Xác định đúng mục tiêu cho đầu tư

20/04/2013 16:59

Báo NACT các số ra ngày 17,24 và 31/3/2013 đã có bài phản ánh thực trạng việc thực hiện nghị quyết 30a của Chính phủ, dành cho các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong. Số này, chúng tôi có phần khảo sát thực hiện nghị quyết 30a tại huyện Quỳ Châu, sau đó là cuộc trao đổi giữa P.V Báo Nghệ An với đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, về định hướng thực hiện nghị quyết này những năm tiếp theo...

(Baonghean) - Báo NACT các số ra ngày 17,24 và 31/3/2013 đã có bài phản ánh thực trạng việc thực hiện nghị quyết 30a của Chính phủ, dành cho các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong.

Số này, chúng tôi có phần khảo sát thực hiện nghị quyết 30a tại huyện Quỳ Châu, sau đó là cuộc trao đổi giữa P.V Báo Nghệ An với đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, về định hướng thực hiện nghị quyết này những năm tiếp theo...


Quỳ Châu đầu tư các công trình trọng yếu

Ngày 5/2/2013, Chính phủ ra Quyết định số 293/QĐ-TTg về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008, của Chính phủ. Theo đó, huyện Quỳ Châu được hưởng cơ chế, chính sách đầu tư theo Quyết định 293/CP.

Quyết định 293 của Chính phủ đối với 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, thực hiện từ 2013 đến 2017, mỗi huyện được hưởng 70% theo nguồn kinh phí đầu tư của các huyện được hưởng Chương trình 30a. Như vậy, trong 5 năm, huyện Quỳ Châu được ngân sách Trung ương đầu tư 90 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông Lang Văn Chiến - Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu, cho biết: Theo chủ trương của Quyết định 293 của Chính phủ, các huyện được hưởng cơ chế, chính sách đầu tư quyết định này sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ cấp huyện đến cấp xã.

Đối với cấp huyện đầu tư xây dựng các trường THPT, trường THPT nội trú, cơ sở dạy nghề tổng hợp huyện, các công trình thủy lợi quy mô cấp huyện, liên xã, đường giao thông từ trung tâm huyện tới xã, liên xã. Đối với cấp xã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu ở tất cả các xã trên địa bàn huyện (trừ thị trấn), gồm trường học các cấp, đường giao thông đường liên thôn, bản, đường vào các khu kinh tế, thủy lợi phục vụ tưới và tiêu cho sản xuất nông nghiệp, điện phục vụ sản xuất và dân sinh, công trình nước sinh hoạt. Thế nhưng, với huyện Quỳ Châu, sau khi tiếp nhận được Quyết định 293 của Chính phủ, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo.

Dựa vào thực tế của địa phương, Quỳ Châu ưu tiên đầu tư các cơ sở hạ tầng cấp xã là chính. Theo đó, huyện định hướng cho xã lựa chọn danh mục công trình cần đầu tư. Nhưng xét trên nhu cầu thực tế, trước mắt huyện chọn công trình cấp điện sinh hoạt cho 3 xã vùng trong, gồm Châu Hoàn, Diên Lãm và Châu Phong. Đây là 3 xã chưa có điện lưới quốc gia, từ 10 năm nay, huyện đã nhiều lần đề nghị ngành Điện đầu tư công trình đường điện cho các địa phương này, nhưng vẫn chưa được. Do vậy, Quyết định 293 của Chính phủ là cơ hội để huyện ưu tiên nguồn vốn đầu tư công trình điện lưới vào 3 xã này. Ước tính, kinh phí cho công trình điện lưới này khoảng gần 60 tỷ đồng.

Như vậy, còn 30 tỷ đồng nữa, huyện sẽ ưu tiên những công trình cấp thiết nhất đối với 8 xã còn lại, đáng chú ý là Trạm Y tế xã Châu Nga (đang xuống cấp trầm trọng); trường học ở các trường vừa chia tách; các công trình thủy lợi ở những xã có diện tích lúa nước nhiều (trong đó, xã Châu Tiến hiện có hệ thống thủy lợi nội đồng hư hỏng, xuống cấp nặng nề nhất, vì đầu tư xây dựng từ trên 10 năm về trước).



Chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh của miền núi.

Về xã Châu Tiến, những ngày lúa xuân đang gặp hạn hán khốc liệt nhất từ 4 – 5 năm qua, chúng tôi được chứng kiến những kênh mương đang bị xuống cấp trầm trọng, nên công tác tưới tiêu gặp rất nhiều khó khăn. Ông Sầm Văn Kính – Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết, Châu Tiến có 2 dân tộc: Kinh và Thái, dân tộc Thái chiếm 80% dân số. Là địa phương có gần 300 ha đất sản xuất lúa nước, từ bao đời nay người dân coi sản xuất lúa nước để ổn định cuộc sống, việc đưa giống lúa lai vào gieo cấy được bà con chú trọng từ nhiều năm trước. Năng suất lúa ở đây đã đạt bình quân 55 tạ/ha.

Vì vậy, từ những năm 90 của thế kỷ trước, huyện và xã đã chú trọng đầu tư kiên cố hóa nhiều tuyến kênh mương chính trên địa bàn xã, nhằm phục vụ nước tưới cho ruộng. Trải qua hàng chục năm sử dụng, đến nay hầu như tuyến kênh mương nào cũng xuống cấp trầm trọng, không còn khả năng tươi tiêu cho ruộng. Vì thiếu nước tưới, nên vụ nào cũng phải bỏ đất hoang từ 10 - 13 ha. Nhiều diện tích lúa sau khi cấy xong, do không có nước dưỡng, lúa giảm năng suất, hoặc mất trắng. Ví như vụ xuân năm nay, toàn xã gieo cấy được 274,5 ha, thì có tới 127 ha bị hạn nặng. Diện tích đất 2 lúa phải bỏ hoang trong vụ xuân này là 12,3 ha.

Vấn đề cấp bách đối với Châu Tiến hiện nay là Nhà nước đầu tư nguồn vốn để tu bổ, sửa chữa lại toàn bộ hệ thống kênh mương nội đồng. Sau khi có Quyết định 293 của Chính phủ, cùng với sự hướng dẫn của huyện, Châu Tiến đã đề nghị được sử dụng nguồn vốn này để xây dựng thủy lợi, nhằm đảm bảo tưới tiêu, phục vụ sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân!

Tránh làm mô hình chỉ để “giải ngân”

Ông Lê Xuân Đại cho biết: Đối với 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong, để công tác xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, vấn đề cốt lõi nhất là mỗi người dân cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, thay đổi tư duy sản xuất, biết tự vươn lên làm chủ cuộc sống. Song, để làm được điều đó, ngoài nội lực của người dân, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chức năng cần phải tích cực hơn nữa và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm!

Cụ thể, việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, cần phải cân nhắc, nghiên cứu, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Tránh hiện tượng làm mô hình chỉ để “giải ngân”. Kinh nghiệm qua 4 năm thực hiện Chương trình 30a của 3 huyện cho thấy, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt không mang lại hiệu quả. Một thực tế ở vùng miền núi, chăn nuôi đại gia súc là hiệu quả cao nhất, vì phù hợp với điều kiện tự nhiên và thị trường tiêu thụ tốt.

Người dân cần phải thay đổi tập quán chăn nuôi, từ thả rông sang nuôi nhốt, và bên cạnh đó là đẩy mạnh chăm sóc và tạo đầu mối tiêu thụ. Nói chăm sóc, nghĩa là người dân phải biết trồng cỏ, bảo đảm thức ăn tại chỗ cho gia súc; cơ quan chuyên môn tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, xây dựng đội ngũ thú y viên cấp thôn bản và tạo điều kiện cho họ hoạt động. Vấn đề cần bàn hiện nay là làm thế nào để người dân thay đổi tư duy sản xuất, từ tự cung tự cấp sang sản xuất mang tính hàng hóa.

Vùng miền núi có đặc thù riêng, nên nhiều sản phẩm mang tính đặc thù, có chất lượng cao, chỉ miền núi mới có. Ví như khoai sọ, bí xanh, gừng… ở Tương Dương, Kỳ Sơn; chanh leo, bo bo, dưa rẫy… ở Quế Phong. Lâu nay, chúng ta mới khai thác ở mức độ vi mô, chưa nghĩ đến vĩ mô, nên chưa tạo cơ hội cho người dân ổn định cuộc sống một cách bền vững, dựa vào tiềm năng sẵn có. Cái mà người dân đang mong chờ là Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư để mở rộng diện tích và tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Làm được điều đó, không có cách nào khác là phải liên kết “4 nhà”.



Hệ thống thủy lợi nội đồng ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu) xuống cấp, không còn chức năng tưới tiêu.

Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh công tác dạy nghề cho nông dân một cách sát thực. Địa phương nào có thế mạnh phát triển nghề gì thì tập trung đào tạo nghề đó. Đồng thời, quan tâm đến xuất khẩu lao động cho thanh niên. Những năm qua, số lượng XKLĐ ở các huyện 30a rất thấp, so với các huyện miền xuôi. Năm 2012, toàn tỉnh có 13.707 người đi XKLĐ thì 3 huyện 30a chỉ có 260 người. Trong khi đó, nguồn vốn của Chương trình 30a có hỗ trợ người dân đi XKLĐ. Những năm tới, các huyện cần quan tâm đẩy mạnh XKLĐ.

Theo ông Lê Xuân Đại, một vấn đề cần phải bàn nữa là hiện nay các ban, ngành cấp tỉnh, mỗi đơn vị nhận giúp đỡ một xã nghèo, cần xác định cho người dân “cần câu”. Cái mà bà con đang cần để ổn định cuộc sống lâu dài là cán bộ định hướng cách làm ăn, chứ lâu nay các đơn vị thường hỗ trợ bà con, địa phương hiện vật: chăn màn, quần áo, sách vỡ, ti vi, máy tính... Đó là cái họ đang cần trước mắt. Nếu không xác định được mục tiêu lâu dài, vô hình trung, dễ xẩy ra tình trạng “giúp để người dân ỷ lại”. Biết rằng, cái khó nhất hiện nay là phần lớn các đơn vị nhận giúp đỡ xã nghèo không có năng lực chuyên môn về nông, lâm nghiệp để truyền đạt cho bà con.


Bài, ảnh: Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Xác định đúng mục tiêu cho đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO