Xây dựng sản phẩm du lịch đậm bản sắc xứ Nghệ
(Baonghean) - Để giải quyết bài toán sản phẩm du lịch, thời gian qua, Nghệ An đã tổ chức nhiều cuộc xúc tiến, quảng bá nhằm thu nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhờ đó đã có nhiều góp ý chân thành, gợi mở nhiều giải pháp để du lịch Nghệ An phát triển bền vững.
Phát triển khu nghỉ dưỡng biển cao cấp
Vùng biển Nghệ An có bờ biển trải dài trên 82 km với bờ biển dài, phẳng với nhiều bãi tắm đẹp, cát trắng, nước trong, có độ mặn vừa phải, môi trường trong lành, thuận tiện cho phát triển loại hình tour du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển. Biển Nghệ An với môi trường trong lành, phong cảnh tự nhiên đẹp, hệ động, thực vật biển phong phú… cũng là nguồn tài nguyên tiềm năng để khai phá và phát triển vững mạnh du lịch biển
Để khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch biển, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng: Nghệ An cần lấy Kim Liên và du lịch biển làm hạt nhân để từ đó lan tỏa. Với du lịch biển, Nghệ An phải có thêm những khu nghỉ dưỡng biển cao cấp, đặc thù ở Cửa Lò, Cửa Hội, Bãi Lữ... hướng tới phục vụ những đối tượng khách lưu trú dài ngày và có mức chi tiêu cao.
Nghệ An đang lãng phí du lịch biển mùa Đông. Ở các nước phát triển, du khách tìm đến biển không đơn thuần chỉ để tắm hay thưởng thức hải sản mà còn để khám phá không gian biển. Do đó, du lịch biển Nghệ An cần phải làm mới mình hơn, hấp dẫn hơn, có thêm các dịch vụ vui chơi giải trí. Muốn làm được điều này các khách sạn, khu nghỉ dưỡng phải đầu tư, và không phải chỉ là một đơn vị mà phải nhiều đơn vị cùng vào cuộc, cùng triển khai. Các cấp chính quyền cần có chính sách thúc đẩy; tuyên truyền mạnh mẽ thay đổi tư duy người làm du lịch để du lịch biển phát triển vào mùa Đông.
Quan tâm đến du lịch văn hóa, ẩm thực
Hiện nay Nghệ An có 1.395 di tích đã được kiểm kê, phân cấp quản lý, trong đó có 375 di tích, danh thắng được xếp hạng, gồm 3 di tích Quốc gia đặc biệt, 137 di tích Quốc gia và 235 di tích cấp tỉnh. Đây chính là tài nguyên sẵn có để Nghệ An có thể khai thác phát triển du lịch.
Theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Di tích lịch sử văn hóa ở Nghệ An rất nhiều nhưng không phải di tích nào chúng ta cũng khai thác mà hãy tập trung vào trọng điểm - tập trung vào điểm đến mà ai cũng biết, đó là Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Nghệ An cần chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch ngay tại Kim Liên. Một ví dụ đó là xây dựng du lịch cộng đồng để du khách có thể tìm kiếm những giá trị văn hóa của một làng quê đặc biệt của vùng Bắc Trung Bộ “đậm chất Nghệ”, tìm hiểu các giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của dân ca ví, giặm.
Ông Vũ Thế Bình cũng nêu rõ: Nghệ An cần xác định rõ tiềm năng của mình để xác định đối tượng khách du lịch. Du khách đến với Nghệ An phần lớn là du khách nội địa. Đặc tính của người Việt Nam mình là ưa khám phá ẩm thực và sản phẩm sẵn có. Vậy nên chúng ta phải chú ý đến điều này để phát triển theo hướng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Liên quan đến các sản phẩm du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Thoa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam cho rằng: “Hiện Nghệ An khá đa dạng, phong phú về sản phẩm du lịch từ nông nghiệp. Đó là nông sản tươi sống, nông sản chế biến, thảo dược, đồ lưu niệm - nội thất -trang trí từ mây tre đan. Câu chuyện bây giờ là Nghệ An cần phát triển thương hiệu hơn nữa”... Còn tiến sĩ Ando Katsuhiro - Đại học Nữ Chiêu Hòa, chuyên gia JICA tại Việt Nam thì cho rằng: “Có những sản phẩm nông sản - du lịch quà tặng tốt rồi thì Nghệ An cần tiếp tục đẩy mạnh, quảng bá bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần chăm lo chất lượng, mẫu mã sản phẩm và đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Hướng tới tầm nhìn ASEAN, quốc tế
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Nghệ An có vị trí đặc biệt, là trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên hiện nay, du lịch Nghệ An chưa phát huy tốt tiềm năng lợi thế trung tâm của mình. Ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng: Nghệ An cần xây dựng các chuỗi, gói sản phẩm du lịch trong đó có sự kết nối giữa các vùng miền như Thanh Hóa, Hà Tĩnh để từ đó tạo thuận lợi cho du khách, tăng tính cạnh tranh. Hiện tại chúng ta vẫn chưa định hình ra những tuyến du lịch nào cụ thể từ Nghệ An và kết nối với các vùng khác... Để làm tốt chức năng của trung tâm vùng, Nghệ An cần giữ vững các đường bay nội địa, mở thêm đường bay quốc tế. Hiện nay, nhu cầu du lịch nước ngoài của chính người dân Nghệ An cũng rất nhiều. Có đường bay quốc tế thì mới có du khách quốc tế, bởi thực tế các sản phẩm du lịch ở Việt Nam có nhiều nét tương đồng nhau và Nghệ An chưa phải là lựa chọn tốt nhất.
Liên quan đến phát huy hiệu quả đường bay, nhà báo Hàn Quốc Kim Seok Moo, kiến nghị: Ở Việt Nam, Đà Nẵng là một địa điểm được rất đông du khách Hàn Quốc lựa chọn đến du lịch vì cảnh sắc đẹp, giá cả rẻ. Nghệ An cần có biện pháp thu hút, khai thác đường bay Vinh - Đà Nẵng để đưa du khách Hàn Quốc về địa phương mình. Điều này tức là Nghệ An cần tăng cường hoạt động quảng bá nhiều hơn ở tại các điểm có đường bay gắn với thành phố Vinh.
Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành du lịch Việt Nam nêu ý kiến: Hiện nay, Nghệ An đã phát triển du lịch cộng đồng ở Con Cuông. Song chúng ta cần phải nhìn xa hơn, đó là tuyến Quốc lộ 7 nối sang Lào. Đây là một trục đường tốt, huyết mạch của ASEAN. Việc phát triển du lịch dọc theo Quốc lộ 7 sẽ giúp cho Nghệ An có thêm “tài sản” mới đó là Cánh đồng Chum, các điểm du lịch của Xiêng Khoảng (Lào). Quốc lộ 7 là con đường thuận lợi để du khách quốc tế về với Nghệ An.
Đời sống kinh tế phát triển, sắp tới, nhu cầu du lịch gia đình sẽ tăng. Mỗi gia đình một ô tô du lịch tự túc thì Quốc lộ 7 chính là cánh cửa mở ra đối với du khách ASEAN. Các sản phẩm du lịch trên con đường này chính là Vườn Quốc gia Pù Mát - Du lịch Cộng đồng Con Cuông - Kim Liên - Vinh - Cửa Lò, Cánh đồng hoa Hướng dương...