Xây dựng "Làng Văn hóa" vững mạnh không dễ

16/04/2012 18:46

(Baonghean) - Năm 1997, toàn tỉnh có 5 làng đầu tiên được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Làng Văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.961/5.845 làng được công nhận danh hiệu này. Tuy nhiên, cũng có tới 466 làng vi phạm các tiêu chuẩn và 32 làng bị thu hồi danh hiệu Làng Văn hóa. Điều đó cho thấy việc bảo vệ danh hiệu "Làng Văn hóa" quả không đơn giản chút nào.

(Baonghean) - Năm 1997, toàn tỉnh có 5 làng đầu tiên được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Làng Văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.961/5.845 làng được công nhận danh hiệu này. Tuy nhiên, cũng có tới 466 làng vi phạm các tiêu chuẩn và 32 làng bị thu hồi danh hiệu Làng Văn hóa. Điều đó cho thấy việc bảo vệ danh hiệu "Làng Văn hóa" quả không đơn giản chút nào.


Nói đến Nghi Tân - Thị xã Cửa Lò là nhiều người nhớ đến một thời "sục sôi" trung tâm buôn bán đồ điện tử. Nhưng nay về Nghi Tân, cảm nhận đầu tiên đó là không khí tấp nập, nhộn nhịp của một làng nghề kinh doanh chế biến bảo quản hải sản đông lạnh, giải quyết việc làm cho trên 1 nghìn lao động tại chỗ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 15 triệu đồng.

Ông Hoàng Minh Sơn - Chủ tịch UBND phường cho biết: Phong trào xây dựng "Làng Văn hóa" ở Nghi Tân thời gian qua đã được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức như ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện phong trào ở các khối dân cư; xây dựng đề án phát triển đời sống văn hóa phường Nghi Tân giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, hơn 10 năm triển khai, đến nay Nghi Tân mới có 2/9 khối đạt danh hiệu "Làng Văn hóa".


Tìm hiểu được biết, cái "khó" của Nghi Tân đó là toàn khối chỉ có 44,4 ha đất ở mà có tới 2.400 hộ (trong đó có 1/3 là giáo dân của hai giáo họ Tân Lộc và Đức Xuân). Xuất phát điểm là một làng chài ven biển, đời sống dân trí thấp.

Trước thực trạng đất chật, người đông, lại là phường chuyên kinh doanh chế biến và bảo quản hải sản nên môi trường ở Nghi Tân bị ô nhiễm nặng. Toàn phường có 2.400 hộ nhưng chỉ có 1.468 nhà vệ sinh (riêng năm 2011 vận động xây dựng mới 50 nhà vệ sinh). Chưa có nơi để xử lý rác thải, hiện UBND phường đang vận động nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ kinh phí để triển khai xây dựng gara rác tại khối 1, 2 và 3.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Nghi Tân còn cao, năm 2011 là 16%. Các thiết chế văn hóa - thông tin - thể thao hầu như chưa đồng bộ. Cả 9 khối không có sân vận động, kể cả phường cũng chưa có sân vận động (do không có quỹ đất). Nếu muốn tổ chức giao lưu bóng đá thì phải thuê sân ở nơi khác. Công tác an ninh trật tự an toàn xã hội có giảm nhưng chưa đáng kể. Riêng năm 2011, trên địa bàn xảy ra 23 vụ vi phạm hình sự, 5 đối tượng nghiện ma túy và 12 đối tượng nghi nghiện. Năm 2010 có 1 khối được công nhận danh hiệu Làng Văn hóa nhưng hiện đã bị thu hồi danh hiệu do vi phạm sinh con thứ 3 trở lên.


Không chỉ ở Nghi Tân - Thị xã Cửa Lò "khó" trong xây dựng Làng Văn hóa mà rất nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang trăn trở trên "con đường" xây dựng danh hiệu này. Ông Võ Văn Hải - Trưởng phòng VHTT huyện Thanh Chương cho biết: Đến nay, Thanh Chương đã có 183 làng văn hóa đã được công nhận, trong đó có 56 làng văn hóa vi phạm các tiêu chuẩn từ trước tới nay, 16 làng văn hóa sau khi vi phạm bị thu hồi. Qua tìm hiểu được biết,16 làng văn hóa bị thu hồi danh hiệu chủ yếu vi phạm sinh con thứ 3 trở lên.


Như vậy, để trở thành "Làng Văn hóa" quả không đơn giản chút nào nhưng để giữ vững danh hiệu cao quý này cũng là một hành trình cực kỳ gian nan, đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Có rất nhiều địa phương đã giữ vững danh hiệu Làng Văn hóa trên 5 năm liên tục như Làng Văn hóa Phong Yên - Nghi Phong - Nghi Lộc, Làng Văn hóa Trung Cần - Nam Trung - Nam Đàn, Làng Văn hóa Phong Hảo - Hưng Hòa - TP.Vinh. Đặc biệt, có những địa phương giữ vững danh hiệu Làng Văn hóa trên 10 năm liên tục như Làng Văn hóa xóm 4 Nghi Liên - TP. Vinh, Làng Văn hóa xóm 4B Hưng Đạo, xóm 3 Hưng Xá - Hưng Nguyên, Làng Văn hóa Tân Châu - Diễn Nguyên - Diễn Châu...

Theo kinh nghiệm của xóm trưởng Hoàng Xuân Cảnh - xóm 4B - Hưng Đạo - Hưng Nguyên - một trong những xóm 12 năm liền giữ vững danh hiệu, muốn xây dựng làng, xóm văn hóa vững mạnh thì mỗi gia đình phải là những gia đình văn hóa, có đời sống sinh hoạt lành mạnh, vui tươi, đoàn kết, sinh đẻ có kế hoạch, nuôi dạy con ngoan, học giỏi, không vi phạm các tệ nạn xã hội. Và người cán bộ phải là người sâu sát, gần dân, hiểu từng hoàn cảnh gia đình trong xóm thì mới có những cách thức tuyên truyền hiệu quả.


Với mục tiêu đến năm 2015 toàn tỉnh có 50 - 55% làng, bản, khối phố được công nhận gia đình văn hóa, 100% làng, bản, khối phố có thiết chế văn hóa thông tin, trước mắt cần từng bước đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hoá; đào tạo đội ngũ cán bộ văn hoá thông tin cơ sở đủ về số lượng và đảm bảo về nghiệp vụ, chuyên môn.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên hưởng ứng phong trào; từng bước củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" các cấp từ tỉnh đến cơ sở; kết hợp chặt chẽ giữa phong trào xây dựng làng văn hoá với phong trào xây dựng gia đình văn hoá. Khuyến khích xã hội hoá, xây dựng các thiết chế cho hoạt động văn hoá, thể thao, sinh hoạt cộng đồng. Mặt khác, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa xã hội ở từng địa phương; thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết phong trào để đúc rút kinh nghiệm, xác định phương hướng, mục tiêu, nhằm từng bước ổn định và phát triển phong trào cả về bề rộng và chiều sâu.


Thanh Thủy

Mới nhất
x
Xây dựng "Làng Văn hóa" vững mạnh không dễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO