Xây dựng vùng nguyên liệu mía bền vững ở Nhà máy đường Sông Con

24/05/2011 10:26

UBND tỉnh vừa phê duyệt bổ sung qui hoạch vùng nguyên liệu mía tại Anh Sơn và Thanh Chương cho Nhà máy đường Sông Con thêm 3000 ha. Như vậy, vùng nguyên liệu mía của nhà máy này trải rộng ở 5 huyện Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn, Yên Thành, Thanh Chương với tổng diện tích gần 10.000 ha.

UBND tỉnh vừa phê duyệt bổ sung qui hoạch vùng nguyên liệu mía tại Anh Sơn và Thanh Chương cho Nhà máy đường Sông Con thêm 3000 ha. Như vậy, vùng nguyên liệu mía của nhà máy này trải rộng ở 5 huyện Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn, Yên Thành, Thanh Chương với tổng diện tích gần 10.000 ha.


Hai năm nay, người trồng mía vùng Tân Kỳ, Anh Sơn... rất phấn khởi vì giá đường tăng cao, theo đó giá mía cũng tăng và một tấn mía thu về 900.000 đồng. Giá ấy được Nhà máy đường Sông Con cam kết thu mua ổn định trong 3 năm liên tục từ 01/01/2011 đến 30/04/2013 bất kể thị trường thất thường.

Ngay như hiện tại giá đường đã xuống thấp hơn nhiều so với đầu vụ và nhiều nhà máy phía Nam cho rằng giá bán đường ở mức 17.000đồng/ kg là không có lãi bởi mía có nơi đã mua đến 1,3-1,4 triệu đồng/ tấn.

Nhưng Giám đốc Công ty CP mía đường Sông Con - ông Lê Đình Hoan cho rằng công ty đang trụ được, bởi không phải vay vốn ngân hàng trả tiền mía cho dân và công ty bán đường ở những thời điểm thích hợp.


Phun thuốc trừ rệp cho mía ở Tân Kỳ.

Bên cạnh đó, việc nâng công suất nhà máy đúng thời điểm từ 1.600 tấn mía / ngày lên 2.500 tấn mía ngày đã góp phần đưa kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty thành công. Đúng lúc thị trường đường khan hiếm thì công ty lại sản xuất được nhiều, nhập kho 21.792 tấn đường, vượt KH trên 4%.


Chúng tôi gặp ông Trần Quốc Dũng, xóm 2 Vĩnh Sơn- Anh Sơn ở Tân Kỳ khi ông đang cùng một số hộ đến Nhà máy đường Sông Con vay tiền về đầu tư cho mía. Ngạc nhiên bởi thấy nông dân Anh Sơn mà lại sản xuất mía cho Nhà máy đường Sông Con, được ông cho biết: Giá mía của Nhà máy đường Sông Con mua cao, nên 3 ha mía năng suất 80 tấn/ha, năm 2010 thu về 240 tấn, trừ chi phí, lãi gần 100 triệu đồng.

Ông Dũng cũng cho biết: trong xóm đã có 9 hộ trồng mía với diện tích 30 ha cho Nhà máy đường Sông Con và hộ nào cũng thu nhập khá. Đó cũng chính là một trong những lý do công ty được tỉnh qui hoạch thêm 3000 ha ở 2 huyện Thanh Chương, Anh Sơn đến năm 2015.


Không chỉ Anh Sơn, Yên Thành, năm qua nông dân trồng mía ở Tân Kỳ đã có một mùa mía bội thu. Như xã Giai Xuân, một xã vùng sâu vùng xa của Tân Kỳ đã sản xuất được 595,7 ha mía, thu về 27 tỷ đồng.

Nhiều nông dân bán cho nhà máy đường hàng trăm tấn mía. Như, ông Trương Văn Kiều ở xóm Xuân Tiến xã Giai Xuân, sản xuất được 185 tấn mía, thu về 166 triệu đồng; ông Trương Hải Hồ - xóm Kẻ Mui- Giai Xuân, bán được 214 tấn mía, thu về 192 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Khương xóm Long Thọ- Giai Xuân, bán được 140 tấn mía.

Nghĩa Đồng năm qua chuyển đổi đất lúa cao sang trồng mía cũng bội thu về sản lượng, cả xã thu về 12 tỷ đồng với 156 ha. Nhiều nông dân như bắt được vàng: ông Bùi Văn Thân xóm 11, sản xuất được 205 tấn mía; ông Tăng Tuấn Hà xóm 11, sản xuất được 156 tấn mía, ông Tạ Ngọc Hiền xóm 11 bán được 194 tấn mía... thu về hàng trăm triệu đồng. Nhiều nơi ở Tân Kỳ cây mía hiệu quả hơn các cây trồng như: lúa, ngô, lạc, dâu tằm...


Sự bền vững của diện tích mía ở Tân Kỳ là kết quả của sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp chính quyền cùng nhà máy. Từ nghị quyết của huyện, đến việc thực hiện nghị quyết, đề án về cây mía, chiến lược vùng nguyên liệu đến 2015 của nhà máy, chính sách đầu tư, thu mua thỏa đáng... đã khích lệ bà con, đội ngũ nông vụ, khuyến nông, bảo vệ thực vật cùng chăm cho cây mía. Cùng với đó, nhà máy có chính sách thu mua ổn định, thông báo đầu vụ, ép mía kịp thời sau khi chặt do nhà máy được nâng công suất... đã giúp cho người trồng mía yên tâm sản xuất.


Hiện nay, Công ty mía đường Sông Con đang phấn đấu sản xuất kinh doanh đa ngành, đa nghề (đường, mật rỉ, phân bón, lai tạo giống...) với mũi nhọn chủ lực là cây mía. Công ty cũng xác định việc đổi mới công nghệ và nâng công suất mía là một ưu tiên hàng đầu; tiếp tục nâng công suất ép mía lên 5000 tấn mía/ ngày.

Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của nhiều loại cây trồng thì việc xây dựng bền vững của vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường Sông Con là một hướng đi đúng trên con đường sản xuất chuyên nghiệp, hiện đại, làm giàu không chỉ cho nhà máy.


Châu Lan

Mới nhất

x
Xây dựng vùng nguyên liệu mía bền vững ở Nhà máy đường Sông Con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO