Xóm biển của tôi

26/08/2013 18:33

(Baonghean) - Đại gia đình tôi sống ở xóm biển Quỳnh này từ rất lâu rồi. Không nhớ chính xác bao đời, bao nhiêu năm. Ba tôi bảo: “Từ nhỏ lớn lên, đã thấy biển ở cạnh nhà”. Ông nội tôi hơn 80 tuổi móm mém: “Nội sống và thấy biển cũng từ khi còn rất nhỏ”. Và tôi sống và lớn lên ở xóm biển như một lẽ tất yếu.

Xóm biển tôi nghèo lắm! Phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái và đan lưới, đàn ông ra khơi. Trẻ con ngoài buổi đến trường, buổi còn lại hoặc lêu lổng ngoài bờ biển đá banh, đánh khăng, nhảy dây hoặc lang thang nhặt những con ốc bị sóng dạt trôi vào gần bờ. Thuở bé, tôi luôn tỏ vẻ không thích nếu một ai đó nói tôi là dân xóm biển, dù tôi là dân biển chính gốc. Bởi “Trẻ con xóm biển thì không biết học giỏi đến độ nào nhưng lười nhác, lêu lổng”. Tôi ghét cách họ chỉ nhìn vào “bề nổi” của một số ít mà đánh giá. Tôi là anh cả của hai nhóc em. Ngoài việc học tập, tôi còn phải quản hai em, giúp mẹ cơm nước.



Minh họa: Hồng Toại

Mẹ không ở nhà đan lưới như những phụ nữ xóm biển Quỳnh. Mẹ tằn tiện sắm một chiếc xe Cup, rồi lấy cá từ bến đi các xã miền núi khác để bán. Bà chạy chợ như một con thoi, hết sáng, lại chiều và tối mịt mới trở về nhà.

Ba tôi thì đi biển suốt tháng, trừ một số ngày ở nhà vì biển động. Ba có khuôn mặt rám đen đặc trưng của người dân vùng biển. Tôi ít khi nói chuyện với ba, bởi một lẽ ba xa nhà suốt. Đó là con diều bảy màu của thằng Thắng. Ba nó ở xóm trên, làm mộc. Đó là chiếc rổ nhỏ xíu được đan bằng tre đẹp ơi là đẹp. Tôi chỉ yêu quý ba khi ông đem những món quà từ biển về: chiếc vỏ ốc rất đẹp, có gai to bự. Mỗi lần buồn, tôi thường ra ngoài hiên áp vỏ ốc vào tai mà nghe sóng vỗ rì rào. Quà của ba còn là cụm san hô đủ màu sắc, làm lũ bạn trầm trồ khen ngợi.

Năm tháng trôi đi cũng là những lúc trong tôi lớn lên nhận thức được nhiều điều. Biển không êm đềm như tôi tưởng. Biển thường cho tôi cảm giác bồn chồn, lo lắng…

Những đêm trời trở gió, chiếc ra đi ô cũ, tiếng cô phát thanh viên khi được khi mất vì sóng yếu nhưng mẹ và tôi cũng đủ nhận ra được ngoài biển đang có bão. Những cơn bão được đánh số thứ tự, hay được đặt tên rõ ràng. Mẹ tất bật, bỏ dở bát cơm chạy vội đến nhà bác Thành – người duy nhất có thông tin liên lạc giữa các thuyền đánh cá ngoài khơi. Không hẹn mà gặp, tất cả những phụ nữ có chồng đang ở ngoài khơi đều tập tụ tại nhà bác Thành.

Mẹ trở về nhà khi gió ngoài trời đã rít từng hồi dữ dội. Trên khuôn mặt mẹ, tôi chưa thấy sự lo lắng nào hơn lúc này. Kể cả năm tôi rớt tốt nghiệp THCS, mẹ cũng không lo lắng đến vậy. Và tôi hiểu ra tại sao mẹ không cho tôi theo nghề biển để mưu sinh sau này. Ngoài trời, gió mỗi lúc mỗi mạnh. Mưa gió quyện vào nhau, rít từng hồi, phả từng đợt lên mái nhà. Mẹ ôm hai đứa em vào lòng siết chặt. Còn tôi ngồi co ra trong bóng tối cầu mong cho thuyền cá của ba “tai qua nạn khỏi”!

Một đêm mưa bão trôi qua chậm chạp, tôi ước chừng như thời gian kéo dài vô tận. Và ơn trời, bão tan cũng là lúc trời tảng sáng.

Dưới bến, phụ nữ bồng bế con ra. Họ không mang theo những dụng cụ hàng ngày như rổ rá để đựng cá tôm. Họ ra bến để ngóng tin chồng sau cơn bão đêm qua. Phía đầu bến, tôi thấy con Hồng, nó mím chặt môi, níu áo mẹ. Thằng Hưng cao lớn, đen nhẻm dìu bà nó. Lần lượt từng con thuyền cập bến. Niềm vui lan tỏa trên khuôn mặt người thân khi chồng, cha, chú của họ trở về bình yên.

Tôi và mẹ cũng tột bậc niềm hạnh phúc khi thấy ba trở về. Nhưng đâu phải ai cũng tận hưởng được cái cảm xúc như mẹ con tôi. Có tiếng khóc xé lòng, tiếng kêu than trời. Tôi biết, lúc đấy có một người đã mãi mãi ở lại với biển. Câu thơ mà người ta thường nói về những người phụ nữ có chồng đi biển vô tình tôi đọc được: “Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”, tôi càng thương hơn những phụ nữ xóm biển.

Tôi không đủ can đảm theo đuổi nghề biển để mưu sinh. Nhưng với tôi, biển luôn đong đầy ký ức. Cho dù có vài mảng ký ức đau thương, tôi vẫn tự hào là người con của xóm biển!


Cao Văn Quyền

Mới nhất
x
Xóm biển của tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO