Xin lỗi, cháu chỉ là du học sinh!
(Baonghean) - Chuyện du học sinh thì mình được nghe nhiều lắm. Nghe người bên này kể có mà người ở Việt Nam kể cũng chẳng thiếu. Có điều nghe xong cứ ngỡ như mình vừa được thưởng thức hai trường phái tranh đối lập nhau, nhiều khi thấy vừa buồn cười, vừa thương thương.
Trước tiên xin kể đến dòng tranh lãng mạn. Đây là cái trường phái của đa số phụ huynh và học sinh ở Việt Nam. Khi nói đến du học sinh và cuộc sống du học, họ sẽ vẽ ngay ra viễn cảnh cổ kính, tĩnh mịch của những thị trấn Anh quanh năm bồng bềnh trong sương, nước Pháp của ánh sáng và của rượu vang, bánh ngọt, nước Ý nên thơ mà hào nhoáng với những con đường thời trang xa hoa, nước Mỹ hối hả với nhịp sống không khi nào ngơi nghỉ...
Việc học ư? “Người ta bảo học đại học ở nước ngoài dễ ợt, có phải thi cử gì đâu, cứ nộp hồ sơ là trường nhận tuốt...”. Muốn kiếm tiền? “Thằng con nhà bác giỏi lắm, có hai tháng hè đi phục vụ vớ vẩn ở nhà hàng mà kiếm được mấy chục triệu đấy, Tết này nó còn tự mua vé về cơ mà, mua cả quà cho khắp họ hàng nữa, đúng là nước ngoài, bảo sao Tây chả giàu?”. Điều kiện sống? “Đất nước phát triển có khác, học sinh nước ngoài mà còn được nhà nước trợ cấp tiền nhà. Ăn uống thì đầy đủ, lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chứ chẳng như ở nhà...”.
Còn với giới trẻ thì cái mác du học sinh luôn có một sức hấp dẫn nhất định, chả thế mà mấy cậu nhóc đi du học vẫn hay nói đùa là về Việt Nam chỉ cần hở ra cái mác du học sinh một cái, các em gái xinh tươi cứ gọi là lẵng nhẵng chạy theo nhiều không kể xiết. Nói tóm lại, đi du học trong quan niệm của nhiều người ở mình cũng như một tấc đến giời, cứ cái gì của bên Tây là tốt, là hay, là sướng hết.
Còn trường phái hiện thực thì sao? Trường phái này được theo đuổi bởi đối tượng chính của câu chuyện du học, nghĩa là các du học sinh và một bộ phận (không đáng kể) các phụ huynh ở Việt Nam. Nếu như người mình vẫn thường ngộ nhận rằng chương trình học ở nước ngoài dễ hơn ở Việt Nam thì xin biết rằng việc thi lại, học lại là câu chuyện muôn thuở của đời du học. Đến nỗi với những bạn vừa sang, lời khuyên đầu tiên của các ma cũ là “Mày cứ chịu khó chăm chăm một tí, nếu sang được năm hai thì giỏi, còn đúp lại là chuyện bình thường”. Nếu như nhiều người nghĩ rằng kiếm tiền ở nước ngoài là dễ dàng (quả là khoản tiền mấy nghìn đô, mấy nghìn ơ-rô nghe có to tát so với thu nhập ở Việt Nam thật) thì đừng quên giá cả sinh hoạt ở nước họ cũng đắt đỏ hơn mình nhiều, vả lại người mình có quá ngây thơ khi nghĩ những đất nước tư bản lại hào phóng với đồng tiền đến thế?
Một nghịch cảnh hoàn toàn không hiếm là trong khi ở Việt Nam, nhiều gia đình có điều kiện để thuê người giúp việc thì ở nước ngoài, con cái họ lại đang phải nai lưng đi rửa bát, làm móng tay móng chân, làm giúp việc cho nhà người ta và trăm nghìn thứ công việc tay chân vất vả khác. Khi họ ung dung ngồi uống trà, xỉa răng, đọc báo, xem tivi còn người giúp việc cặm cụi lau dọn đến tận khuya, không biết họ có nghĩ đến con mình rất có thể đang làm những việc như thế, khác chăng là ở cách mấy ngàn cây số xa xôi?
Đi du học ấy hả? Còn khuya mới sướng! Đi du học khổ lắm ai ơi! Sung sướng gì đâu nơi đất khách quê người, tưởng như cái gì cũng đủ đầy mà thật ra cái gì cũng thiếu. Khi ốm thiếu một bàn tay chăm sóc, khi trời trở lạnh thiếu một cuộc điện thoại nhắn nhủ dặn dò, khi quay cuồng với áp lực học hành thiếu một lời động viên cổ vũ, khi vật lộn với cơm, áo, gạo, tiền thiếu một sự san sẻ, cảm thông.
Có những cái thiếu thốn không biết đến bao giờ người ở phương xa mới hiểu cho, như là thiếu một bữa cơm đạm bạc với thịt luộc mắm nêm chua, bát canh rau muống dầm sấu và đôi ba quả cà pháo, những cái ấy tuy nhỏ nhặt đến tầm thường nhưng có bánh mì, bơ sữa thượng hạng nào thay thế được? Đi du học là gì, là vất vả trăm đường, thiếu thốn trăm đường, cô đơn trăm đường, thế thôi!
Cho nên xin những người ở nhà đừng trông chờ và đòi hỏi quá nhiều ở cái mác du học sinh. Không phải vì du học sinh nai lưng làm lụng suốt mấy tháng hè, chắt chiu dành dụm mua được cặp vé về Việt Nam mà họ giàu có để mua quà to quà nhỏ, thậm chí là đem tiền về cho gia đình. Đi du học chứ không phải là đi xuất khẩu lao động, và với trăm nghìn nỗi lo phải đối mặt như thế thì trở về với chút ít chữ nghĩa trong đầu đã là tốt lắm rồi. Xin hãy chào đón họ bằng tình yêu thương và sự vỗ về, cảm thông chứ đừng để du học sinh ngồi lên máy bay rồi vẫn còn lo ngay ngáy, thay vì háo hức trông mong được trở về sau bao ngày xa cách. Suy cho cùng, xin lỗi, du học sinh cũng chỉ là học sinh thôi mà, phải không?
Hải Triều (Email từ Paris)