Xoa dịu nỗi đau
(Baonghean) - Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau vẫn hiện hữu trong đời sống. Vẫn còn những người trở về sau chiến tranh mang trong người “vết thương không chảy máu” do nhiễm chất độc da cam/dioxin. Những năm qua, bằng những việc làm thiết thực, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam ở Diễn Châu đã hỗ trợ, động viên hội viên vượt lên nỗi đau, khẳng định phẩm chất của người lính trong thời bình, tích cực xây dựng cuộc sống mới…
Năm nay đã 37 tuổi nhưng do bị di chứng chất độc da cam từ người cha từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nam bộ là ông Lê Văn Phúc (đã mất), anh Lê Văn Đức ở xã Diễn Hải không ý thức được cuộc sống xung quanh. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, mẹ của Đức cho biết: “Nuôi nó cực khổ lắm, mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải phục vụ. Tui bị bệnh ung thư vú từ năm 2009, nay đã di căn giai đoạn cuối, thỉnh thoảng phải đi truyền hóa chất. May nhờ Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện, xã nhiều lần giúp đỡ, hỗ trợ sửa chữa nhà; các nhà hảo tâm, bà con hàng xóm cũng cưu mang, không thì chẳng biết mẹ con tôi phải sống ra sao nữa!”. Xã Diễn Hải hiện có 64 đối tượng nạn nhân chất độc da cam, trong đó 13 người nhiễm trực tiếp, 51 người thuộc thế hệ con, cháu bị di chứng, hầu hết trong số này mang nhiều bệnh tật, dị dạng. Ông Trần Văn Tiến – Chủ tịch UBND xã Diễn Hải cho biết: “2 năm trở lại đây, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện, xã đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam như: hỗ trợ vay vốn sản xuất, hỗ trợ về nhà ở… Nhờ các hoạt động tích cực đó, đến nay, đời sống của các gia đình nạn nhân đã bớt khó khăn, chỉ còn 30% hộ nghèo, 40% trung bình, 30% khá trở lên”.
Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Diễn Châu và xã Diễn Hải tặng quà cho gia đình hội viên. |
Do di chứng chất độc da cam từ bố để lại, anh Nguyễn Văn Cường (SN 1977), ở xóm Hải Bắc, xã Diễn Bích bị khuyết tật hai tay, sức khỏe yếu. Bố mẹ mất, anh phải nuôi thêm người 2 em cũng bị nhiễm chất độc da cam nên hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Được sự quan tâm của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Diễn Châu, cấp uỷ, chính quyền xã Diễn Bích, tháng 10/2013, gia đình anh được hỗ trợ xây mới ngôi nhà có diện tích hơn 40 m2, với tổng kinh phí gần 90 triệu đồng, trong đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện hỗ trợ 15 triệu đồng, còn lại là gia đình, anh em, làng xóm giúp đỡ kinh phí và ngày công lao động.
Theo thống kê, Diễn Châu hiện có hơn 1.566 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang được hưởng chế độ, trong đó có hơn 785 người bị nhiễm trực tiếp do tham gia kháng chiến, số còn lại là con, cháu của những đối tượng trên. Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Diễn Châu đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nhằm sẻ chia khó khăn, xoa dịu nỗi đau mà họ phải gánh chịu. Hội đã tiến hành rà soát các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn, các nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo để kịp thời trợ giúp. Qua khảo sát cho thấy, có khoảng hơn 200 người trực tiếp bị nhiễm trong thời gian hoạt động kháng chiến bị mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn; 250 cháu bị dị dạng, không tự phục vụ được và hơn 30 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc gia đình không đủ khả năng phục vụ. Tuy những năm vừa qua, các chế độ trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam đã được cải thiện rất nhiều nhưng nhìn chung, đời sống của các gia đình nạn nhân chất độc da cam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, còn thấp hơn nhiều so với mức sống bình quân của người dân toàn huyện.
Công tác chăm sóc đời sống nạn nhân đã được Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Diễn Châu xác định là nhiệm vụ trọng tâm, với phương châm: “Tự vận động cứu trợ tại chỗ là chính”. Hội phối hợp với Ủy ban MTTQ các cấp và các ban, ngành, đoàn thể, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân về thảm họa da cam ở Việt Nam, qua đó, kêu gọi các cá nhân, đơn vị, các nhà hảo tâm giúp đỡ nạn nhân khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đến nay, Huyện hội đã thành lập được 37/39 hội nạn nhân chất độc da cam cấp xã với trên 1.505 hội viên, trong đó có 1.450 hội viên là nạn nhân. Thông qua tổ chức hội cơ sở, công tác chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam ngày càng tốt hơn. Các cấp hội đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, phát động các các phong trào: “Vì nạn nhân chất độc da cam”, “Tết vì nạn nhân chất độc da cam”…
Đến nay, các cấp hội đã vận động ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin được trên 2,7 tỷ đồng, trong đó gần 2,5 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Từ số tiền trên, các cấp hội đã giúp đỡ tặng trên 800 suất quà trong dịp lễ, tết trị giá trên 240 triệu đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 40 nhà cho nạn nhân với số tiền hơn 600 triệu đồng; giúp đỡ 30 hộ có khó khăn về điều kiện sản xuất, trung bình mỗi hộ 6 triệu đồng; trao 75 suất học bổng, mỗi suất 2 triệu đồng cho học sinh học giỏi là con của các gia đình bị nhiễm chất độc da cam; trợ cấp khó khăn cho những hộ có hoàn cảnh đặc biệt với tống số tiền hơn 160 triệu đồng… Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, số tiền vận động được là 650 triệu đồng; hỗ trợ 13 gia đình làm nhà mới với số tiền 185 triệu đồng; hỗ trợ 5 gia đình mua trâu, bò sản xuất 30 triệu đồng.
Từ sự hỗ trợ của các tổ chức hội, đã có nhiều tấm gương nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, tiêu biểu là trường hợp ông Nguyễn Thanh Tùng (SN 1954) ở xóm 11, xã Diễn Thành. Từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Bình – Trị - Thiên từ năm 1972, xuất ngũ năm 1986, ông Tùng trở về địa phương mà không biết mình đã bị phơi nhiễm chất độc dioxin. Ông chỉ nhận ra điều này sau khi lập gia đình và có 3 người con, trong đó có một người con gái bị dị dạng, thiểu năng trí tuệ. Bản thân ông và các con thường xuyên bị những con đau hành hạ, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Tuy vậy, ông không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đã chủ động vượt lên nỗi đau riêng, cùng sẻ chia gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cuối năm 2011, được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Diễn Châu, ông mạnh dạn thành lập xưởng sản xuất thảm lau chân. Nhờ sự cần cù, chịu khó, năng động của ông Tùng cùng sự quan tâm thường xuyên của các ban, ngành, đoàn thể, đến nay xưởng đã thu hút gần 50 lao động, trong có có khoảng 10 lao động là con em nạn nhân chất độc da cam trong xã, với mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. Ông Tùng tâm sự: “Sự động viên, chia sẻ của Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện, xã đã tạo thêm động lực cho tôi vượt qua khó khăn. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô xưởng, phát triển sản xuất để dạy nghề, tiếp nhận nhiều hơn lao động là con em nạn nhân chất độc da cam”. Đó là trường hợp ông Nguyễn Văn Đức (SN 1954) ở xóm 9, xã Diễn Lợi. Đi bộ đội năm 1971 vào chiến trường Tây Nguyên, xuất ngũ năm 1976, di chứng chất độc da cam khiến ông Đức bị khoèo chân, tay, người con trai duy nhất của ông cũng bị dị dạng. Nhưng nhờ sự hỗ trợ cho vay phát triển sản xuất của Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện, 3 năm qua, ông đã phát triển được một trang trại chăn nuôi với vài trăm con gà và hàng chục con gia súc các loại, trở thành một hộ khá ở địa phương…
Ông Cao Đăng Niên - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện cho biết: “Thời gian tới, Huyện hội sẽ tham mưu cấp ủy, chính quyền và các ngành liên quan chuẩn bị đề án thành lập Quỹ nạn nhân chất độc da cam ở huyện. Đó sẽ là những hỗ trợ quý giá để các nạn nhân chất độc da cam/dioxin có thêm niềm tin vượt qua những nỗi đau, thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống”.
Minh Quân