Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp

24/06/2014 18:26

(Baonghean) - Trên phạm vi tỉnh Nghệ An, một số sản phẩm do các doanh nghiệp cung cấp trên thị trường đã có tiếng vượt ra khỏi địa bàn tỉnh nhà, ví dụ: cam Vinh, cam xã Đoài, nước mắm Cửa Lò, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, bánh đa Vĩnh Đức (Đô Lương)… Nhưng việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đối với các sản phẩm này thế nào thì vẫn còn là một câu hỏi cần nghiên cứu.

Sản xuất hương tại Hợp tác xã Hương Trầm Quỳ Châu.
Sản xuất hương tại Hợp tác xã Hương Trầm Quỳ Châu.

Việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp là quan trọng trong việc thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp, nhưng theo tài liệu lưu trữ tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), hiện tại Cục chưa ghi nhận bất kỳ một đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý nào cho các sản phẩm nông nghiệp tại Nghệ An.

Về nhãn hiệu tập thể, Cục SHTT mới ghi nhận có 8 đơn của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp Nghệ An yêu cầu bảo hộ, trong đó mới có 3 đơn được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Trong 3 nhãn hiệu tập thể đang còn hiệu lực bảo hộ có văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể do Hiệp hội Gạch ngói Cừa là chủ sở hữu cho sản phẩm thuộc nhóm 19: Vật liệu xây dựng không bằng kim loại, ngói lợp không bằng kim loại, gạch. Tuy nhiên, nhãn hiệu này không bảo hộ cho sản phẩm nông nghiệp. Hai nhãn hiệu tập thể còn lại là của Hội Nông dân xã Quỳnh Dị, huyện Quỳnh Lưu là chủ sở hữu cho sản phẩm nước mắm các loại, mắm tôm, mắm tôm chua, thủy, hải sản đã qua chế biến như tôm (không còn sống), cá (không còn sống) và của Hợp tác xã Hương Trầm Quỳ Châu, có địa chỉ tại khối 2, xã Tân Lạc, huyện Quỳ Châu là chủ sở hữu cho sản phẩm hương trầm. Tài liệu tại Cục SHTT cho thấy Hội Nông dân xã Quỳnh Dị có sử dụng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu và Hợp tác xã Hương Trầm Quỳ Châu trực tiếp nộp đơn yêu cầu bảo hộ mà không sử dụng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, đồng thời trong suốt quá trình thẩm định hình thức và thẩm định nội dung người nộp đơn đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Nghiên cứu trường hợp bị từ chối bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp cho thấy trường hợp đơn do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương nộp, yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Làng nghề Vĩnh Đức” cho nhóm hàng hóa số 30. Đơn bị từ chối chấp nhận hợp lệ qua quá trình thẩm định hình thức, vì các lý do: Thiếu giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cho phép sử dụng địa danh “Vĩnh Đức” trên nhãn hiệu tập thể theo quy định tại Điều 87, Khoản 3 Luật SHTT: Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; Cách sử dụng nhãn hiệu tập thể trong Quy chế về quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể làng nghề Vĩnh Đức không thống nhất.

Trường hợp đơn do Hội phát triển thương hiệu làng nghề chế biến và bảo quản hải sản đông lạnh có địa chỉ tại khối 6, phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò nộp yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chế biến và bảo quản hải sản” cho nhóm hàng hóa số 29. Đơn bị từ chối chấp nhận hợp lệ qua quá trình thẩm định hình thức, vì các lý do: Tên chủ đơn ghi trên tờ khai không thống nhất với Quy chế và Điều lệ Hội. Chủ đơn đã sử dụng hai tên khác nhau, cụ thể trên tờ khai ghi “Hội phát triển thương hiệu làng nghề chế biến và bảo quản hải sản đông lạnh”, còn trong Quy chế và Điều lệ Hội lại ghi “Hội phát triển thương hiệu làng nghề chế biến và bảo quản hải sản”, lỗi rất nhỏ, chỉ khác nhau chữ “đông lạnh”, nhưng cũng không được chấp nhận; Phân nhóm sản phẩm mang nhãn hiệu ghi trên tờ khai chưa chính xác và không thống nhất với Quy chế; Không đáp ứng quy định tại Điều 87, Khoản 3 Luật SHTT… Như vậy, cả hai trường hợp bị từ chối chấp nhận hợp lệ đều rất đơn giản và rất dễ khắc phục, chúng đều thuộc lỗi hình thức.

Trong quá trình thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp, người tiêu dùng có xu hướng chọn sản phẩm được chứng nhận chất lượng (mặc dù giá cả có thể cao) thay vì tiêu thụ các sản phẩm cùng loại mà không được chứng nhận. Vì vai trò quan trọng như vậy, do đó chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận nên là pháp nhân công quyền, ví dụ cơ quan quản lý nhà nước. Qua nghiên cứu hai trường hợp trên và các trường hợp không thành công khác, xin đưa ra những đề xuất nên được nghiên cứu: Các tổ chức doanh nghiệp nên sử dụng sự tư vấn của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, tránh tình trạng đơn bị từ chối bảo hộ ngay trong giai đoạn thẩm định hình thức. Việc sử dụng tên một địa danh trong nhãn hiệu nhất thiết phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Cơ quan quản lý nhà nước, có thể là Sở Khoa học và Công nghệ, UBND cấp huyện, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện,... nên là chủ thể của nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An hoặc trên địa bàn một huyện thuộc tỉnh; Đối với nhãn hiệu tập thể bảo hộ cho nông sản, quyền sở hữu nó nên thuộc về tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân.

Hiện tại Nghệ An chưa có bất kỳ một đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận nào, mới có 3 nhãn hiệu tập thể được bảo hộ, trong đó chỉ có 2 nhãn hiệu tập thể được bảo hộ cho sản phẩm nông nghiệp. Số lượng vừa nêu là quá ít so với tiềm năng nông nghiệp của tỉnh nhà.

Trần Hải Linh

Mới nhất
x
Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO