Xác định chỉ tiêu tuyển sinh mới: Rộng cửa, có rộng kẽ?

Lê Huyền 01/02/2018 07:53

 Dự thảo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng, thạc sĩ, tiến sĩ (gọi tắt là Dự thảo) vừa được Bộ GD-ĐT công bố có nhiều điểm được coi là khá "thoáng". Tuy nhiên, bên cạnh sự tán đồng còn có nhiều ý kiến lo ngại những dự kiến mới sẽ đi kèm với “kẽ hở” trong tuyển sinh.

Dự thảo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng, thạc sĩ, tiến sĩ (gọi tắt là Dự thảo) vừa được Bộ GD-ĐT công bố có nhiều điểm được coi là khá "thoáng". Tuy nhiên, bên cạnh sự tán đồng còn có nhiều ý kiến lo ngại những dự kiến mới sẽ đi kèm với “kẽ hở” trong tuyển sinh.

Điểm mới của Dự thảo là bỏ hoàn toàn tiêu chí quy định quy mô sinh viên chính quy tối đa của cơ sở giáo dục đại học; Giảng viên thỉnh giảng được tính để xác định chỉ tiêu; Ngành đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng thì được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Không lo ngại về giảng viên thỉnh giảng

Ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), khẳng định việc giảng viên thỉnh giảng được tính để xác định chỉ tiêu tuyển sinh là một điểm tiến bộ.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Đỗ Quang Đức

Sở dĩ đưa ra nhận định này, theo ông Sen, là do thực tế hiện nay giảng viên biên chế ở các cơ sở giáo dục công lập dư giờ rất nhiều. Vì vậy, ngoài quy định về thời gian nghiên cứu khoa học, những giảng viên này sẽ đi dạy thêm ở các cơ sở ngoài là "hợp lý hợp tình". Mặt khác, đây cũng là cách động viên các trường sử dụng nhân sự của cơ sở công lập.

Các trường công không thể yêu cầu giảng viên không được đi dạy chỗ này, đi làm chỗ kia khi không bố trí đủ giờ dạy cho họ” - ông Sen nói.

Tuy nhiên, ông Sen cho rằng việc tính chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên đội ngũ thỉnh giảng cần được tính toán kỹ lưỡng, nhất định không để các trường làm tùy tiện, tràn lan, “bỏ con cá bắt con tôm”.

"Việc tính đối tượng này vào xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên áp dụng cho trường hợp đã thỉnh giảng 1 năm hoặc 2 học kỳ trở lên" - ông Sen đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Đương, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, lại cho rằng điểm tiến bộ nhất của Dự thảo là bỏ quy định quy mô sinh viên. Theo ông Đương, một trường đại học lớn, đội ngũ công chức đông thì dựa vào điểm này không phù hợp. Ông Đương cũng ủng hộ việc tính giảng viên thỉnh giảng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

“Đây là điều cần thiết vì theo nguyên tắc, trường đại học sẽ có một số lượng tiết học nhất định cần “giao lưu” với giảng viên bên ngoài. Do đó, trường sẽ phải mời giảng viên thỉnh giảng" - ông Đương nhấn mạnh.

Ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, bày tỏ sự vui mừng khi Dự thảo đã giao quyền tự chủ hơn cho các trường, đặc biệt đưa công tác kiểm định là một biện pháp để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Về tính giảng viên thỉnh giảng, ông Sơn đưa ra quan điểm "Do hệ số rất ít nên các trường sẽ không lách luật để tăng chỉ tiêu. Bởi vì một trường đại học nếu có 700 giảng viên thì cũng chỉ được mời 35 giảng viên thỉnh giảng, do đó nếu tính chỉ tiêu cũng chỉ được 7 người. Hơn nữa, việc tính giảng viên thỉnh giảng thì lâu nay các trường cũng đã làm, nay đưa vào quy định và xác định luôn tỷ lệ thì sẽ bớt "ăn gian" thôi" - ông Sơn nói.

Trong dự thảo mới do hệ số rất ít nên các rường sẽ không lách luật để tăng chỉ tiêu. Ảnh: minh họa

Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cũng cho rằng với việc tự chủ và đào tạo theo tín chỉ, giảng viên thỉnh giảng thường xuyên được xem là lực lượng cần thiết và hợp lý. Việc trường mời giảng viên thỉnh giảng là cán bộ chuyên môn sâu của trường đã nghỉ hưu, cán bộ trình độ cao sẽ có ý nghĩa về nâng cao chuyên môn, học thuật.

Vẫn còn kẽ hở

Trong khi việc đưa giảng viên thỉnh giảng vào xác định chỉ tiêu tuyển sinh được đa số lãnh đạo trường tán đồng thì với dự kiến khác như các ngành đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định, có nghị quyết thông qua chủ trương xác định chỉ tiêu tuyển sinh của hội đồng trường, hội đồng quản trị thì được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó lại được nhận định rằng đây là một kẽ hở để các trường lách luật.

Lãnh đạo một trường đại học giải thích các trường sẽ “lách luật” bằng cách lập đề án cho ngành đặc thù hoặc dựa vào kiểm định chất lượng.

"Quy định không nói rõ kiểm định ngành theo cái gì, tổ chức kiểm định nào và theo tiêu chuẩn nào. Vì vậy, các trường sẽ tìm kiếm tổ chức kiểm định có tiêu chuẩn dễ dàng hoặc lựa chọn bộ tiêu chuẩn phù hợp thì vấn đề xác định chỉ tiêu sẽ được tự chủ" - vị này phân tích.

“Hiện nay, kiểm định và ngành đặc thù luôn là vấn đề có nhiều ẩn khuất, đặc biệt việc kiểm tra, giám sát và xử lý rất khó”- ông nói thêm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đương thì nhận xét do việc kiểm định chất lượng vẫn chưa thể làm đại trà nên quy trình kiểm định là đi dần chứ không phải cứng nhắc.

Theo ông Đương, đây là trách nhiệm của Bộ trưởng và các trường. Các trường sẽ tự kiểm tra, trường nào có thực lực phải tự xác nhận và công khai để xã hội biết. Mặt khác, Bộ cũng cần công bố danh sách các trường đã kiểm định chất lượng vì hiện nay có trường kiểm định từ 2-3 nguồn.

"Phải đưa ra các tiêu chí đạt như thế nào, không thể để các trường nói chung chung là “chúng tôi đạt”".

Ông Võ Văn Sen thì đề xuất trường nào vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm khắc.

"Sai phải xử chứ không phải sửa. Cơ quan có trách nhiệm làm nghiêm túc, xử phạt nghiêm minh thì các trường mới không dám "lách luật"" - ông Sen nhấn mạnh.

Theo vietnamnet.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Xác định chỉ tiêu tuyển sinh mới: Rộng cửa, có rộng kẽ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO