"Xây tường cao", "mở cửa rộng"
(Baonghean) - Bây giờ, mỗi lần báo chí lần lượt công bố những sự thật về sự lệ thuộc nền kinh tế Trung Quốc, nhiều người không khỏi cảm cảm giác bị “choáng”. Những thông tin như: Các công trình xây dựng thủy điện, giao thông, nhà máy xi măng... doanh nghiệp Trung Quốc nếu đã vào là thắng thầu; Nguyên phụ liệu sản phẩm dệt may, hiện đang dựa hẳn vào Trung Quốc; đầu ra sản phẩm nông, lâm sản, thủy, hải sản, khoáng sản cũng chủ yếu qua cửa khẩu Trung Quốc... Trong đó, các “mức lệ thuộc” đưa ra đều vào các khoảng 70%, 80%, thậm chí trên 90%. Đó là chưa thống kê hết những giao thương qua các đường tiểu ngạch, không chính thức.
Đầu ra sản phẩm nông, lâm sản, thủy, hải sản, khoáng sản cũng chủ yếu qua cửa khẩu Trung Quốc. Trong ảnh: Hàng nghìn chiếc xe chở nông sản, nối đuôi nhau hàng chục km ở Cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng, Lạng Sơn), chờ được xuất cảnh vào ngày 25/3. Ảnh minh họa: PLO |
Không còn phải giấu giếm gì nữa, lúc này buộc lòng chúng ta phải thừa nhận sự thật rằng nền kinh tế của chúng ta trong một thời gian dài đã bị trượt dài, lún sâu và ngày càng bị hút chặt vào quỹ đạo lệ thuộc nền kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho chúng ta bây giờ là sau khi đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, cần tiếp tục tỏ rõ bản lĩnh và phải thật sự mưu trí để tìm ra con đường thoát khỏi sự lệ thuộc - chừng mực nào đó đồng nghĩa với tư tưởng “thoát Trung” về kinh tế. Đây là câu chuyện không hề đơn giản, không phải ngày một ngày hai, và đương nhiên là phải chấp nhận cả những khó khăn, thiệt hại không nhỏ. Từ đó, không thể không thực hiện việc cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng tự chủ thực sự nếu chúng ta muốn phát triển bền vững.
Không những thế, chúng ta còn phải hết sức tỉnh táo để tránh tình trạng “họa vô đơn chí”, tránh tiếp tục sa vào các kịch bản mới không mấy tốt đẹp mà rất có thể kẻ xấu đã lập trình sẵn để hủy hoại sức sản xuất, gây “ô nhiễm môi trường kinh doanh”, làm suy yếu nền kinh tế để mục tiêu cuối cùng của chúng vẫn là bắt chúng ta phải hoạt động trong quỹ đạo chi phối, chịu sự lệ thuộc. Việc chúng ta phải bỏ ra kha khá kinh phí để bồi thường, bù đắp thiệt hại cho những doanh nghiệp bị một số “người biểu tình” đập phá, gây hư hại, thiệt hại ở các khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh... là bài học lớn. Nhưng xét ở chiều cạnh khác, thực ra đó cũng mới chỉ là câu chuyện nhỏ. Rất có thể, điều đáng sợ hơn vẫn là hiện tượng tự diễn biến, tự lung lạc, tạm thời coi như mất phương hướng đối với không ít ngành, nghề vốn đang là thế mạnh, là trọng tâm, trọng điểm của nhiều vùng, miền. Nếu không kịp thời có định hướng, giải pháp tháo gỡ khỏi tình trạng một số ngành, nghề đang bước đi “loạng choạng”, thì những vực thẳm thua thiệt, những hố sâu thất bại, có thể đã ở rất gần.
Vì vậy, việc cần kíp hiện nay là kịp thời đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan, có định hướng đúng đắn đối với những gì đã và đang diễn ra. Trong đó, cần giải đáp ngay những câu hỏi bức thiết hiện nay như: Liệu “thoát Trung” có phải là khi Trung Quốc không còn mua gạo, thì chúng ta ra sức phá bỏ cây lúa? Phía Trung Quốc không còn mua mủ cao su, thì chúng ta đồng loạt chặt cây cao su? Trung Quốc không mua khoáng sản, thì chúng ta bỏ hầm mỏ? Người Trung Quốc “bế quan tỏa cảng” nguyên phụ liệu dệt may thì chúng ta dừng hoạt động dệt may?... Liệu đó là “thoát Trung”, hay đang dấn sâu vào một quỹ đạo bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc nhưng theo chiều hướng khác?
Phải chẳng, nếu lần trước họ vào nhà ta lấy gạo củi của ta nấu cơm, rồi xúc nồi cơm của ta đem về, thì lần này họ chỉ việc ung dung “rút củi đáy nồi”. Còn chúng ta lâu nay vốn lệ thuộc giờ lúng túng, rồi để cho nồi cơm bị sống, bị nhão; rồi chính chúng ta đang tự tay mình hất đổ đi nồi cơm của mình trong khi mình đang cần cơm? Điều này không chỉ người lao động, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúng túng, mà cả những cấp lãnh đạo, quản lý cũng tỏ rõ sự bị động.
Vẫn biết mọi sự tồn tại đều có căn nguyên, nhưng những hoạt động tự chặt phá cây cối, tự hủy hoại môi trường kinh doanh, sản xuất, thật chẳng khác gì chúng ta lại đang “nhắm mắt đưa chân” để diễn theo những vai kịch, lớp kịch mà những soạn giả có mưu đồ phá hoại nền kinh tế Việt Nam đã biên soạn. Khi rơi sâu vào bối cảnh khó khăn như hiện nay, cũng là lúc chúng ta nhìn nhận rõ ràng hơn những khoảng trống trách nhiệm, khoảng trắng về vai trò của rất nhiều cấp, ngành trong hệ thống các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng vốn đang hoạt động bằng thuế đóng góp của người dân. Vai trò của nhiều cơ quan, nhiều tổ chức trong việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong một thời gian dài hoạt động như thế nào, cứ nhìn vào hiệu quả thì chắc sẽ thấy rõ.
Một vị giám đốc lâm trường bùi ngùi tâm sự: Cây keo chắc rồi sẽ khó, cây cao su không ngờ lại đang khổ, bởi cây keo chỉ bán gỗ dăm hoặc bột gỗ thô, cây cao su thì cũng chỉ bán mủ cốm - những sản phẩm xuất khẩu dạng chế biến thô kiểu này chỉ có thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi Trung Quốc đóng cửa, đương nhiên là phải nhìn sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ... Đáng buồn là trong khi những thị trường này vẫn đang rất cần các nguyên liệu từ sắt thép, gỗ, cao su, lúa gạo, thì ta không thể xuất sang họ vì họ không có như cầu nhập các nguyên liệu sơ chế, các nguyên liệu thô, chất lượng không cao. Thế là chúng ta rơi vào tình thế có nhu cầu chơi, có tiềm năng để nhập cuộc chơi ở các sân chơi khác, nhưng buộc phải nằm ngoài cuộc vì những tiềm năng chưa thể trở thành nguồn lực, lợi thế.
Buồn hơn nữa, chúng ta bị trở thành người ngoài cuộc đối với cuộc chơi diễn ra ngay chính trên sân nhà. Đó là khi vào một siêu thị, cửa hàng, thấy cơ man nào là hàng hóa từ sắt thép, nhôm, nhựa, cao su... chúng ta phải nhập khẩu với giá thành cao. Ấy vậy mà chúng ta vẫn chỉ khai thác nguyên liệu thô từ sắt, quặng bô xít, cao su mủ cốm, dăm gỗ... để bán với giá vô cùng rẻ mạt. Bi kịch hơn, hiện nay hoạt động tiêu thụ sản phẩm nhập khẩu từ sắt thép, nhôm nhựa, cao su, gỗ... vẫn cứ diễn ra rầm rộ. Vậy mà ngay cả đến việc bán nguyên liệu thô từ sắt thép, nhôm nhựa, cao su, gỗ do chúng ta sản xuất ra vẫn gặp khó?!
Từ những câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, nhưng vẫn gây sửng sốt bất ngờ như đã nói trên, buộc chúng ta nghĩ đến đổi mới tư duy theo hướng “xây tường cao, mở cửa lớn”. “Xây tường cao”, trước hết, là việc tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp, công nghệ chế biến, để không chỉ tinh chế các nguyên liệu nhằm hướng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ... mà còn khép kín quy trình sản xuất, chế biến “đầu - cuối” từ nguyên liệu đến sản phẩm hoàn thiện có thể cung ứng cho thị trường ngay trong nước.
Cùng với đó là việc “mở cửa rộng”, tức là mở rộng thị trường giao thương, hợp tác, thúc đẩy phát triển thương mại thực sự với tất cả các khu vực, các nền kinh tế. Thoát khỏi sự lệ thuộc, “xây tường cao” không có nghĩa là “bế quan tỏa cảng”, mà là đa dạng hóa các loại hình thị trường, cũng có nghĩa là tạo ra nhiều cơ hội làm ăn hơn. Và càng nhiều cơ hội hợp tác cùng phát triển, thì càng ít bị lệ thuộc, đó là lẽ đương nhiên. Như thế mới thực sự là con đường thoát khỏi sự lệ thuộc, con đường “thoát Trung” hợp xu thế. Và để mở con đường này, nói như một vị đại biểu Quốc hội, thì các cơ quan chức năng phải biết việc, nhân sự và chức trách được giao việc phải thạo việc, và quan trọng nhất vẫn là phải thực sự làm việc.
Ngô Kiên