Xác định rõ nguồn 'xăng bẩn' để xử lý tận gốc

14/10/2017 06:51

(Baonghean) - Trước thực tế một số cơ sở đã bị phát hiện chiêu trò kinh doanh xăng “bẩn” để trục lợi người tiêu dùng, các cơ quan chức năng xác định phải làm rõ nguồn xăng “bẩn” tràn về địa bàn. Qua đó, xử lý triệt để, tận gốc vi phạm.

» Xăng 'bẩn' hại xe ô tô như thế nào?

» Lật tẩy thủ đoạn kinh doanh xăng 'bẩn' mới

Điểm trúng “huyệt”

Từ những nhận định về chiêu trò gian lận kinh doanh xăng dầu kém chất lượng trục lợi người tiêu dùng, các lực lượng chức năng mà chủ công là Công an tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện Chuyên án 917 XD, âm thầm tung trinh sát từng bước lần theo các manh mối, quyết tâm bắt quả tang các đối tượng đầu nậu đưa xăng “bẩn” về tiêu thụ trên địa bàn.

Cửa hàng xăng dầu Bình Hương (Quế Phong). Ảnh: Đ.T
Cửa hàng xăng dầu Bình Hương (Quế Phong). Ảnh: Đ.T

Vào hồi 11h ngày 10/10/2017, Phòng PC46 Công an tỉnh, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ cùng Cục A71 Bộ Công an đã bắt quả tang Công ty TNHH Thanh Ngũ (xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) đang đổ chất dung môi trong bồn xe ô tô biển kiểm soát 37C - 7512 vào bồn xăng tại điểm kinh doanh xăng dầu cho khách hàng. Số chất dung môi chở trên xe bồn này có dung tích 40.000 lít do ông Ngô Quang Thúc lái xe cho doanh nghiệp tư nhân Quang Lục (địa chỉ xóm 8, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu) chở từ thành phố Cần Thơ về.

Kiểm tra tại Công ty TNHH Thanh Ngũ, lực lượng chức năng phát hiện 2 lọ bột tạo màu, 2 bể chứa xăng (một bể chứa 3.000 lít xăng A92; một bể chứa 7.000 lít xăng A92). Qua đấu tranh, chủ doanh nghiệp là bà Vũ Thị Thanh phải thừa nhận ở bể chứa 7.000 lít xăng có pha trộn theo tỷ lệ: 50% xăng A92 + 50% dung môi + chất tạo màu = xăng kém chất lượng.

Tiếp tục kiểm tra Doanh nghiệp tư nhân Kiên Lục, lực lượng chức năng phát hiện doanh nghiệp này có hai bể chứa trên 10.000 lít xăng kém chất lượng; 1 lọ chứa chất bột tạo màu. Qua đấu tranh, con trai của chủ doanh nghiệp này là đối tượng Trần Văn Tuấn phải thừa nhận từ tháng 8/2017 đến nay đã mua 320.000 lít dung môi với giá 10.600 đồng/lít.

Trong đó, đã bán cho Công ty TNHH Thanh Ngũ 160.000 lít; còn lại 160.000 lít, Tuấn đã chỉ đạo pha với xăng A92 với tỷ lệ 80% xăng A92 + 20% dung môi + bột tạo màu. Trần Văn Tuấn còn khai nhận, những chuyến xe dung môi trước đây, Doanh nghiệp tư nhân Kiên Lục đã bán cho Cửa hàng xăng dầu Kỳ Phương 40.000 lít; bán cho cửa hàng xăng dầu Sáu Hằng 5 xe tương ứng khoảng 200.000 lít.

Từ số lượng chất dung môi mà Doanh nghiệp tư nhân Kiên Lục đã mua từ thành phố Cần Thơ vận chuyển về Nghệ An, tỷ lệ pha trộn chất dung môi như chủ doanh nghiệp đã khai nhận, lực lượng chức năng xác định số xăng “bẩn” do doanh nghiệp này bán ra trên địa bàn tỉnh lên đến 2 triệu lít trong khoảng thời gian từ tháng 8/2017 đến nay.

Theo hóa đơn GTGT xuất bán dung môi của Công ty xăng dầu Mê Công thuộc Tổng Công ty Xăng dầu Cần Thơ, thì giá dung môi là 10.600 đồng/lít; trong khi đó, giá xăng A92 được bán ra thị trường có giá 18.000 đồng/lít; vì vậy xác định từ chênh lệch này, 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng “bẩn” thu được lợi nhuận là rất lớn.

Một cán bộ tham gia chuyên án cho biết, các trinh sát đã bám theo xe bồn vào tận thành phố Cần Thơ để nắm rõ hành vi giao nhận chất dung môi. Sau đó kịp thời báo tin để Ban Chuyên án cử các trinh sát đón lõng theo từng cung đường, nắm chắc từng di biến động, và tung đòn quyết định khi các đối tượng thực hiện hành vi giao hàng tại điểm kinh doanh xăng dầu…

Xăng “bẩn” của Doanh nghiệp tư nhân Kiên Lục và Công ty TNHH Thanh Ngũ đã được bán ra cho các đại lý: Cây xăng dầu Dũng Tuyết (xã Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu); Cây xăng dầu Quỳnh Thảo (xã Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu); Cây xăng dầu Huấn Thu (xã Nghĩa Lộc, TX. Thái Hòa); Cây xăng dầu Hóa Trị (xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu); Cây xăng dầu Quang Lĩnh (xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu); Cây xăng dầu Phượng Từ (xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu); Cây xăng dầu Hòa Quang (xã Quỳnh Tân, Quỳnh Lưu); Cây xăng dầu Phùng Pha (xã Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu).

Xử lý tận gốc

Trong vài năm qua, các cơ quan chức năng đã không ít lần phát hiện hoạt động kinh doanh xăng dầu có những chiêu trò gian lận, trục lợi bất chính người tiêu dùng. Trước đây là gắn chíp điện tử, gian lận về đo lường; còn nay, là chiêu trò pha chế xăng “bẩn”. Với chiêu trò kinh doanh xăng “bẩn” mới được phát hiện này, mức độ nguy hại còn ghê gớm hơn nhiều chiêu trò gian lận đo lường.

Bởi khi người sử dụng phương tiện mua phải xăng “bẩn”, ngoài việc họ bị trục lợi bất chính, thì còn có thể gặp phải sự cố bất thường trong quá trình điều khiển phương tiện, gây nguy hiểm đến tính mạng; bên cạnh đó, bị hỏng hóc phương tiện.

Chính vì vậy, ngay sau khi phát hiện, làm rõ các doanh nghiệp có vi phạm, tại Kết luận thanh tra số 874/Kl-KHCN-TTr ngày 12/9/2017 của Sở KH&CN về “Kết luận thanh tra tiêu chuẩn đo lường, chất lượng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu” đã nêu cụ thể danh tính, lỗi vi phạm của những doanh nghiệp có hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng. Bên cạnh đó, yêu cầu các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn và TX. Thái Hòa “tổ chức giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh xăng dầu có vi phạm đã bị phát hiện; công khai danh tính các cơ sở vi phạm gắn với tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý chất lượng xăng dầu đến toàn thể các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn”.

Cũng tại Kết luận thanh tra 874, Giám đốc Sở KH&CN, ông Trần Quốc Thành đã khái quát tình hình: Tỉnh Nghệ An đã có các biện pháp kiểm soát về đo lường như dán tem niêm phong IC chương trình, thay đổi cách thức quản lý trong quá trình kiểm định phương tiện đo, quản lý chặt chẽ về phê duyệt mẫu phương tiện đo, phối hợp với Cục Thuế niêm phong đồng hồ tổng…, các lực lượng chức năng đã ra quân quyết liệt, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật, qua đó hạn chế các hiện tượng gian lận về đo lường trong kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, qua kiểm tra nắm bắt tình hình, đã xuất hiện hiện tượng các cơ sở kinh doanh xăng dầu bán hàng kém chất lượng, đặc biệt là tại các địa bàn miền núi, vùng xa khu vực trung tâm…”.

Qua đó đề nghị các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh chủ động có kế hoạch phối hợp với Thanh tra Sở KH&CN và các lực lượng chức năng có liên quan về kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu theo đúng sự chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 439/KH.UBND ngày 19/7/2017 về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo Chánh Thanh tra Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Hà, trên địa bàn tỉnh có khoảng 700 cửa hàng xăng dầu; các cơ sở này được các đại lý đầu mối có tên tuổi nhượng quyền thương mại, nhưng có dấu hiệu nhập xăng kém chất lượng ngoài luồng. Vì vậy, ngoài chuyển Kết luận thanh tra số 874, Thanh tra Sở KH&CN đã đề nghị các đơn vị đầu mối như Công ty Xăng dầu Nghệ An song song với việc mở rộng đại lý bán lẻ, cần kiểm soát chặt chẽ nội bộ, có hình thức xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh vi phạm.

Ông Nguyễn Mạnh Hà trao đổi: “Không chỉ các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, mà doanh nghiệp đầu mối cũng cần vào cuộc. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nhận biết để phát hiện những chiêu trò gian lận, thông tin kịp thời để xử lý các cơ sở vi phạm. Có như vậy, mới triệt tiêu được các hành vi vi phạm…”.

Trong đấu tranh với các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, lực lượng công an luôn giữ một vai trò mang tính quyết định. Tại Báo cáo nhanh Chuyên án 917XD về đấu tranh với các hành vi pha chế, mua bán xăng A92 kém chất lượng, ngoài báo cáo chi tiết việc bắt quả tang hành vi vi phạm của hai doanh nghiệp đã pha chế, kinh doanh hơn 2 triệu lít xăng kém chất lượng.

Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm - Trưởng phòng PC46 khẳng định: “Sau khi đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm, Ban Chuyên án đã quyết định tạm giữ ô tô kéo rơ-moóc biển kiểm soát 37C-7512 đựng 40.000 lít dung môi; khoảng 20.000 lít xăng “bẩn” của hai doanh nghiệp; 3 lọ chứa chất bột tạo màu; các tài liệu, chứng từ hóa đơn sổ sách liên quan đến xuất nhập hàng hóa và thu giữ các mẫu xăng, chất dung môi để trưng cầu giám định. Hiện chuyên án đang được tiếp tục đấu tranh mở rộng…”.

Như vậy là chiêu trò kinh doanh xăng “bẩn” nhằm trục lợi người tiêu dùng đã và đang từng bước được các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tin rằng, đây là những bài học đủ để răn đe những đối tượng manh tâm kinh doanh xăng “bẩn” trục lợi bất chính người tiêu dùng; những thông tin từ việc thanh, kiểm tra, từ thực hiện Chuyên án 917 XD sẽ giúp người tiêu dùng nâng cao ý thức cảnh giác, để qua đó, môi trường kinh doanh xăng dầu được lành mạnh.

Để tránh mua phải xăng dầu kém chất lượng, khách hàng nên tìm đến các địa chỉ uy tín, tin cậy, để khi xảy ra sự cố bất thường về kỹ thuật, động cơ của xe, khách hàng sẽ có cơ sở để phản ánh, hoặc truy cứu trách nhiệm của đơn vị cung cấp. Khi phát hiện hoặc nghi chất lượng nhiên liệu, mọi người nên báo ngay cho cơ quan chức năng để có giải pháp xử lý.

Ông Hồ Đức Hóa - Trưởng phòng Dịch vụ Công ty CP Toyota Vinh: Bộ phận đầu tiên bị ảnh hưởng bởi xăng kém chất lượng là lọc xăng. Lọc xăng bẩn dẫn đến tắc xăng và không cung cấp đủ nhiên liệu cho động cơ hoạt động đúng công suất. Về lâu dài sẽ hỏng cả bộ phận bơm xăng, kim xăng, buồng đốt. Khi gặp xăng bẩn xe phải thay rất nhiều chi tiết và giá cả cũng khá đắt đỏ. Ví dụ: Một bộ kim phun động cơ nếu thay thế có thể lên đến 20 triệu đồng. Riêng bộ lọc, tùy từng loại xe, có xe khoảng 800.000 đồng/bộ. Có xe trên dưới 3 triệu đồng.

Có một số trường hợp khách hàng đưa xe đi bảo dưỡng, sửa chữa, qua kiểm tra nguyên nhân chính được xác định là do nhiên liệu kém chất lượng hoặc xăng bị lẫn tạp chất. Có trường hợp xe không thể di chuyển buộc phải nhờ kéo về và khi kiểm tra phát hiện các bộ phận bơm xăng, kim xăng, bộ lọc bị hỏng, bị oxi hóa, tuổi thọ động cơ bị rút ngắn.

Nhật Lân - Đào Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Xác định rõ nguồn 'xăng bẩn' để xử lý tận gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO