Xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề

02/05/2014 14:12

(Baonghean) - Phát triển làng nghề truyền thống là điều kiện tốt để phát triển du lịch. Trong tổng thể phát triển du lịch của Nghệ An, việc kết nối danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử và du lịch làng nghề truyền thống sẽ góp phần làm cho sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn hơn...

Chúng tôi ngược theo Quốc lộ 46 theo lời gọi mời hấp dẫn của câu dân ca “Ai về ăn nhút Thanh Chương/ Dừng chân nếm thử vị tương Nam Đàn”. Không biết tự bao giờ, màu vàng sánh ngọt thơm của thứ nước chấm giản dị ấy đã gắn bó với mảnh đất này, làm nên những giá trị văn hóa và sức hấp dẫn khó cưỡng lại. Trải qua nhiều nỗ lực khẳng định, năm 2009, làng nghề tương truyền thống Nam Đàn đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận, thu hút khoảng 250 hộ dân trực tiếp sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động trên toàn huyện. Doanh thu bình quân khoảng 22,5 tỷ đồng mỗi năm.

Có mặt tại cơ sở sản xuất của ông Phạm Hải Đường ở khối Phan Bội Châu, Thị trấn Nam Đàn - một trong những nơi sản xuất tương lớn nhất trong làng nghề. Ông Đường đồng thời cũng là chủ nhiệm làng nghề, là thế hệ thứ 4 trong gia đình có truyền thống làm tương theo đúng phương thức thủ công. Bằng sự năng động của mình, những chai tương của gia đình ông đã vươn ra thị trường ngoại tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, Hà Nội... Năm 2013, cơ sở của gia đình ông Đường đã bán ra thị trường 25.000 lít nước tương, mang lại lợi nhuận bình quân hơn 150 triệu đồng. “Sản phẩm tương của cơ sở chủ yếu phân phối qua kênh đại lý, lớn nhất là các đại lý ở Kim Liên (Nam Đàn), TP. Vinh và lượng tiêu thụ đạt cao điểm trong mùa du lịch vào dịp hè. Trong năm 2013, đoàn khách du lịch Singapore về thăm quê Bác đã dùng thử tương Nam Đàn và họ rất thích. Sau khi về nước, thông qua một công ty vận tải ở Hà Nội, những vị khách đặc biệt ấy đã hợp đồng với làng nghề xuất khẩu được 700 lít tương sang “đảo quốc sư tử”, ông Đường hồ hởi chia sẻ. Tuy nhiên, qua trao đổi với các hộ dân làng nghề và đại diện Phòng Công Thương Nam Đàn, muốn cho tương Nam Đàn thực sự phát triển mạnh thì cần một thương hiệu tập thể.

Sản phẩm tương Nam Đàn.
Sản phẩm tương Nam Đàn.

Nghệ An - mảnh đất địa linh nhân kiệt không chỉ cuốn hút du khách với những di tích lịch sử - văn hóa, những miền đất trù phú giàu truyền thống, mà còn hấp dẫn bởi những sản phẩm du lịch làng nghề đậm đà bản sắc.

Tại cơ sở sản xuất nước mắm Võ Kim ở phường Nghi Hải, công nhân đang tỷ mẩn chắt lọc những giọt nước mắm thơm phức, mặn mòi vị biển vào chai. Võ Kim là sản phẩm nước mắm nức tiếng gần xa và có vị trí nhất định trong lòng du khách mỗi khi đến Cửa Lò. Anh Hoàng Văn Võ, chủ cơ sở chia sẻ: “Vào mùa du lịch, nhiều du khách đi theo xe điện vào mua hàng ngay tận cơ sở. Còn thời gian trong năm, du khách ở Hà Nội và các địa phương khác từng dùng sản phẩm nước mắm của cơ sở gọi điện về đặt hàng và chúng tôi sẽ gửi sản phẩm đến tận nhà cho khách hàng”. Không chỉ riêng cơ sở Võ Kim, niềm vui khi sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận còn đến với đông đảo bà con làng nghề khi cuối năm 2013, thương hiệu nước mắm Hải Giang I được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Ông Hoàng Đức Thương - Chủ nhiệm làng nghề phấn khởi: “Chi bộ khối Hải Giang I đã ra nghị quyết nhấn mạnh việc các hộ dân làm nghề phải có trách nhiệm giám sát, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Đồng thời nghiêm cấm việc sử dụng các hóa chất để sản xuất nước mắm, phải đảm bảo nước mắm được chắt lọc từ quá trình ủ chín cá tự nhiên”.

Ngoài các sản phẩm trên, làng nghề truyền thống ở Nghệ An còn khẳng định được nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn với du khách như thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái ở Hoa Tiến (Châu Tiến, Quỳ Châu), nước mắm Quỳnh Dị (Quỳnh Lưu)… Những kết quả trên cũng thể hiện sức sống mạnh mẽ và hiệu quả thực tế khi Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về “Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 -2020” đi vào cuộc sống. Nghị quyết định hướng, trên địa bàn tỉnh Nghệ An phấn đấu nâng giá trị sản xuất ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nông thôn đạt trên 3.500 tỷ đồng, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 18 triệu USD, xây dựng tổng số làng nghề đạt 150 làng vào năm 2015 và 180 - 200 làng vào cuối năm 2020. Thực hiện nghị quyết, tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đáp ứng nhu cầu phát triển của làng nghề. Vì vậy, theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, đến cuối 2013, toàn tỉnh đã có 126 làng nghề, giá trị sản xuất đạt 3.000 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt 16 triệu USD.

Theo đánh giá của đồng chí Trần Văn Huy - Trưởng Phòng tư vấn chính sách Liên minh HTX Nghệ An thì, mặc dù các làng nghề trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, song các sản phẩm làng nghề hướng đến du lịch ở Nghệ An lại còn nghèo nàn, chưa có sản phẩm mang tính đặc trưng. Nguyên nhân chính vẫn là do chất lượng, mẫu mã và đặc biệt là khâu quảng bá cho các sản phẩm còn hạn chế.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Đình Hường - Chủ tịch Liên minh HTX Nghệ An khẳng định: “Phát triển làng nghề gắn với du lịch là một hướng đi đúng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, trước hết, tỉnh cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Liên minh HTX, Sở Công Thương, Sở VHTT & DL, các ngành liên quan và đặc biệt là chính quyền các địa phương để đưa phát triển làng nghề gắn với du lịch, trở thành một nội dung trong chiến lược phát triển du lịch. Đồng thời, gắn chính sách đầu tư, bảo tồn và phát triển các ngành nghề với công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Trong các tour du lịch cũng cần xây dựng các điểm đến là các làng nghề truyền thống và đưa các sản phẩm làng nghề đến tại các địa điểm tham quan để giới thiệu với du khách”.

Thành Duy

Mới nhất

x
Xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO