Xét xử phúc thẩm công khai vụ Dương Tự Trọng và đồng phạm

22/05/2014 16:07

Sáng 22/5, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử công khai vụ án Dương Tự Trọng và các bị cáo khác bị Tòa án cấp sơ thẩm kết án về tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài," theo đơn kháng cáo của các bị cáo.

Bị cáo Dương Tự Trọng và đồng phạm trước vành móng ngựa. Ảnh: TTXVN
Bị cáo Dương Tự Trọng và đồng phạm trước vành móng ngựa. Ảnh: TTXVN

Tham gia Hội đồng xét xử gồm 3 Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao do Thẩm phán Hà Thị Xuyến làm chủ tọa. Một Kiểm sát viên cao cấp của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Trong buổi xét xử sáng nay, các luật sư đã có mặt để tham gia bào chữa cho 6 bị cáo có đơn kháng cáo. Tham gia phiên tòa có những người làm chứng.

Theo bản án sơ thẩm số 06/2014/HSST ngày 08/01/2014 của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, Hội đồng xét xử đã xử phạt các bị cáo trong vụ án này gồm: Dương Tự Trọng, sinh năm 1961, nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Tổng cục VII, Bộ Công an với 18 năm tù; Vũ Tiến Sơn, sinh năm 1966, nguyên Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hải Phòng, với 13 năm tù; Hoàng Văn Thắng, sinh năm 1970, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an thành phố Hải Phòng là 5 năm tù.

Các bị cáo Đồng Xuân Phong, sinh năm 1974, nguyên cán bộ Cục Hải quan thành phố Hải Phòng với 7 năm tù; Trần Văn Dũng (tức Dũng Bắc Kạn), sinh năm 1968, ở Hạ Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng là 8 năm tù; Nguyễn Trọng Ánh, sinh năm 1985, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hải Phòng với 6 năm tù; Phạm Minh Tuấn, sinh năm 1961, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng là 5 năm tù.

Sau khi xét xử sơ thẩm, 6/7 bị cáo đã làm đơn kháng cáo (riêng bị cáo Hoàng Văn Thắng không kháng cáo). Trong phiên xét xử sáng nay, Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm tra căn cước những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; giải thích quyền, nghĩa vụ của bị cáo, người làm chứng.

Tại phiên tòa vắng mặt một số người làm chứng được triệu tập tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã hỏi ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, luật sư, sau đó nghỉ hội ý và quyết định tiếp tục phiên tòa bởi, những người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa đã có lời khai tại cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm.

Các bị cáo khác khai chỉ thực hiện

Bị cáo Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự Xã hội, Công an TP Hải Phòng) là người đầu tiên được tòa xét hỏi. Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Sơn cho rằng, mình chỉ là người thực hiện.

Sơn khai: "Tôi coi anh Dương Chí Dũng như anh ruột nên việc gì tôi cũng giúp, anh Trọng nhờ tôi giữ bí mật. Sau đó tôi bàn với Đồng Xuân Phong, Phong nói sẽ bàn với Dũng “Bắc Kạn” để đưa anh Dương Chí Dũng đi trốn. Lúc đó, tôi mới biết Dũng “Bắc Kạn”.

“Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt vì tôi cũng là người thực hành giống như các bị cáo khác. Tôi khai báo thành khẩn. Thêm vào đó, bố tôi là người được thưởng huân chương kháng chiến chống Mỹ. Tôi mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để tôi sớm được trở về thắp hương cho bố”, Vũ Tiến Sơn nghẹn ngào, nói.

Bị cáo Đồng Xuân Phong khai, quen biết Dương Tự Trọng khoảng năm 2001 – 2002. Qua giới thiệu của Trọng, Phong mới quen biết Sơn.

Đồng Xuân Phong khai, ngày 18/5/2012, Dương Tự Trọng nói chuyện qua máy của Sơn, bảo mua vé đưa Dương Chí Dũng vào TP Hồ Chí Minh để sang Campuchia. Phong sang Campuchia với hộ chiếu giả, lo đặt vé cho Dương Chí Dũng đi Mỹ.

Phong cùng Dương Chí Dũng nhập cảnh sang Singapore, chia tay nhau tại sân bay. Sau đó, Phong được Sơn thông báo Dương Chí Dũng không đi Mỹ được, nhờ bị cáo sang lại Campuchia để lo cho Dương Chí Dũng.

Bản thân bị cáo và các bị cáo khác đều quan hệ tình cảm anh em, không vụ lợi. Thời điểm đấy, bị cáo không hề hay biết Dương Chí Dũng có lệnh truy nã, cũng không nghe nói gì, chỉ đến khi Dương Chí Dũng không đi Mỹ được thì bị cáo mới biết vụ việc - Đồng Xuân Phong nói.

Phong nói, không biết mình có lệnh truy nã. "Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét đến hoàn cảnh gia đình có công với cách mạng, ông bà, bác của bị cáo là liệt sỹ. Bị cáo không có gì vụ lợi, chỉ vì tình cảm anh em nên bị cáo phạm tội, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.

Bị cáo Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985, nguyên cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về Trật tự Xã hội - Công an TP Hải Phòng) khai: "Bị cáo không biết Dương Chí Dũng. Sáng 19/5, anh Trọng gọi bị cáo lên phòng làm việc. Bị cáo đưa Dũng từ Hải Phòng đi Quảng Ninh, đón Dũng đưa vào TP Hồ Chí Minh để trốn sang Campuchia. Bị cáo không biết anh Dũng bị khởi tố, sau này bị cáo mới biết".

"Thời gian ở trại 16 tháng, bị cáo bị khối u vòm họng, bố bị cáo bị hỏng mắt, mẹ thì ốm. Bị cáo không đối đầu pháp luật, bị cáo khai báo thành khẩn, bố mẹ bị cáo cũng có công với nhà nước được thưởng huân huy chương...".

HĐXX cho biết bố bị cáo Ánh cũng có đơn gửi HĐXX cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Trong thời gian HĐXX xét hỏi các bị cáo khác, Dương Tự Trọng ngồi dưới hàng ghế sau liên tục dùng tay gãi mặt.

"Tôi khóc suốt vì thương anh"

Đến 9h30, bị cáo Dương Tự Trọng được gọi lên xét hỏi. Cựu Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng đứng trước vành móng ngựa, xin phép HĐXX vài giây để tưởng niệm bố của bị cáo Vũ Tiến Sơn mới mất. Do bị cáo này đang xúc động, HĐXX cho ông ta ngồi xuống để lấy lại bình tĩnh, và chuyển sang xét hỏi bị cáo Phạm Minh Tuấn.

Đến lượt được xét hỏi, Dương Tự Trọng cho rằng, tham gia trong vụ án không như đánh giá của VKSND tối cao và tòa cấp sơ thẩm.

Bị cáo Trọng khai, mục đích trốn sang nước ngoài là của anh trai, nhưng vì thương anh nên bị cáo đã quyết định tổ chức cho anh trốn. Theo bị cáo: “Việc đánh giá chúng tôi tổ chức tinh vi là không đúng, bởi những người bị cáo nhờ vả đều quý như anh em ruột thịt, còn xét về tinh vi thì bị cáo có thể nhờ những anh em xã hội khác.

Việc đổi xe trong quá trình tổ chức cho Dương Chí Dũng vào Nam để đi sang Campuchia, theo bị cáo Trọn, là ý của bản thân. Còn Việc dùng sim rác để liên lạc là nghiệp vụ để tránh bị cơ quan điều tra nghe trộm.

Nhớ lại ngày Dương Chí Dũng thông báo sẽ bị bắt, bị cáo Trọng nói lúc đó rất thương anh trai mình. Vì thế, thời gian ở TP.HCM: "Tôi đã khóc suốt vì thương anh".

Nói về lý do xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo trình bày, truy tố bị cáo ở khoản 3 Điều 275 Tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép là không đúng. Cựu Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng bảo muốn xin cho anh em hơn là cho mình.

Quyết định sai lầm

Đến lượt tòa xét hỏi Dương Chí Dũng, bị cáo này thừa nhận quyết định trốn đi nước ngoài là của mình. “Dương Tự Trọng vì thương tôi nên muốn giúp tôi. Nếu Trọng không giúp thì tôi cũng sẽ tìm cách trốn được…” – Dương Chí Dũng khai tại tòa.

Theo Dương Chí Dũng, bị cáo đã có hướng dẫn của một cán bộ cấp cao trên Bộ Công an nên khá an tâm.

Tuy nhiên, sau đó, bị cáo Dũng cũng thừa nhận: “Theo tôi, quyết định trốn đi nước ngoài là quyết định sai lầm, để lại hậu quả nghiêm trọng cho gia đình, người thân và anh em”.

Trả lời HĐXX, các nhân chứng là bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (vợ của Dương Tự Trọng), Phạm Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) khai không hay biết việc Dương Tự Trọng đưa anh trai mình đi bỏ trốn.

Sau đó, phiên tòa tiếp tục với phần các luật sư thẩm vấn các bị cáo. Đến 11h40, tòa tạm nghỉ, 14h cùng ngày, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

Theo Vietnam+/TPO

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Xét xử phúc thẩm công khai vụ Dương Tự Trọng và đồng phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO