Xóm "chè xanh"
(Baonghean) - Mỗi ngày 3 bận, cả xóm lại hội tụ tại một nơi đã định để thưởng thức nước chè xanh, mà người quê quen gọi một cách giản dị là “nước mới” hay “nước chát”. Nếp quê vốn đang dần vắng bóng ở miền xuôi vẫn được những người dân làng “khai hoang” duy trì giữa chốn sơn cước.
Thôn Bãi Ổi, thuộc xã Chi Khê (Con Cuông), được lập bởi những người lên núi để tránh cái nghèo. Bấy giờ là vào năm 1961, 78 người đến từ xã Nam Lâm, huyện Nam Đàn lên chọn bãi đất tả ngạn sông Lam kiếm kế sinh nhai. Ban đầu bãi đất chỉ có giống ổi là sinh sôi mạnh mẽ nhất. Từ đó mà thành tên làng. Thấm thoắt hơn nửa thế kỷ trôi qua, phần lớn những người lên núi lập làng ngày ấy đã là bậc cố, bậc ông… Nửa thế kỷ cũng đủ lâu để có những thứ bị phai nhạt, nhưng nếp quê những người khai hoang mang theo vẫn được duy trì. Đó là thói quen quần tụ bên ấm chè xanh.
Quây quần uống nước chè xanh tại nhà ông Bùi Ngọc Minh. |
Từ ngày còn là một chàng trai trẻ, nay đã ngoài lục tuần, ông Bùi Ngọc Minh chưa bao giờ bỏ thói quen đã thành cố hữu, nấu chè xanh vào buổi sớm mai. Đó là nếp sống được chính thế hệ trước truyền đời. Sáng, khi còn chưa tỏ mặt người, sương núi còn đọng đầy trên cành cây, ngọn lá ông đã trở dậy nổi lửa bắc nồi nấu nước. Trong khi chờ nồi nước sôi, ông cắp rổ ra vườn đồi cách nhà chừng nửa cây số hái chè. Chỉ một loáng sau, ông đã có nồi nước chè đãi khách. Ngày trước, ông nấu chè trong những chiếc siêu lớn hay nồi đất, bây giờ thì làm chè om vừa nhanh, lại thơm ngon hơn. Trong làng ai cũng thích thế. Ẩm khách của ông là ông Thắng, ông Dinh, ông Quỳnh, bà Hải… tất cả đều là hàng xóm thân thuộc từ thời chăn trâu, cắt cỏ. Toàn thôn có ngót 500 con người, số làm công ăn lương Nhà nước chỉ có dăm ba người, còn nữa họ đều là những nông dân thực thụ. Sáng dậy, sau bữa sáng ai cũng muốn tranh thủ uống vài bát nước chè xanh, trao đổi vài câu chuyện rồi quáng quàng ra với đồng đất chạy đua cùng thời vụ. Ông Minh chia sẻ: “Từ hồi trẻ đến dừ, chưa khi mô nhà tui ngớt nước chè. Ông ốm thì bà làm thay. Sáng dậy, không cần phải gọi, mọi người đã biết đến đây uống nước. Trưa thì sang nhà ông Dinh uống. Tối lại đi nhà khác, cứ thế luân phiên nhau”. Nhờ đó mà thành một nếp sống của làng. Tính ra, cả thôn Bãi Ổi hiện giờ có đến cả chục nhóm “uống nước mới”, tạo nên mối dây đoàn kết của cộng đồng.
Ông Bùi Đình Thắng, một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên lên đây cũng đã ngoại tuổi bát tuần, từng sống qua hai chế độ. Ông kể: Hồi trước, những ngày đầu làm cách mạng phải đối mặt với trăm bề nguy nan, để che mắt kẻ thù, những người làm cách mạng quê ông ở Nam Đàn thường tổ chức tuyên truyền về chủ nghĩa Mác và phong trào cộng sản trong những buổi uống nước chè. Người ta gọi nhau “đi uống nước chè” nhưng thật ra là đi nghe nói chuyện cách mạng. Chính quyền phong kiến biết đấy nhưng cấm làm sao được, người dân đi uống nước chè đã thành thói quen cả trăm năm...
Rồi ngày cách mạng thành công, những người dân quê lại lao vào công cuộc xây dựng. Số người lên non làm kinh tế mới lại mang theo những nếp quê đến với miền đất mới. Dẫu rằng khi ngồi dưới hầm tránh bom những năm chống Mỹ, cuộc sống của những người khai hoang thôn Bãi Ổi vẫn không thể thiếu những bát nước chè xanh. “Lên đây, thấy dân bản người ta cũng trồng chè, bầy tui mang giống về trồng. Ai ngờ chè đất này cũng chẳng kém cạnh chè Gay bao nhiêu”. Ông Vĩnh chia sẻ: Giống chè vốn ưa nắng, thích hợp với vùng đất đồi. Hạt chè mang về ươm được 3 lá thì đem trồng. Qua năm đầu, cây chè cứng cáp rồi mới chăm sóc. Nghe qua kỹ thuật trồng chè núi của người dân Bãi Ổi, thấy thật lạ, nhưng đó là kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn qua nhiều chục năm. Nơi đây, người ta chủ yếu trồng chè ven vườn đồi để phục vụ nhu cầu gia đình là chính, không mấy ai nghĩ đến chuyện biến nó thành hàng hóa như đặc sản chè Gay vốn đã có tiếng trong tỉnh.
Câu chuyện quanh ấm chè xanh tàn vừa lúc mặt trời nhô lên khỏi chóp núi, ai nấy lại hối hả ra đồng. Mùa này, bà con nông dân thôn Bãi Ổi đang vào vụ hái chanh...
Bài, ảnh: Hữu Vi