Xăng giảm giá liên tiếp, cước tàu xe, taxi có giảm?
Giá xăng chiều 19/8 tiếp tục giảm lần thứ 3 trong vòng một tháng, nhưng theo các đơn vị vận tải, giá cước vẫn chưa có sự điều chỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, giá xăng giảm lần thứ ba liên tiếp với mức giảm 600 đồng/lít là chưa đủ mạnh để khiến các doanh nghiệp vận tải điều chỉnh giá cước.
Chưa điều chỉnh cước taxi. |
Ông Thanh lý giải, các doanh nghiệp vận tải trong thời gian qua đã phải gánh chịu nhiều tác động từ các yếu tố đầu vào như giá xăng dầu liên tục tăng, trong khi doanh nghiệp không điều chỉnh giá cước. Thêm nữa, nếu so sánh với những lần tăng giá xăng từ đầu năm đến nay thì mức giảm lần này vẫn còn thấp.
Đại diện Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội, ông Bùi Danh Liên cho biết, thời gian qua, giá cước vận tải của các doanh nghiệp vẫn được giữ ổn định mặc dù giá xăng dầu tăng, bởi mỗi lần muốn thay đổi giá cước, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian về thủ tục đăng kí điều chỉnh giá cước, chi phí thay đồng hồ đối với taxi, bảng biểu... Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thường tính toán rất kỹ khi điều chỉnh giá cước. Đợt giảm giá lần này mặc dù không nhiều, dưới 5% so với mức giá xăng hiện tại, tuy nhiên đó cũng là động thái giúp giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp vận tải.
Cũng theo ông Liên, các đơn vị vận tải phải gồng lưng gánh chịu khi giá xăng tăng mà không tăng cước là lợi cho nhân dân. Cơ chế thị trường có tăng, có giảm. Vì vậy, các đơn vị cần phải thận trọng mỗi lần điều chỉnh. "Ở Hà Nội không có đơn vị nào điều chỉnh giá cả", ông Liên nhấn mạnh. Ông cũng cho biết, khi tổng số giá xăng dầu tăng vượt quá 10% thì các đơn vị vận tải mới tính đến cước vận tải tăng hoặc giảm bởi lẽ chi phí cho việc điều chỉnh rất tốn kém.
Dưới góc độ của doanh nghiệp vận tải, ông Hồ Quốc Phi, Chánh Văn phòng Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh cũng khẳng định: "Hiện tại Mai Linh chưa có kế hoạch điều chỉnh giá cước", ông nói. Theo ông Phi, giá xăng dầu thời gian gần đây được điều chỉnh tăng 3 lần nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn không điều chỉnh giá cước. Vì vậy, việc giảm giá cước khi giá xăng giảm cũng chưa được tính đến. Giá xăng tăng nhiều, giảm ít, nên các doanh nghiệp vận tải phải tính toán hết sức thận trọng, vì mỗi lần điều chỉnh sẽ rất tốn kém và phức tạp, do phải cài lại đồng hồ tính cước.
"Việc cài lại đồng hồ rất phức tạp vì doanh nghiệp không tự làm được mà phải thông qua một cơ quan kiểm định độc lập của nhà nước để họ điều chỉnh lại đồng hồ", ông Hồ Quốc Phi cho hay. Mai Linh hiện có 12.000 xe, vì thế việc cài đặt lại đồng hồ rất phức tạp. Theo ông Phi, khi giá xăng điều chỉnh ở mức khoảng 1.500 đồng thì các doanh nghiệp vận tải mới tính đến chuyện tăng hoặc giảm giá cước.
Trước đó, 15h chiều ngày 18/8, 3 mặt hàng xăng dầu tiếp tục được giảm giá. Theo đó, xăng A92 sẽ giảm sâu nhất, tới 600 đồng/lít. Từ mức bán lẻ hiện nay là 24.810 đồng/lít, giá sẽ chỉ còn 24.210 đồng/lít. Mức giảm giá này đã nhỉnh hơn 100 đồng/lít với lần giảm giá gần đây, hôm 7/8 và gần gấp đôi so với mức giảm lần đầu của xăng, chỉ 330 đồng/lít hôm 28/7.
Hai mặt hàng dầu còn lại giảm không đáng kể. Trong đó, dầu diezen chỉ giảm 80 đồng/lít và dầu hoả sẽ chỉ giảm 70 đồng/lít. Sau đó, các mức giá bán lẻ mời sẽ chỉ còn 22.090 đồng/lít đối với dầu diezen và 22.260 đồng/lít. Tương tự như 2 lần giảm giá trước, không có tên mặt hàng dầu madut trong lần giảm giá này.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu đã có 13 lần điều chỉnh. Tổng giảm của mặt hàng xăng đã gần bằng tổng mức tăng. Với Mặt 5 lần tăng, xăng có tổng giá trị tăng là 1.450 đồng/lít và với 3 lần giảm, tổng mức giảm là 1.430 đồng/lít. Ba mặt hàng dầu còn lại đều đã có 5 lần tăng. Nhưng trong đó, đến nay, dầu diesel đã có 9 lần giảm giá, dầu hoả có 6 lần giảm giá và dầu madut có 3 lần giảm giá.
Theo Zing.vn