trọng mở rộng giao lưu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Với hướng ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Hòa tự tin sẽ vươn tới những đổi thay mới”.
KIÊN - PHƯƠNG