Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Thiếu nguồn lực và nguy cơ "rớt" chuẩn
(Baonghean) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ lệ trường bậc phổ thông trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn từ 60 đến 65%. Những năm qua, các cấp, các ngành và các trường học trong tỉnh đã nỗ lực rất lớn để thực hiện, nhưng qua giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh thì chỉ tiêu này rất khó đạt.
Thiếu nguồn lực
Trường Mầm non Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn) được công nhận đạt chuẩn mức độ I năm học 2007 – 2008. Mặc dù nằm ở địa bàn vùng sâu, điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được nâng lên với hơn 80% cán bộ, giáo viên đạt trên chuẩn. Nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy và chăm sóc nuôi dưỡng các cháu. Công tác xã hội hóa được quan tâm theo kiểu “con nhà nghèo”, đó là huy động ngày công, nguyên, vật liệu của nhân dân để nâng cấp cơ sở vật chất, xây thêm phòng học, cổng trường, khuôn viên; góp cây xanh xây dựng vườn hoa, đảm bảo “xanh - sạch – đẹp”. Tương tự, ở Trường THCS Nghĩa Hoàn (huyện Tân Kỳ) được công nhận chuẩn năm 2007, nhà trường tiếp tục chú trọng chăm lo đầu tư cả về con người và cơ sở vật chất để giữ vững, phát huy danh hiệu trường đạt chuẩn. Tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn là 97,4%; 21/39 giáo viên đạt giáo viên giỏi huyện và có 3 giáo viên giỏi tỉnh. Chất lượng giáo dục của nhà trường nhiều năm nay liên tục giữ vững một trong những trường tốp đầu của huyện. Công tác xã hội hóa được quan tâm góp phần tạo bộ mặt cho nhà trường khang trang với 13 phòng học cao tầng và các phòng học thực hành, phòng vi tính, thư viện, truyền thống...
Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra phòng vi tính Trường THCS Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ). |
Mặc dù tỷ lệ trường đạt chuẩn hiện nay của tỉnh cao hơn so với bình quân chung của cả nước, tuy nhiên, soi vào chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt ra, theo các nhà quản lý thì rất khó đạt. Hiện tại, ngoài Thị xã Cửa Lò đạt 95,5% trường chuẩn, trong đó tỷ lệ trường đạt chuẩn mức độ II là 27,2%, thì tất cả các địa phương đều chưa đạt. Thông qua hoạt động giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh tại một số địa phương cho thấy, khó khăn nổi lên trong việc xây dựng trường chuẩn hiện nay là nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.
Nghĩa Đàn là một trong những đơn vị có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp, với 29/69 trường, đạt 37,68%. Nếu soi vào chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện và Đại hội Đảng bộ tỉnh thì từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2015, Nghĩa Đàn phải có thêm 13 trường đạt chuẩn nữa. Song, theo Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Võ Tiến Sỹ Phó thì: “Nếu cố gắng, từ nay đến cuối năm 2015, giỏi lắm cũng chỉ có thêm 8 trường”. Khó khăn lớn nhất hiện nay ở Nghĩa Đàn là thiếu nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất. Trước đây những trường ở các địa bàn có điều kiện thuận lợi để xây dựng trường đạt chuẩn thì nay đã chia tách thuộc Thị xã Thái Hòa. Mặt khác từ năm 2011 đến nay, khi chương trình kiên cố hóa trường, lớp học không còn triển khai thì địa phương cũng mất hẳn đi một nguồn đầu cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng trường chuẩn.
Bên cạnh đó, nguồn hỗ trợ xây dựng trường chuẩn theo chính sách của tỉnh hiện đang quá thấp, chỉ từ 60 đến 210 triệu đồng cho mỗi trường theo từng bậc học từ mầm non đến THPT, trong khi đó, để xây dựng trường chuẩn trên cơ sở nền tảng mà các trường đã có thì cần khoảng trên 1 tỷ đồng... Huyện có nhiều xã vùng sâu đặc biệt khó khăn, có một số xã mới được thành lập từ các nông, lâm trường; cơ sở vật chất nhiều trường học yếu kém, thiếu thốn; công tác xã hội hóa cực kỳ khó khăn thì việc xây dựng trường đạt chuẩn ở Nghĩa Đàn quả là khó để đạt chỉ tiêu. Cá biệt trên địa bàn huyện hiện có 4/25 xã chưa có một trường nào đạt chuẩn quốc gia.
Nguy cơ “rớt” chuẩn
Ngoài ra, các trường đã được công nhận chuẩn cũng đang thiếu nguồn để duy trì chuẩn về cơ sở vật chất. Trường THPT Cửa Lò là trường đầu tiên bậc THPT trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ năm 2004, nhưng theo báo cáo của Ban Giám hiệu nhà trường, hiện tại cơ sở vật chất được đầu tư trước đây đã xuống cấp. Một số hạng mục như các phòng học chức năng không còn đạt chuẩn và thiếu các phòng sinh hoạt của các tổ chuyên môn; nhà vệ sinh cho học sinh. Hay tại Trường THCS Nghĩa Hoàn đang trong tình trạng thiếu phòng hành chính, phòng hiệu phó, nhà vệ sinh, phòng bảo vệ và kể cả khuôn viên nhà trường theo yêu cầu chuẩn mới. Còn Trường Mầm non Nghĩa Lợi được công nhận chuẩn mức độ I vào năm 2007, nay công trình vệ sinh xuống cấp, hư hỏng. Bên cạnh đó, trường đang thiếu nhà ăn bán trú và diện tích khuôn viên nhà trường. Rất nhiều trường đang có nguy cơ “rớt” chuẩn.
Trường Mầm non Nghĩa Lợi được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2007, nay vẫn thiếu hệ thống nước rửa tay cho các cháu |
Việc bố trí biên chế theo định mức 1,2 giáo viên/lớp của tỉnh cũng đang gây khó khăn cho các trường xây dựng chuẩn, bởi để đạt chuẩn về đội ngũ, trước hết phải đảm bảo tỷ lệ đứng lớp là 1,4 giáo viên. Lâu nay, các trường xây dựng trường chuẩn đều phải huy động nguồn đóng góp từ phụ huynh để hợp đồng giáo viên nhưng không phải trường nào, địa phương nào cũng làm được, nhất là ở các vùng khó khăn. Thứ nữa, ở một số vùng, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nếu có nguồn thì cũng không có giáo viên dạy nhạc, Ngoại ngữ, Tin học để mà hợp đồng.
Xây dựng trường chuẩn quốc gia bậc phổ thông cần đảm bảo 5 chuẩn: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; công tác xã hội hóa giáo dục. Và mục đích và mục tiêu cuối cùng việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là nhằm tạo ra điều kiện tốt nhất để học sinh được thụ hưởng một môi trường giáo dục toàn diện trên cơ sở 5 chuẩn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII (nhiệm kỳ 2010 – 2015) đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 có 60 – 65% trường bậc phổ thông đạt chuẩn, thể hiện sự quan tâm, sự tâm huyết của Đảng bộ đối với sự phát triển giáo dục của tỉnh nhà. Trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã công nhận thêm 20 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 843 trường, đạt tỷ lệ 54,03%.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo, khẳng định: Lâu nay, các địa phương thường làm trường chuẩn theo cách “cuốn chiếu”, năm nay trường này, năm sau tập trung cho trường khác kiểu “con nhà nghèo”. Xét ở tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ, giáo viên và chất lượng giáo dục thì các trường có thể làm được, nhưng về cơ sở vật chất theo thời gian sẽ bị thụt lùi do khấu hao, xuống cấp, trong khi đó hàng năm không có nguồn để đầu tư liên tục. Đơn cử như bậc học mầm non, các công trình như nhà vệ sinh, bếp ăn đóng vai trò cực kỳ quan trọng nhưng hiện nay rất hạn chế. Trong điều kiện ngân sách của tỉnh khó khăn, nguồn lực đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn đang là gánh nặng. Và vấn đề nguồn lực nay trở thành yếu tố quan trọng quyết định trong xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các địa phương.
Riêng về định biên giáo viên, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Tỉnh chủ trương giao định biên cho các trường là 1,2 giáo viên/lớp nhằm tạo ra một khoản còn lại để hỗ trợ cho giáo viên tổ chức bán trú ăn trưa, đồng thời giảm gánh nặng biên chế kéo theo đó là gánh nặng ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, chủ trương này chỉ phù hợp với địa bàn thành phố, các trường tổ chức bán trú, còn ở các trường còn lại thì chưa thật hợp lý, ảnh hưởng đến việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, việc thay đổi các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục – Đào tạo, chuẩn sau cao hơn chuẩn trước như yêu cầu về phòng học thí nghiệm, dẫn đến nhiều trường vừa đạt chuẩn cũ thì chuẩn mới ra đời lại không đạt nữa, gây khó khăn cho việc xây dựng cũng như duy trì danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia.
Do đó, bên cạnh ưu tiên bố trí ngân sách, đầu tư bổ sung, sửa sang những hạng mục đã xuống cấp của những trường chuẩn quốc gia, Ngành Giáo dục – Đào tạo cũng cần hướng dẫn và tổ chức thẩm định để công nhận lại đạt chuẩn theo quy định, phát huy danh hiệu trường đạt chuẩn. Đồng thời, cần có giải pháp về nguồn lực để đầu tư xây dựng trường chuẩn, cần nâng mức hỗ trợ trường chuẩn; quan tâm lồng ghép nhiều chương trình, dự án để tạo ra nguồn lực cho trường chuẩn. Cùng với đó là tổ chức rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, nơi nào không phù hợp thì điều chỉnh để tránh lãng phí về cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư cho giáo dục, góp phần tăng tỷ lệ xây dựng trường chuẩn đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII đề ra.
Mai Hoa