Xây dựng hệ thống giám sát độc lập góp phần bảo vệ rừng
(Baonghean.vn) - Sáng 15/10, tại thành phố Vinh, Viện Quản lý Rừng bền vững và Chứng chỉ rừng phối hợp cùng Trung tâm Môi trường và Tài nguyên sinh học (CEBR) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”.
Quang cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: Ngọc Anh |
Tham dự hội thảo cóđại diện lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam; các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong khu vực Bắc Trung Bộ cùng các đại biểu đến từ nhà tài trợ EU.
Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và các xã thuộc địa bàn dự án...
Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cơ sở (CSO) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” thực hiện ở huyện Kỳ Sơn và Tương Dương của tỉnh Nghệ An trong 4 năm, với tổng kinh phí là 550.078 EUR; trong đó Cộng đồng Châu Âu tài trợ 495.705 EUR... Dự án được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (SFMI) cùng Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học (CEBR).
Đồng chí Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc chương trình REDD+ Nghệ An: tỉnh Nghệ An rất vui mừng được chọn là vùng dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cơ sở (CSO) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” do cộng đồng Châu Âu tài trợ. Sở NN&PTNT và các cơ quan liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tham gia tích cực nhất vào các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng nói chung và các hoạt động của dự án nói riêng. Ảnh: Ngọc Anh |
Ông Nguyễn Phú Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam: Vai trò của các tổ chức xã hội và người dân trong việc sử dụng công nghệ là để giám sát chương trình REDD+ tại Việt Nam, thỏa mãn yêu cầu của Ngân hàng Thế giới đối với Chương trình REDD+ Bắc Trung Bộ. Ảnh: Ngọc Anh |
Dự án được EU phê duyệt tài trợ trong bối cảnh Chương trình quốc gia về REDD+ đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 5/ 4/2017 với mục tiêu chung là góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng trồng; lồng ghép với thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát khí thải nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh; thu hút sự hỗ trợ của quốc tế, tiến tới tiếp cận thị trường tín chỉ cac-bon; cải thiện quản trị rừng, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống của người dân gắn liền với Chương trình nông thôn mới và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Dự án có mục tiêu tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội (CSOs) với vai trò thúc đẩy quá trình quản trị và phát triển rừng ở Việt Nam; xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội (CSOs) và các tổ chức cộng đồng (CBOs) trong lĩnh vực lâm nghiệp, giúp các tổ chức xã hội hợp tác với nhau và với các cơ quan lâm nghiệp để tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia hiệu quả vào giám sát các chương trình REDD+.
Trong đó, các tổ chức xã hội ở khu vực Bắc Trung bộ và Hà Nội sẽ hình thành một mạng lưới giám sát rừng độc lập (FCIM), có đủ năng lực để làm chủ và sử dụng công nghệ TERA – I cho các hoạt động giám sát thay đổi rừng.
Bà Nguyễn Tường Vân - Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Anh |
“Liên minh Châu Âu đã sẵn sàng hỗ trợ dự án khởi động ngày hôm nay để tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong quản trị rừng. Dự án rất phù hợp và hỗ trợ kịp thời cho Hiệp định Đối tác Tự nguyện Việt Nam-EU về Thực thi Lâm luật, Quản trị và Thương mại Lâm nghiệp mới có hiệu lực hơn một năm nay. EU tin tưởng rằng, nhiều tổ chức xã hội tham gia vào dự án sẽ tạo động lực thúc đẩy công tác quản lý và bảo vệ rừng ở Việt Nam trong những năm tới hiệu quả hơn”.
Bảo vệ rừng cộng đồng ở huyện Tương Dương (Nghệ An). Ảnh tư liệu |
Kết quả mong đợi từ dự án là nâng cao nhân thức của cộng đồng và khả năng tiếp cận công nghệ thông tin về quản trị rừng, tăng cường tính minh bạch để các cấp chính quyền quản lý tốt hơn. Hoàn thiện chức năng của các CSO liên quan đến REDD+ về quá trình lập bản đồ, tư liệu hóa các tài liệu diễn biến rừng, khắc phục một số vấn đề còn tồn tại trong quản trị ngành Lâm nghiệp. Tạo cơ hội để tăng cường tương tác giữa các CSO cấp cơ sở với các bên liên quan; tăng cường sự công nhận vai trò và đóng góp của các CSO trong ngành Lâm nghiệp...