Xanh lại vùng đất lũ

21/09/2014 10:31

(Baonghean) - Nậm Giải, xã biên giới nằm ở phía Tây của huyện rẻo cao Quế Phong có đất đai rộng lớn, giàu tài nguyên, để đưa đồng bào đi trên con đường tới ấm no, hạnh phúc, “người Đảng” nơi đây vẫn còn bề bộn những lo toan,...

Phát cặp cho học sinh trong ngày khai giảng ở Trường Tiểu học Nậm Giải.
Phát cặp cho học sinh trong ngày khai giảng ở Trường Tiểu học Nậm Giải.

Ký ức...

Trước những năm 2000, lọ mọ lên Quế Phong, đường lổn nhổn đá, xe ca nêm chặt cứng người. Nghỉ một hôm lại sức, được rủ đi Nậm Giải hỏi, đường sá ra sao? Sợ nản, mọi người trấn an bằng câu ngạn ngữ của người Thái "không đi không đến, có đi có đến".

Lần đó, từ Thị trấn Kim Sơn lên xã Châu Kim rẽ phải trước mặt đã chạm vào đá, dốc núi cheo leo. Chao ôi, cơ man nào là đá, đá ngồi, đá đứng. Những hòn đá mồ côi vắt ngang như những đàn voi khổng lồ phơi lưng thả vòi xuống uống nước dưới lòng suối Nậm Việc. Sang giờ Ngọ mà chúng tôi chưa đi được nửa đường. Bàn chân rộp phồng đỏ mọng đã bắt đầu ran rát. Mấy người dẫn đường dịu dàng cười bảo: “Không ai muốn thế! Không năm nào mà Quế Phong không họp bàn làm giao thông Nậm Giải. Nhưng một huyện miền núi rẻo cao này mỗi năm thu ngân sách chưa đầy nửa tỷ bạc - thu không đủ chi lấy đâu ra để làm đường. Thương bà con phải trườn bò qua những “lưng voi” xuống Thị trấn Kim Sơn những 20 km cõng dầu, muối, sách vở... Năm 1992, huyện đã trích 160 triệu đồng sống mái một phen với con đường. Rốt cuộc, với số kinh phí ít ỏi đó khác nào như muối bỏ biển, đường chỉ mới hình thành cho dễ đặt bàn chân thôi.

Hôm ấy, mãi đến tối mịt chúng tôi mới đến được bản Pòng, trung tâm xã. Đôi chân lâu ngày trong giày nay trầy trượt trên đôi dép tông làm hai kẽ chân rộp lên, vỡ ra đỏ loét. Nhưng rồi Nậm Giải cũng có được “đường ra đường”. Từ kinh phí hỗ trợ của tỉnh mỗi năm 100 triệu đồng, đến năm 1999 có Chương trình 135, mức đầu tư bình quân 400 triệu đồng/năm thì trong vòng 7 năm, Nậm Giải sẽ được 2,8 tỷ đồng. Bằng hình thức “quân sự hoá” toàn huyện mở chiến dịch dốc toàn lực vào 2 tuyến Nậm Giải và Nậm Nhoóng. Và năm 2001, Dự án đường Châu Kim - Nậm Giải dài 20 km được Nhà nước phê duyệt đầu tư với tổng vốn 22 tỷ đồng, đến năm 2003 đường thi công được rải nhựa xe máy lạnh lướt êm ru. Có được con đường này không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa Nậm Giải với trung tâm huyện mà còn rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh Nghệ An với tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào.

Trước mặt tôi là cánh rừng đại ngàn trong dãy rừng nguyên sinh Pù Hoạt. Theo khảo sát của ngành Lâm nghiệp thì khu rừng đặc dụng này rộng 63.000 ha, trong đó Nậm Giải có đến 9.477 ha. Rừng có nhiều loại gỗ quý như táu, sến, de, dổi, sa mộc... và nhiều động vật quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ thế giới như voi, gấu, sao la... Nậm Giải có diện tích trên 135 ha ruộng nước, tài nguyên đất đai rộng lớn như vậy nhưng vẫn còn trên 30% hộ đói nghèo. Nguyên nhân nghèo thì ai cũng dễ nhận ra, đó là cơ sở hạ tầng đầu tư chưa đáng kể, tiềm năng còn bỏ ngỏ, trình độ dân trí thấp, người dân nơi đây vẫn còn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, trình độ cán bộ cơ sở còn bất cập... Để đưa Nậm Giải thoát nghèo đòi hỏi đội ngũ cán bộ cần phải cố gắng nhiều. Có đường rải nhựa là một thuận lợi lớn để tiếp cận nhanh với sự tân tiến trong cách nghĩ, cách làm.

Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, trận lũ quét lịch sử tháng 10/2007 làm tan hoang bản mường, xé nát con đường vào Nậm Giải, cướp đi 13 sinh mạng người Thái bản Pục, bản Méo. Dấu tích trận lũ 7 năm trước vẫn còn trên cánh đồng cũ ở hai bản ấy đá sỏi bồi lấp bây giờ thành một vùng đất hoang.

Học sinh Trường THCS Nậm Giải trong ngày khai giảng năm học mới.
Học sinh Trường THCS Nậm Giải trong ngày khai giảng năm học mới.

...và hồi sinh

Năm học 2014 - 2015, Nậm Giải là xã đầu tiên nổi trống khai giảng chào năm học mới tại Nghệ An. Tại đây, các em học sinh cấp 1, cấp 2 được ghép chung trường. Là 1 trong 60 xã rẻo cao nghèo nhất của cả nước, Nậm Giải còn bộn bề khó khăn, gian nan. Tại lễ khai giảng sớm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc thay mặt lãnh đạo địa phương tặng các thầy, cô giáo Trường Tiểu học và THCS Nậm Giải một bộ máy vi tính; Các doanh nghiệp hỗ trợ 20 bộ áo dài cho giáo viên; ủng hộ học sinh xã rẻo cao này 50 chiếc chăn ấm; Ngân hàng VIB Bank và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng tặng 400 cặp sách; Đồn Biên phòng Hạnh Dịch 517 nhận đỡ đầu 2 em Lữ Thị Thìn, Lữ Thị Tâm, là học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Một căn nhà bán trú trị giá trên 650 triệu đồng (trong đó CIENCO 4 hỗ trợ 500 triệu đồng) được khởi công xây dựng ngay sau lễ khai giảng. Có nhà bán trú, các em học sinh nhỏ tuổi miền rẻo cao sẽ đỡ vất vả hơn trong hành trình đi tìm cái chữ. Em Vi Thị Lan, ở bản Piêng Lơng năm nay lên lớp 8, đi bộ gần 10 cây số đến trường ở nội trú, vui mừng cho biết: “Từ bản Pục nhà bị lũ quét cuốn trôi, gia đình về bản mới Piêng Lơng có nhà mới to đẹp, có đất bằng làm ruộng nước, trồng chanh leo… cha mẹ có thêm tiền, gạo cho ăn học”. Bây giờ nhiều người đã biết bản Piêng Lơng chỉ mới được hình thành sau cơn lũ quét, từ đống đổ nát sau cơn lũ quét tràn qua miền biên ải tận cùng miền Tây Nghệ An. Bản tái định cư Piêng Lơng nằm lọt thỏm trong mây núi hữu tình và câu chuyện ấm lòng về những cán bộ đã cắm bản cùng bà con lập nên bản mới.

Theo chân ông Nguyễn Hữu Đức, Trưởng Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong, đứng trên dốc cao nhìn xuống những mái nhà sàn đỏ au hiện ra dưới thung núi. 63 nóc nhà sàn, đều tăm tắp, chạy dọc theo những khoảng đất bằng phẳng, thoai thoải theo sườn đồi. Điện lưới đã được kéo về, nước sạch theo những đường ống dài từ khe núi cũng dẫn đến từng nhà. Bản mới Piêng Lơng mỗi gia đình đều có một khoảnh vườn rộng hơn 2 nghìn m², trồng đủ loại rau và cây trái. Trên con đường bê tông xuyên qua bản, chúng tôi gặp chị Quang Thị May và Quang Thị Hương đang hái chanh leo trong vườn nhà. Chị May khoe, chỉ 1.000m² nhưng vào vụ cứ 3 ngày chị hái bán được hơn 500 nghìn đồng.

Trưởng bản Ngân Văn Thi cho biết thêm: Cây chanh leo mới được huyện cử cán bộ đưa về trồng, cho quả nhiều lắm, bán tận gốc hơn 10 nghìn một cân. Nhà mô trồng tốt, mỗi ha bán đến 300 triệu đồng một năm. Theo Bí thư Huyện ủy Quế Phong - Lữ Đình Thi thì, dự án phát triển chanh leo đầu tư ở Quế Phong đang đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Cây chanh leo phù hợp với thổ nhưỡng Quế Phong không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà nhiều hộ đã giàu lên từ chanh leo. Hiện toàn huyện đã phát triển được hơn 150 ha có doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Nậm Giải là một trong những điểm phát triển dự án cây chanh leo của huyện.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Quế Phong đã “có đi có đến”, như câu ngạn ngữ của ông cha đã nói. Trước mắt, Quế Phong đã “đi” để bây giờ có được “con đường ra đường”, rút ngắn khoảng cách Nậm Giải với trung tâm, để bản Piêng Lơng bây giờ trở thành một trong những điểm tựa vững chắc của vùng biên giới phía Tây. Tuy nhiên, để đưa đồng bào mình trên con đường đi tới ấm no, hạnh phúc, văn minh…, “người Đảng” nơi đây vẫn còn phải nhiều lo toan và rất cần được sự trợ giúp của nhân dân ở chín bản mười mường, ông Lữ Đình Thi nói.

Minh Thư

Mới nhất
x
Xanh lại vùng đất lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO