Xã hội

Xây dựng thương hiệu cho lễ hội truyền thống ở Nghệ An

Minh Quân 16/02/2025 10:10

Trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ, các lễ hội truyền thống không chỉ là di sản văn hóa quý báu của dân tộc mà còn là “tấm gương” phản ánh những biến chuyển trong đời sống tâm linh, xã hội và kinh tế của cộng đồng. Trên địa bàn Nghệ An, các lễ hội truyền thống đang phải đối mặt với thách thức lớn giữa yêu cầu bảo tồn giá trị cốt lõi và áp lực của sự đổi mới, thương mại hóa.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Tăng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam).

P.V: Là người gắn bó với công tác nghiên cứu di sản, ông nhìn nhận thế nào về ý nghĩa của lễ hội truyền thống trong đời sống văn hóa của đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng?

Ông Nguyễn Đức Tăng: Lễ hội truyền thống vốn là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn liền với lịch sử, tín ngưỡng và truyền thống của từng vùng, miền. Chúng không chỉ là dịp để cộng đồng sum họp, tôn vinh những giá trị tâm linh mà còn là “kho báu” lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Các lễ hội được hình thành từ những mối quan hệ sâu sắc giữa con người với thiên nhiên, thần linh với nhau – điều này thể hiện qua các nghi thức, phong tục, tục lệ đặc trưng của địa phương.

Khi tham gia lễ hội, người dân không chỉ thực hiện những hành động ứng xử văn hóa, thể hiện giá trị “Chân - Thiện - Mỹ” trong giao tiếp và hành động hàng ngày mà còn khẳng định niềm tin, lòng tự hào dân tộc và sự gắn kết với cộng đồng.

Ở thời đại hiện nay, khi xã hội không ngừng biến đổi và hội nhập sâu rộng, lễ hội truyền thống còn mang ý nghĩa như một “cầu nối” giữa quá khứ và hiện tại, giúp chúng ta nhớ về nguồn cội và tự hào giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc ra quốc tế.

Lễ hội Vua Mai
Chương trình văn nghệ tại lễ khai mạc Lễ hội Vua Mai năm 2024. Ảnh: Minh Quân

Qua nghiên cứu, thống kê cho thấy, toàn tỉnh Nghệ An có gần 80 lễ hội truyền thống, trong đó, nhiều lễ hội lớn không chỉ lưu giữ những ký ức có giá trị lịch sử mà còn chứa đựng những huyền thoại linh thiêng, gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của địa phương cũng như của cả dân tộc. Có thể kể đến những lễ hội gắn liền với tên tuổi của các anh hùng có công với dân, với nước như Thục Phán An Dương, Uy Minh vương Lý Nhật Quang, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Cương Quốc công Nguyễn Xí, Vua Lê Thái Tổ, Tướng quân Phan Đà…

Bên cạnh đó, do Nghệ An là nơi giao thoa của 6 dân tộc chính, mỗi vùng, miền lại có những lễ hội truyền thống đặc sắc riêng. Ở những vùng đồng bằng, nơi mà các làng, xóm chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, sinh hoạt văn hóa lễ hội luôn là nhu cầu không thể thiếu gắn bó qua bao đời. Điển hình là Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên), Lễ hội Đền Quả Sơn (huyện Đô Lương), Lễ hội Đền Cuông (huyện Diễn Châu), Lễ hội Đền Chùa Gám, Lễ hội Đền Đức Hoàng (huyện Yên Thành), Lễ hội Đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương). Ở vùng biển, Lễ hội Đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), Lễ hội Phúc Lục Ngoạt và Lễ hội Đền Mai Bảng (thành phố Vinh) đều mang nét riêng biệt.

Còn ở các khu vực có nhiều dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An, các lễ hội như Lễ đón tiếng sấm của đồng bào dân tộc Ơ Đu (huyện Tương Dương), Lễ hội Hang Bua (huyện Quỳ Châu), Lễ hội Đền Chín Gian (huyện Quế Phong), Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu (huyện Kỳ Sơn) và Lễ hội Bươn Xao (huyện Tân Kỳ) vẫn được bảo lưu và phát huy, phản ánh đậm nét tập tục, tín ngưỡng sinh hoạt của cộng đồng.

Hiện nay, ở Nghệ An có 9 di sản lễ hội đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm: Lễ hội Đền Chín Gian (huyện Quế Phong), Lễ hội Đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), Lễ hội Đền Thanh Liệt (huyện Hưng Nguyên), Lễ hội Đền Quả Sơn (huyện Đô Lương), Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên), Lễ hội Đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương), Lễ Xăng khan của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An, Lễ hội Đền Yên Lương (TP. Vinh), Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan (huyện Đô Lương).

P.V: Trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hóa, ông nhận thấy những xu hướng nào đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các lễ hội truyền thống tại Nghệ An?

Ông Nguyễn Đức Tăng: Cũng như nhiều địa phương khác, các lễ hội truyền thống hiện nay ở Nghệ An đang trải qua những biến đổi mạnh mẽ theo 4 xu hướng chính. Trước hết là xu hướng xã hội hóa, cộng đồng hóa và trải nghiệm cá nhân hóa. Trước đây, lễ hội chủ yếu là sự kiện của cộng đồng địa phương, tổ chức theo những quy chuẩn, nghi thức cố định của “làng quê”.

Tuy nhiên, với sự phát triển của du lịch và truyền thông, ngày càng có nhiều đối tượng khách từ khắp nơi trong cả nước lẫn quốc tế tham gia. Điều này không chỉ gia tăng các mối quan hệ xã hội mới mà còn chuyển hóa lễ hội từ hình thức truyền thống thuần túy sang trải nghiệm đa chiều, cá nhân hóa. Du khách đến đây không chỉ để khơi gợi niềm tin tín ngưỡng mà còn để thưởng thức trải nghiệm văn hóa qua ẩm thực, trò chơi dân gian và cảnh sắc thiên nhiên.

Bên cạnh đó là xu hướng đổi mới, cách tân hóa. Khi nhu cầu của khán giả và khách du lịch ngày càng đa dạng, nhiều địa phương đã có những sáng kiến trong việc đổi mới các nghi thức, kịch bản tổ chức lễ hội. Công nghệ hiện đại được áp dụng như sử dụng đèn led, laze, âm thanh kỹ thuật cao để làm mới không gian tổ chức lễ hội.

Ngoài ra là xu hướng khuyếch trương và đa dạng hóa. Với sức lan tỏa của truyền thông và sự phát triển của du lịch lễ hội, các sự kiện văn hóa tại Nghệ An ngày càng có quy mô rộng lớn hơn, thu hút đông đảo du khách và các nhà nghiên cứu văn hóa. Không chỉ dừng lại ở hình thức truyền thống, lễ hội còn được mở rộng với nhiều hoạt động phụ trợ như triển lãm, hội chợ ẩm thực, giao lưu văn nghệ…

Tất cả, góp phần tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng, phong phú, thể hiện rõ sức sống của văn hóa truyền thống trong thời đại mới. Cuối cùng là xu hướng kinh tế hóa – thương mại hóa, khi mà sự phát triển của du lịch lễ hội đã tạo ra động lực kinh tế cho nhiều địa phương, góp phần giải quyết việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng.

P.V: Theo ông, trong quá trình bảo tồn và phát triển lễ hội truyền thống, những thách thức lớn nhất hiện nay là gì?

Ông Nguyễn Đức Tăng: Chúng ta đang đứng trước ngã rẽ quan trọng của sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Một trong những thách thức lớn nhất mà các lễ hội truyền thống phải đối mặt hiện nay chính là sự xâm lấn của thương mại hóa. Khi du lịch phát triển, nhiều lễ hội dần biến thành “sản phẩm” thương mại, làm lu mờ giá trị tâm linh và văn hóa. Những cảnh chen lấn, xô đẩy, cùng các hành vi gian lận như bán hàng kém chất lượng, ép giá,… không chỉ làm mất đi không khí trang nghiêm của lễ hội mà còn khiến cộng đồng mất dần niềm tin vào những giá trị truyền thống.

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt dữ liệu nghiên cứu và truyền thống chân thực cũng là một vấn đề nan giải. Nhiều di tích và lễ hội truyền thống ở Nghệ An từng bị lãng quên hoặc bị hủy hoại do chiến tranh, thiên tai, khiến cho công tác thu thập, nghiên cứu và khôi phục những nghi thức, tục lệ ban đầu gặp nhiều khó khăn. Kết quả là một số lễ hội “phục dựng” lại không còn giữ được hồn cốt, trở nên nhàm chán và thiếu sức hút đối với cộng đồng.

Ngoài ra, mâu thuẫn giữa đổi mới và bảo tồn cũng là một thách thức lớn. Đổi mới là cần thiết để phù hợp với thời đại, nhưng nếu không cân bằng, nó có thể khiến lễ hội mất đi bản sắc truyền thống. Nhiều lễ hội khi áp dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng trở nên “khập khiễng”, thiếu sự hài hòa, từ đó làm giảmtính trang nghiêm, tinh thần và sự gắn kết của nghi lễ.

P.V: Ông có thể chia sẻ thêm về những kinh nghiệm thành công trong việc tổ chức và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống tại Nghệ An, cũng như một số bài học rút ra từ thực tiễn ở các địa phương khác?

Ông Nguyễn Đức Tăng: Trong quá trình nghiên cứu và theo dõi hoạt động của nhiều lễ hội truyền thống ở Nghệ An cũng như các địa phương khác, chúng tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm quý báu. Trước hết là tinh thần “quốc gia hóa” và mở cửa hội nhập. Một số lễ hội truyền thống đã có những bước tiến vượt bậc khi mở rộng quy mô, thu hút khách tham dự không chỉ từ địa phương mà còn từ khắp nơi trong cả nước. Ví như Lễ hội Đền Cờn, Lễ hội Đền Quả Sơn… không chỉ là dịp để cư dân địa phương tôn vinh giá trị tâm linh mà còn trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn nhờ vào việc giới thiệu nét đẹp của cảnh sắc, ẩm thực và phong cách sống bản địa. Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại tại đây đã tạo nên một “sự kiện” văn hóa đặc sắc, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Nghệ An.

Lễ rước thần Uy Minh Vương Lý Nhật Quang lên tạ ơn Bà Bụt ở chùa Bà Bụt tại Lễ hội Đền Quả Sơn năm 2024
Lễ rước thần Uy Minh Vương Lý Nhật Quang lên tạ ơn Bà Bụt ở chùa Bà Bụt tại Lễ hội Đền Quả Sơn năm 2024. Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó là việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động của lễ hội. Các lễ hội thành công là những lễ hội mà trong đó cộng đồng địa phương luôn là trung tâm. Khi người dân được tham gia vào quá trình lên ý tưởng, tổ chức và thực hiện các hoạt động lễ hội, họ không chỉ cảm thấy tự hào mà còn có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị của lễ hội. Sự tham gia chủ động của cộng đồng giúp tạo nên một bầu không khí “ấm cúng”, gắn kết và bền vững, tránh được hiện tượng “một lần đến, một lần đi” của du khách.

Ngoài ra, việc xây dựng hình ảnh đặc trưng và định vị thương hiệu cho từng lễ hội là yếu tố then chốt trong phát triển du lịch văn hóa. Một lễ hội có thương hiệu rõ ràng không chỉ thu hút khách tham quan mà còn tạo điều kiện liên kết với các hoạt động kinh tế – du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, thương hiệu này phải được xây dựng trên nền tảng giá trị văn hóa cốt lõi, tránh lấn át bởi những yếu tố “trào phúng” hay thương mại hóa quá mức.

Ông Nguyễn Đức Tăng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam). Ảnh: NVCC

Một lễ hội có thương hiệu rõ ràng không chỉ thu hút khách tham quan mà còn tạo điều kiện liên kết với các hoạt động kinh tế – du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Nguyễn Đức Tăng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam).

P.V: Thưa ông, ông mong muốn điều gì cho tương lai của các lễ hội truyền thống tại Nghệ An và trên toàn quốc, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay?

Ông Nguyễn Đức Tăng: Tôi tin rằng, lễ hội truyền thống luôn có sức sống mãnh liệt khi chúng ta biết trân trọng và gìn giữ những giá trị cốt lõi của chúng. Trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hóa, nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là bảo tồn di sản văn hóa mà còn phải biết cách “làm mới” nó để phù hợp với nhu cầu của thời đại. Mong rằng, trong tương lai, các lễ hội truyền thống tại Nghệ An và trên toàn quốc sẽ được tổ chức một cách chuyên nghiệp, có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, không chỉ phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân mà còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế – du lịch của địa phương.

Tôi mong muốn rằng, người dân, nhất là thế hệ trẻ, sẽ được trang bị kiến thức về giá trị văn hóa truyền thống, hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy lễ hội như một di sản quý báu của dân tộc.

Một hoạt động tại Lễ hội Đền Cờn. Ảnh: tư liệu
Một hoạt động tại Lễ hội Đền Cờn. Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức văn hóa cần có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát triển lễ hội, đảm bảo rằng, các hoạt động này luôn được tổ chức theo chuẩn mực văn hóa và có hiệu quả kinh tế tích cực. Mỗi lễ hội truyền thống cần được định vị và xây dựng thương hiệu riêng, trở thành “điểm nhấn” văn hóa, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi về với xứ Nghệ.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mới nhất

x
Xây dựng thương hiệu cho lễ hội truyền thống ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO