Tôi đọc câu chuyện của những “đứa con áo xanh” mang “Bữa cơm yêu thương” đến với bà con khó khăn của xã Liên Thành, huyện Yên Thành mà lòng đầy xúc động. Bởi mới đây thôi chúng ta thấy mạng xã hội lan truyền câu chuyện cô gái trẻ dạy cách sống không cần phải đi làm bằng những chiêu trò thủ đoạn moi tiền từ người khác. Một lối sống đầy phản cảm, nếu không muốn nói đến đó là sự sai lầm đầy xấu xa trong suy nghĩ của người trẻ.
“Bữa cơm yêu thương” của các đoàn viên xã Liên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đã diễn ra 5 năm. Chừng ấy thời gian đủ để thấy đây không phải là sự nhất thời khởi phát, hoặc một hành động hô hào mà là một chặng đường bền bỉ từ tâm tình nguyện của các bạn trẻ nơi đây. Một lối sống đẹp giữa thời buổi liến xáo, bát nháo của quá nhiều chiêu trò bất chấp để nổi tiếng của không ít người trẻ ảo vọng. 5 năm miệt mài đem đến những bữa cơm ấm áp nghĩa nhân với những người có hoàn cảnh khó khăn nơi miền quê nghèo. Quả thật, điều này với tôi không dễ dàng. Ngoài câu chuyện cơm áo gạo tiền mưu sinh của người trẻ, còn là quá trình vận động, còn chuyện bếp núc và phân phát ra sao. Đôi khi chúng ta chỉ biết được kết quả nhưng chưa thể thấu hiểu hành trình của những đoàn viên trẻ nơi vùng quê này. Đó là cả một sự nghĩa nhân xanh màu tuổi trẻ mà chắc chắn phải được vun bồi từ nhiều thế hệ, từ ý thức cộng đồng cho đến câu chuyện cá nhân mỗi bạn trẻ nơi đây.
Sáng thứ Bảy cuối tuần, với nhiều người trẻ khắp nước là ngày nghỉ ngơi sau một tuần làm việc, hoặc sẽ là những chuyến đi chơi đó đây, cũng có thể là những chuyến về với gia đình sum vầy sau khoảng dài xa cách. Thế nhưng, với các bạn trẻ xã Liên Thành, họ chọn ra đường mang những yêu thương bằng bữa cơm ấm áp đến với người già, người neo đơn, hoàn cảnh khó khăn khắp xã mình. Ở điểm tập kết họ chia nhau từ công đoạn đi chợ, đến nấu nướng, chia phần và đem tặng. Hành trình ấy, 5 năm, họ chọn cống hiến cho cộng đồng, hy sinh ít nhiều những niềm vui cá nhân cuối tuần.
Đã có thế hệ trưởng thành nhưng vẫn quay về với “Bữa cơm yêu thương”, đã có gia đình hai thế hệ cùng chung tay cho “Bữa cơm yêu thương” và cũng đã có rất nhiều người không còn trẻ tuổi nhưng tự nguyện đến với “Bữa cơm yêu thương”. Nhiều người dân Liên Thành chia sẻ trứng, gạo, thịt, rau cho “Bữa cơm yêu thương”. Đó chính là một sự chung lòng mà tôi nghĩ ngay từ khởi phát những người đoàn viên trẻ ở Liên Thành cũng chưa bao giờ nghĩ đến. Thành công của “Bữa cơm yêu thương” ngoài chuyện hong ấm lại tình người mà còn là kết nối biết bao thế hệ, thu ngắn khoảng cách, và tạo ra một cộng đồng sống tử tế. Người với người, phải chăng vì nhau mà sống? Đó mới là sự nghĩa nhân cao đẹp nhất của xã hội này.
Thiết nghĩ, câu chuyện “Bữa cơm yêu thương” của những người trẻ khoác lên mình áo xanh đoàn viên cần được nhân rộng ra, lan tỏa hơn nữa để yêu thương được chảy tràn trong tâm khảm của người trẻ. Để chính người trẻ thấy sống thật, sống đẹp, sống bằng chính sự lao động tử tế mới là một cuộc đời đáng sống. Nếu xã hội chúng ta giữ được màu xanh nghĩa nhân, tin chắc sẽ là một xã hội bác ái chan hòa. Nếu xã hội chỉ toàn những người trẻ ngơ ngáo dạy nhau thủ đoạn chiêu trò sống giả thì hệ quả sẽ là một xã hội ích kỷ và mất niềm tin.
Cũng là những người trẻ, nhưng câu chuyện các đoàn viên Liên Thành nếu đem ra ngẫm nghĩ với việc cô gái trẻ đăng đàn chỉ dẫn mọi người sống bê tha làm biếng mưu mô chiêu trò, thiết nghĩ chúng ta tự khắc biết đâu mới là tuổi trẻ tận hiến cho xã hội. Và, nên chăng, chúng ta cần dẹp bỏ những vấn nạn người trẻ dạy nhau sống xấu trên mạng xã hội để lối sống đẹp của những “màu xanh nghĩa nhân” được lan tỏa phổ quát và rộng khắp. Tôi tin nếu nhuộm xanh màu nghĩa nhân trên khắp dải đất chữ S này, một ngày nào đó, chúng ta sẽ thở những hơi thở trong lành và bình an nhất.
Bài: Tống Phước Bảo
Ảnh minh họa: Hoài Thu