Xanh đất Phủ Quỳ

02/05/2013 20:28

(Baonghean) - Trải qua 55 năm lịch sử, đứng chân trên mảnh đất đỏ ba zan Nghĩa Đàn, bàn tay, khối óc của những người lính miền Nam tập kết ra Bắc đã vẽ nên hình hài của một miền quê trù phú. Từ màu xanh áo lính, rồi khoác lên mình màu áo xanh của người công nhân, cán bộ, công nhân viên Nông trường 1/5, nay là Công ty TNHH MTV 1/5 Nghệ An đã đổ mồ hôi, nước mắt xây dựng quê hương mới. Họ xem đó là ý nghĩa cao đẹp nhất của đời mình, xứng đáng với tinh thần của danh xưng mà đơn vị mang theo suốt nửa thế kỷ qua “Một tháng năm”.

Bây giờ, đường lên nông trường 1/5 không còn trần ai, vất vả như cách đây nửa thế kỷ. Đầu tháng 4, theo Quốc lộ 48, rồi rẽ vào đường Hồ Chí Minh xanh bạt ngàn cao su, chúng tôi đã chạm tới đất Nghĩa Đàn. Giữa cao nguyên Phủ Quỳ khoáng đạt, nhịp sống thật thanh bình. Cách đây tròn 55 năm, khi những người lính về đây nhận nhiệm vụ làm kinh tế, Nghĩa Đàn - quê hương của cộng đồng các dân tộc Thái, Thanh, Thổ vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu. Chế độ thời Pháp thuộc đã lần lượt lập 10 đồn điền để khai thác tiềm năng đất đai màu mỡ ở đây. Mỗi đồn điền cao su, cà phê mọc lên là có hàng ngàn dân phu phải chịu bóc lột, lầm than. Nhắc chuyện quá khứ để càng trân trọng thành quả hôm nay. Bây giờ, cứ dọc theo Nghĩa Thọ, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phú… đâu đâu cũng bắt gặp những cánh rừng cao su ngay ngắn, chạy dài tít tắp tận chân trời.



Đóng gói sản phảm cao su xuất khẩu.

Điều khác biệt của Nông trường 1/5 so với các nông trường khác cùng thành lập cuối thập niên 50 - 60 của thế kỷ trước ở miền Bắc nước ta chính là nông trường quân đội chuyển sang làm kinh tế. Từ thực tế đó, ở Nông trường 1/5 là những người lính thuộc Trung đoàn 93 liên khu 5 tập kết ra Bắc. Người đến từ Quảng - Đà, người lại đến từ Quảng Ngãi, Bình Định cho đến Phú Yên… Mỗi người một quê, nhưng trên quê chung Nghĩa Đàn, 1.3000 con người đã chung lưng đấu cật xây dựng cuộc sống trong khí thế xây dựng miền Bắc XHCN và tin tưởng ngày nước nhà thống nhất hoàn toàn. Trong đoàn quân tiên phong có ông Võ Duy Thiều, sinh năm 1930, quê ở xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nguyên là Trưởng phòng Tổ chức lao động những năm 1960 -1961, sau đó làm Trưởng phòng Kế hoạch đến năm 1972. “Những ngày đầu tiên, bộ đội mượn nhà dân để ngủ, ăn bếp tập thể, sau mới làm lán để ở. Các đại đội (sau này thành đội sản xuất) ở theo các làng bản trên một địa bàn rộng lớn, chia cắt bởi núi đồi, khe suối, đường sá đi lại hết sức khó khăn”, ông Thiều nhớ lại.

Với phương châm “giống tốt, đất cằn vẫn nở hoa”, bộ đội vừa phục hồi diện tích đồn điền cũ của Pháp vừa khai hoang trồng mới, sức sống mới dần hiện hữu. Đó cũng là nguồn cảm hứng lôi cuốn thanh niên trẻ tuổi miền Trung đăng ký vào làm công nhân nông trường. Từ đây, tập thể cán bộ CNVC đã đổ mồ hôi xây dựng nông trường phát triển toàn diện trên các mặt. Đến năm 1961, nông trường đã làm ăn có lãi, tạo tiền đề để chuyển sang hoạt động theo mô hình nông trường quốc doanh vào tháng 11/1961.

Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, tùy vào tính chất sản xuất và nhiệm vụ chính trị cụ thể trong từng thời kỳ, mà tên gọi nông trường có sự thay đổi cho phù hợp như ngày hôm nay: Công ty TNHH MTV 1/5 Nghệ An. Vậy nhưng, bản chất, tinh thần người lính từ thuở ban đầu vẫn luôn được trân trọng, giữ gìn; là mạch nguồn xuyên suốt, được mỗi cán bộ, công nhân qua nhiều thế hệ thấm nhuần và khắc ghi. Truyền thống đó là niềm tự hào, tạo thành động lực phát triển. Ông Nguyễn Văn Hữu, sinh năm 1938, quê ở Nam Đàn vào làm ở nông trường từ năm 1961, khi thuở mái đầu còn xanh cho đến khi nghỉ hưu. Bên bát nước chè xanh trong ngôi nhà nhỏ ở khối Tân Hòa, Thị trấn Nghĩa Đàn, ông tâm tình: “Trải qua ngần đó thời gian, cán bộ, công nhân nông trường đã qua nhiều thế hệ. Cơ chế hoạt động của nông trường cũng có nhiều thay đổi. Nhưng, cơ cấu tổ chức chặt chẽ, tinh thần kỷ luật cao của một đơn vị quân đội ở buổi đầu đã trở thành truyền thống, được giữ vững và phát huy qua nhiều thế hệ cho đến nay và mang đến những thành công trong sản xuất, kinh doanh”.

Đúng như lời ông Hữu, tại trụ sở Công ty, chính giữa khuôn viên là dãy nhà truyền thống khang trang, thoáng đãng. Bước qua thềm cửa, không gian của mỗi góc phòng, mảng tường đều chứa một phần lịch sử gắn với quá trình lao động sản xuất, chiến đấu của đơn vị. Đó là chiếc kính hiển vi cũ kỹ dùng trong phòng thí nghiệm, là hình ảnh các cô công nhân nở nụ cười tươi tắn đang hăng say cạo mủ cao su… Chúng tôi đã rất ấn tượng về bức ảnh hai nữ công nhân ở một khẩu đội thuộc Đại đội trực chiến 12 ly 7 của nông trường góp phần bắn rơi máy bay Mỹ ngày 13/5/1967; lại liên tưởng tới những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, không chỉ góp phần xây dựng miền Bắc, nông trường còn là hậu phương góp phần chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Từ năm 1958 đến năm 1975 nông trường đã tiễn đưa 1.700 cán bộ, công nhân lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có 600 đồng chí nguyên là cán bộ chiến sĩ tập kết trở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu. Năm 1964, giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc XHCN, nông trường đã nhanh chóng chuyển hướng vừa sản xuất, vừa chiến đấu, bắn rơi 2 máy bay, bắt sống 1 giặc lái.

Môi trường lao động, học tập, chiến đấu lý tưởng tại nông trường đã đào tạo, rèn luyện năng lực, bản lĩnh cho lớp lớp cán bộ, công nhân. Nhờ vậy, nông trường chính là một trong những cái nôi cung cấp cán bộ khung cho các tỉnh miền Nam sau ngày đất nước thống nhất. Tại nhà truyền thống của đơn vị, có ảnh của nhiều đồng chí nguyên là cán bộ nông trường, nay là lãnh đạo của nhiều địa phương, cơ quan của tỉnh Nghệ An như đồng chí Lê Phúc Ân - Phó Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND Thị xã Thái Hòa, từng đảm đương cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc từ giai đoạn 1998 - 2004; đồng chí Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, từng đảm đương vị trí Bí thư Đảng ủy, Giám đốc giai đoạn 2004 - 2008; các đồng chí Nguyễn Ngọc Võ - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu; Phạm Quang Toản, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND Thị xã Thái Hòa cũng nguyên là cán bộ nông trường được nuôi dưỡng trên chính mảnh đất này đã trưởng thành.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, rừng hoang nhường chỗ cho cao su, cà phê xanh tốt. Trên những mảnh đất đó, cuộc sống “đơm hoa kết trái” trở thành những xóm làng đông đúc của người dân địa phương và gia đình cán bộ, công nhân nông trường. Bước vào giai đoạn đổi mới, Công ty TNHH MTV 1/5 Nghệ An đã vạch rõ chiến lược kinh doanh, nhằm phát huy tối đa hiệu quả kinh tế và xã hội trên cả lĩnh vực sản xuất, chế biến cao su, cà phê truyền thống, mở rộng thêm các loại hình dịch vụ thương mại. “Chúng tôi xác định sản xuất, kinh doanh theo thế “chân kiềng”. Đó là phát triển trồng, chăm sóc, thu mua và chế biến mủ cao su; cung cấp vật tư phân bón và chuyển dịch sang các hoạt động dịch vụ. Phấn đấu tỷ trọng dịch vụ sẽ chiếm ngày càng lớn trên tổng lợi nhuận của đơn vị trong tương lai”, đồng chí Phan Tuấn Cường - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc công ty chia sẻ.


Thành Duy

Mới nhất
x
Xanh đất Phủ Quỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO