Xây dựng nông thôn mới: Dấu ấn Nghĩa Đồng

27/06/2012 16:48

(Baonghean) - Đứng trên cầu Sen bắc qua dòng sông Con, nhìn về phía xã Nghĩa Đồng của huyện Tân Kỳ, từ xa hiện rõ một bức tranh nông thôn mới. Từ đồng ruộng đến giao thông nông thôn, khu dân cư, trường học… đã được địa phương quy hoạch một cách có bề dày về tầm nhìn. Phong trào xây dựng nông thôn mới ở đây đang khơi dậy từ mỗi người dân.


Trước khi đến Nghĩa Đồng, tôi cứ mường tượng Nghĩa Đồng cũng na ná như những địa phương khác của vùng miền núi. Nhưng khi đặt chân đến, tôi không khỏi ngạc nhiên trước cảnh sắc trù phú từ ruộng đồng đến khu dân cư. Hai bên trục đường chính nối từ đường Hồ Chí Minh vào trung tâm xã là những cánh đồng dâu, mía, cỏ chăn nuôi… xanh ngắt.


Ông Ngô Xuân Nghĩa – người 20 năm giữ chức chủ tịch UBND xã, rất hồ hởi khi chúng tôi đề cập đến xây dựng nông thôn mới. Ông nói, khi Đảng, Nhà nước đưa ra chủ trương xây dựng nông thôn mới thì Nghĩa Đồng gặp rất nhiều thuận lợi để đạt được 19 tiêu chí trong thời gian sớm nhất. Cách đây hơn 10 năm, địa phương chúng tôi đã ý thức được vấn đề quy hoạch, xây dựng bộ mặt nông thôn vừa đẹp lại vừa nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân.



Sau khi giải tỏa xong tuyến đường liên xã, Nghĩa Đồng tiếp tục đầu tư xây dựng mương kẹp đường bằng bê tông cốt thép.

Khi đó, dân cư của địa phương phân bố rải rác, sau đó xã quy hoạch lại thành từng xóm tập trung ở các chân đồi, bởi thế đồng ruộng không bị chia cắt. Bây giờ Nghĩa Đồng đã có 15 xóm, trong đó có 13 xóm đạt xóm văn hóa. Người dân địa phương có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo trong sản xuất và hiếu học nên trình độ dân trí cao. Phong trào khuyến học phát triển từ các dòng họ, tổ liên gia, thôn xóm… nên năm nào cũng có từ 100 – 120 con em thi đậu các trường cao đẳng, đại học. Hơn nữa, đất đai của Nghĩa Đồng đa dạng, màu mỡ, phù hợp với các loại cây trồng: dâu, mía, cỏ chăn nuôi.

Từ những thuận lợi đó, người dân Nghĩa Đồng đã chú trọng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Trong tổng số diện tích đất nông nghiệp, địa phương cơ cấu 380 ha đất sản xuất lúa, 335 ha mía, 30 ha trồng cỏ chăn nuôi và 45 ha trồng dâu. Người dân Nghĩa Đồng từ lâu còn có nghề chăn nuôi trâu bò hàng hóa hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, những diện tích đất trước đây sản xuất hiệu quả thấp, nay chuyển sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc. Có những gia đình nuôi một lúc 4 – 6 con trâu, bò sinh sản. Khi bê, nghé được 5 – 6 tháng tuổi là bán cho thương lái. Nhiều xóm chuyên nuôi trâu, bò vỗ béo, là địa chỉ chuyên cung cấp trâu bò thịt trong vùng, cho thu nhập khá. Bởi thế, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm nhanh, hiện chỉ còn 5,9%.

Đến làng có nghề trồng dâu nuôi tằm ở xóm 3, chúng tôi được người dân chỉ đường vào nhà ông Nguyễn Xuân Giáo. Mặc dù vợ chồng ông Giáo đang bận rộn với hàng chục nong tằm nhưng vẫn dành thời gian cho biết: Gia đình có 1,5 ha đất sản xuất, trong đó dành 4 sào đất màu để trồng dâu, gần 1 ha trồng mía, còn lại là sản xuất lúa nước. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở đây có từ cách đây 6 năm, cho đến bây giờ người dân vẫn bám lấy nghề. Với 4 sào dâu, gia đình luôn nuôi 21 nong tằm, cứ 20 ngày một vòng quay, bán được gần 2 triệu đồng từ tiền bán tơ.


Mỗi năm nghề trồng dâu nuôi tằm có 6 tháng quay tơ, vì phụ thuộc vào thời gian chăm sóc dâu. Vợ ông Giáo vui vẻ nói: Ông cha có câu “nuôi lợn ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng” cũng đúng chú ạ, nuôi tằm không phải lao động vất vả, song suốt ngày luôn tay. Nhưng dù bận bịu mà vui, nhà nông miễn là có việc làm, có thu nhập. Nghề trồng dâu nuôi tằm đã tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình và có mức thu nhập khá cao so với làm nông nghiệp. Ông Giáo cho biết thêm, hiện nay trong xóm phần lớn số hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm, là nghề phụ nhưng có thu nhập ổn định. Không những trồng dâu nuôi tằm, gia đình ông Giáo còn chăn nuôi bò vỗ béo, mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng.

Đến thời điểm này, xã Nghĩa Đồng đã đạt được 14 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo ông Nghĩa cho biết, địa phương còn 5 tiêu chí chưa đạt: Phân phối sử dụng lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, xử lý môi trường và mức thu nhập đầu người.

Mục tiêu của Nghĩa Đồng đến năm 2015 là đạt xã nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân góp và hiến đất làm đường, sau đó là huy động sức dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để cứng hóa nền đường. Tập trung xây dựng thành làng nghề dâu tằm tơ tại xóm 3, đưa diện tích trồng dâu lên 100 ha, cùng với đó là khuyến khích phát triển trang trại chăn nuôi ra đồng, nhằm mục đích đẩy nhanh thu nhập bằng nông nghiệp, phấn đấu đạt mức thu nhập từ 80 triệu đồng/ha/năm trở lên. Về môi trường, địa phương sẽ xây dựng 6 điểm tập kết rác thải, các xóm thành lập tổ thu gom rác đến nơi tập kết để xử lý.

Theo ông Nghĩa, để phong trào thực hiện xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, trước hết địa phương phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, người dân hiểu mục đích xây dựng nông thôn mới trước hết là phục vụ dân, người dân hưởng lợi.

Do vậy, mỗi người dân phải tham gia một cách tích cực, không trông chờ ỷ lại Nhà nước. Khi địa phương triển khai công việc gì liên quan đến xây dựng nông thôn mới là phải có lợi cho dân, hiệu quả đó phải được dân nhìn thấy. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là các địa phương phải dựa vào điều kiện thực tế để thực hiện, làm đến đâu chắc đến đó.


Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Xây dựng nông thôn mới: Dấu ấn Nghĩa Đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO